"Quảng Nam hay cãi" - thiệt không? - Kỳ 3: Chiêu thức “trước cãi, sau thương”

06/01/2010 11:15 GMT+7

Bạn là người đàn ông lần đầu tiên gặp và bày tỏ sự thân mật với một cô gái. Nếu là cô gái Hà Nội, cô ta sẽ phản ứng khá dịu dàng: “Ấy chết, anh buông tay em ra”. Còn cô gái Huế sẽ phản ứng cực kỳ nhỏ nhẹ: “Tội nghiệp em, em còn nhỏ mà”. Còn cô gái Nam bộ có thể sẽ nói: “Coi chừng người ta thấy”...

Nhưng nếu đó là cô gái Quảng Nam, cô sẽ phản ứng rất thô bạo: “Chớ ông làm cái chi rứa? Ông bỏ tay tui ra chưa?”. Gặp trường hợp như vậy xin bạn đừng quê độ, đừng sốc. Người Quảng Nam luôn trả lời bằng một câu hỏi mà. Xin hãy cứ bình tĩnh và tiến tới. Cho đến khi cô gái Quảng Nam nói với bạn: “Chu, cái ông ni dễ thương kinh” thì có nghĩa là bạn đã thành công.

Đặc biệt, người Quảng Nam thường trả lời câu hỏi của bạn bằng một câu hỏi ngược lại. Thí dụ bạn hỏi: “Đi một mình đến đây à?”, người ta sẽ trả lời: “Một mình chớ mấy mình?” hoặc nghiêm trọng hơn: “Thấy một mình răng còn hỏi lui hỏi tới?”.

Ở chừng mực nào đó, người hay cãi giúp đối tượng có cơ hội tự nhìn lại mình. Tôi có một ông bạn có con thi đại học 14 năm trước đây. Môn toán của cháu không biết làm sao chỉ đạt điểm 2. Anh mang hồ sơ khiếu nại đến cho tôi coi và thuyết pháp đến... vài giờ rồi mới đi cãi.

Tôi nghĩ bụng chắc anh chẳng làm ra cái cơm cháo gì. Ấy vậy mà anh cãi hay đến nỗi người ta phải phúc khảo lại điểm toán cho thằng bé. Điểm phúc khảo đạt 8 điểm. Nó đậu hoành tráng. Tiếc là anh bận làm kinh tế, không viết lại quyển Nghệ thuật cãi điểm thi cho... đời sau học tập. Tôi nghĩ các vị giám khảo phải cảm ơn anh bạn tôi.

Nếu hiểu cãi như một cách phản biện để tìm ra cái đúng thì việc cãi của người Quảng Nam thật sự rất hay. Người Quảng Nam biết cãi là ở một chừng mực nào đó thể hiện được dũng khí của mình. Ít nhất trước một sự kiện, tình huống nào đó của cuộc đời, người biết cãi cũng thể hiện được một thái độ sống.

Khi người ta lên tiếng cãi là người ta không vô cảm, không hờ hững với đời. Nếu ta đi trên đường đời mà việc gì cũng tai ngơ mắt lấp, không nghe, không thấy, không biết và không có ý kiến thì sống làm gì? Cãi là một cách chứng minh quyền bình đẳng. Anh ỷ anh ăn miếng ngon, mặc áo veste, ở nhà lầu, đi xe đời mới mà nói bậy là tôi được quyền cãi chứ!

Tuy nhiên cũng có khía cạnh khác trong cái cãi này, chẳng ai ghi lại thành nhật ký nhưng người Quảng Nam nhớ rất dai, đặc biệt là những chuyện làm họ bực mình. Thế là họ đợi có dịp gặp nhau để... cãi. Dịp tốt nhất để cãi là đám giỗ. Trời ơi, những chuyện thời "cố lũy cố lai" nào đó được dịp tuôn ra khiến chủ nhà mời đám giỗ lo cuống quýt, sợ khách... ra quyền cước.

Viễn tổ của tộc Vũ Văn chúng tôi vốn người Thanh Hóa, vào Quảng Nam khai khẩn vùng đất hạ du sông Thu, lập làng từ trên năm thế kỷ trước. Làng ấy bây giờ là xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên.

Theo các bậc trưởng thượng kể lại, năm Thành Thái thứ 13 (1902), hai tộc Vũ Văn và Nguyễn Tấn tranh nhau cái tiền hiền. Ban đầu họ cãi nhau bằng miệng, sau đó dùng tới gậy gộc, giáo mác. Phụ nữ lo tiếp cơm nước, đàn ông lo đánh nhau chỉ để giữ tấm bia tiền hiền đầu làng. May mắn sau đó có sắc phong của vua Thành Thái về công nhận Vũ Đức tộc đứng vai tiền hiền.

Mọi chuyện tạm yên nhưng các cụ vẫn ấm ức, dặn trai gái hai tộc không được lấy nhau. Chuyện xảy ra năm 1902 mà tới năm 1959, trưởng tộc còn dặn dò con cháu. Rứa mới kinh!

Chuyện “đòi công lý” đời nay

Mới đây, một phụ nữ tên Lê Thị Hoa, ở tổ 27, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã bồng con đứng suốt đêm về sáng để phản đối cây xăng gian lận. Ấy là chuyện xảy ra ở cây xăng của Công ty TNHH một thành viên Dầu khí miền Trung (284 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).

Chiều tối 7-11, chị Hoa đưa xe máy đến đây đổ 30.000 đồng tiền xăng. Nhân viên đổ xong thì chị Hoa phát hiện chỉ số trên đồng hồ điện tử nhảy một mạch từ 11.000 đồng lên 25.000 đồng. Nghi cây xăng gian lận, chị Hoa rút số xăng trong xe máy ra đong lại trước sự chứng kiến của nhân viên cây xăng cùng nhiều người dân. Kết quả, số xăng rút ra từ xe chỉ khoảng 20.000 đồng. Tuy nhiên, nhân viên ở đây vẫn không thừa nhận gian lận.

Chị Hoa quyết định bồng con đứng suốt đêm tới sáng để... phản đối. Đến sáng 8-11, thêm gần 100 người dân khác tụ tập đến để “tố” cây xăng thường xuyên gian lận. Cuộc “bao vây” đòi công lý kéo dài tới khi Chi cục Quản lý thị trường TP và Công an quận Sơn Trà tiến hành niêm sáu cây xăng để giám định, điều tra và trả lời trước dân.

Kim Em

Vũ Đức Sao Biển/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.