- Sự thực là chất lượng các khu tái định cư đã được cải thiện nhiều so với trước khi sửa đổi Luật Đất đai 1993. Tuy nhiên, cho dù đã không còn hiện tượng người dân bị thu hồi đất ở chưa nhìn thấy nơi tái định cư ở đâu đã bị đuổi khỏi nhà, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật Đất đai, Nghị quyết số 26 được Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng lần thứ VII, khóa IX thông qua là: Nơi tái định cư phải có điều kiện phát triển tốt hơn hoặc bằng so với nơi ở cũ. Điều này được thể hiện qua hai điểm dưới đây.
"Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi đã nhìn thấy những bước phát triển lạc quan trong vấn đề giải quyết tái định cư. Gói kích cầu của Chính phủ và ngân sách địa phương đã dành một phần khá lớn cho đầu tư các dự án nhà ở tái định cư, khiến cho khả năng đa dạng hóa các khu tái định cư đang dần trở thành hiện thực. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã hứa là trong năm 2010, người dân mất đất ở - nhà ở sẽ được quyền lựa chọn nơi ở tái định cư, một hứa hẹn có đủ tính khả thi. Tôi cho rằng, nếu được sự quan tâm sát sao của các địa phương, việc giải quyết nhà ở tái định cư sẽ có được bước nhảy mạnh mẽ, tương tự như bước nhảy trước đây khi khắc phục hoàn toàn được tình trạng đuổi người dân ra khỏi nhà khi mà họ chưa nhìn thấy nơi ở mới" - GS-TSKH Đặng Hùng Võ |
Thứ nhất, khi chuyển đến nơi tái định cư, người dân bị thu hồi đất ở không có điều kiện tiếp tục kiếm sống bằng nghề cũ đã làm. Khi chưa mất đất ở - nhà ở, người dân có thể gắn nơi ở với kinh tế hộ gia đình, làm vườn tược, kinh doanh các dịch vụ, kể cả việc mở quán cóc bán trà đá. Bây giờ, chuyển đến nơi ở mới tại khu tái định cư, chủ yếu là chung cư nên họ không còn điều kiện để tiếp tục làm kinh tế hộ gia đình. Vì thế, trên thực tế, đa số người dân mất đất ở - nhà ở, đã bán nhà ngay sau khi vừa nhận nhà tại khu tái định cư, lấy tiền mua nhà ở tại những nơi dễ tìm kiếm công ăn việc làm, đảm bảo đời sống gia đình. Thậm chí, ở Hà Nội và TP.HCM còn diễn ra tình trạng bán “lúa non” suất tái định cư cho giới đầu cơ để rồi sau đó nhà được bán lại với giá cao hơn cho những người khác có nhu cầu.
Thứ hai, chất lượng nhà tái định cư hiện rất thấp. Chỉ bằng mắt thường chúng ta cũng có thể nhận thấy trần và tường nhà được xây và trát thiếu xi măng, kết cấu cũng được làm theo kiểu cho qua chuyện. Chất lượng dịch vụ như vệ sinh, điện, cấp - thoát nước, công trình công cộng... vừa yếu kém vừa thiếu. Nhiều khu tái định cư không bảo đảm gắn liền với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, chất lượng cuộc sống ở mức rất thấp.
* Thưa ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng kể trên?
- Tôi cho rằng, mặc dù đã có chủ trương nhưng trên thực tế, chúng ta chưa tiến hành quy hoạch tổng thể khu tái định cư cho từng địa phương. Từ trước đến nay, chúng ta đang loay hoay với việc xây dựng khu tái định cư kịp thời cho từng dự án. Vì thế, các địa phương chưa thể cung cấp đa dạng các loại hình tái định cư và người dân bị mất đất ở - nhà ở chưa có quyền được lựa chọn khu tái định cư phù hợp để ở.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai công tác tái định cư chưa được như mong muốn là do thiếu kinh phí để xây dựng trước các khu tái định cư. Lãnh đạo nhiều địa phương còn thiếu quyết tâm, mặc dù HĐND các tỉnh, theo tôi được biết, rất quan tâm đến lĩnh vực này. Một nguyên nhân nữa, UBND cấp tỉnh cũng như các chủ đầu tư ở nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng đúng mức lợi ích chính đáng của người dân mất đất ở - nhà ở. Tiền bồi thường và hỗ trợ người dân nhận được thấp mà tiền phải trả cho suất tái định cư lại cao.
* Vậy theo ông, cần phải làm gì để cải thiện chất lượng các khu tái định cư, nâng cao chất lượng đời sống của người dân sinh sống tại đây?
- Điểm mấu chốt là chúng ta phải tổ chức thực hiện tái định cư chung cho tất cả các dự án của địa phương, cần chấm dứt việc tái định cư theo từng dự án. Việc thực hiện tái định cư chung cho cả địa bàn cần tới một quy hoạch tổng thể, một chương trình xây dựng nơi tái định cư dài hơi và sẽ tạo ra quỹ nhà tái định cư đa dạng về chất lượng, diện tích, tọa lạc tại nhiều vị trí khác nhau và kết nối hợp lý với các khu vực dân cư kế cận với điều kiện đủ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, quan trọng hơn cả là tạo điều kiện để người được tái định cư có quyền được lựa chọn nơi phù hợp với hoàn cảnh của mình. Tất nhiên, đây là cách làm chủ động nhưng cần một tầm nhìn, tư duy và năng lực đủ dài hơi.
Khi thực hiện các dự án, xây dựng các khu tái định cư, việc cần làm là phải tiến hành giám sát chặt chẽ quá trình thi công công trình và cuối cùng là khâu thẩm định - đánh giá chất lượng công trình. Các nhà quản lý cần tạo ra hành lang pháp lý đủ hiệu lực và hiệu quả cho các hoạt động tư vấn giám sát thi công và đánh giá chất lượng công trình xây dựng nhà ở, các nhà quản lý không đi làm trực tiếp các công việc này. Mặt khác, cần khuyến khích phát triển các hoạt động cung cấp dịch vụ giám sát thi công và đánh giá chất lượng đối với các công trình xây dựng nhà ở. Các nước phát triển họ cũng làm như vậy, chỉ có điều họ làm với một ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn và văn hóa thị trường cao hơn.
Một giải pháp chiều sâu nữa, theo tôi nghĩ cần phải nâng giá bồi thường về đất ở - nhà ở sao cho tương xứng với giá thị trường, để đảm bảo điều kiện người được tái định cư có thể tiếp cận được với những nơi tái định cư chất lượng cao hơn và điều kiện phát triển tốt hơn. Một chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ hài lòng của người được tái định cư là tỷ lệ người được tái định cư không bán nơi được tái định cư mà tiếp tục ở lại đó trên tổng số người được tái định cư.
Quang Duẩn
(thực hiện)
Bình luận (0)