Năm 1519, người Tây Ban Nha bắt đầu chinh phục Mexico. Thay vì một đất nước sơ khai và man rợ, họ bắt gặp trong sự ngỡ ngàng một nền văn minh phát triển rất cao – nền văn minh Maya - ra đời ở Trung Mỹ trước Chúa Giêsu mấy ngàn năm. Ngoài chữ viết, trình độ toán học và thiên văn của người Maya - đặc biệt là kiến thức về thời gian, mùa và chu kỳ - đều vượt xa các dân tộc châu u cùng thời.
Lịch Maya
Người Maya sử dụng chủ yếu hai bộ lịch. Thứ nhất là lịch “Haab” giống như dương lịch thời nay. Thứ hai là lịch “Tzolkin” giống như âm lịch, còn gọi là “lịch thiêng”. Mặc dù lúc đó chưa có kính thiên văn, chỉ quan sát các vì sao bằng mắt trần, người Maya vẫn tính được một năm có 365,2420 ngày. Mức độ chính xác không thua những tính toán bây giờ là 365,2422 ngày.
Lịch “Haab” tính một năm có 360 ngày và một tháng có 20 ngày “tốt”, chia ra thành 18 tháng. Năm ngày dôi ra được cho là ngày “xấu”. Lịch “Tzolkin” tính một năm chỉ có 260 ngày được chia thành 20 chu kỳ (thay vì tháng), mỗi chu kỳ có 13 ngày. Các giáo sĩ dùng lịch này để dự báo tương lai và xua đuổi vận xui.
Theo người Maya, một năm 360 ngày gọi là Tun, còn 144.000 ngày (hơn 394 năm) gọi là Baktun. Lịch “Tzolkin” tính theo Baktun có tất cả 13 Baktun. Và ngày cuối cùng của Baktun thứ 13 rơi vào ngày 21-12-2012. Người Maya chỉ tính đến đó rồi thôi. Chính điểm này khiến cho nhiều người, nhất là New Age – một phong trào triết lý và giáo phái duy linh tin tưởng có kiếp sau - diễn giải rằng ngày 21-12-2012 sẽ là một ngày có nhiều đại họa gần giống như tận thế.
Sấm truyền của phái New Age
Phái New Age lập luận rằng do ngày cuối cùng của mỗi Baktun thường ứng với thiên tai, dịch họa, ngày 21-12-2012 báo hiệu một ngày có rất nhiều thảm họa rùng rợn, thậm chí tận thế, chấm dứt chu kỳ 5.126 năm. Đó là núi lửa đồng loạt phun trào dữ dội, siêu động đất trên diện rộng, sóng thần cao như nhà chọc trời tàn phá các bờ biển, từ trường quay ngược 180 độ (Bắc trở thành Nam và ngược lại) làm đảo lộn khí hậu khiến trái đất trở lại thời kỳ băng hà, hậu quả của hiện tượng mặt trời, trái đất và “lỗ đen” nằm ở tâm dải ngân hà đứng thẳng hàng.
Chưa hết, có một nhà văn Nga tên Zecharia Sitchin còn “bói” rằng có một hành tinh khổng lồ “ma” lớn gấp 4 lần trái đất có tên Niburu lẩn trốn ở đâu đó trong thái dương hệ cho nên các nhà thiên văn chưa thấy bao giờ. Cứ 3.600 năm (một chu kỳ theo tình toán của người Maya) hành tinh này bay gần trái đất gây ra thiên tai khủng khiếp, thậm chí có thể đụng trái đất!
Những người khác lại dự báo rằng vào ngày 21-12-2012 xảy ra đại dịch khắp thế giới, chiến tranh hạt nhân bùng nổ, kinh tế toàn cầu sụp đổ hoàn toàn, người ngoài hành tinh tấn công địa cầu v.v...
Chẳng có gì đặc biệt
Don Allejandro, một thầy pháp Maya ở Guatemala, than phiền nhiều người nhân danh khoa học đưa ra những lời tiên tri bậy bạ, phi lý về ý nghĩa ngày 21-12-2012 trong lịch Maya. Ông nhấn mạnh: “Chẳng có gì đặc biệt trong ngày ấy cả”.
E.C.Krupp là một nhà thiên văn lỗi lạc, giám đốc đài thiên văn Griffith ở Los Angeles. Là một chuyên gia nổi tiếng trên thế giới về thiên văn cổ đại, trong đó có Maya, ông nhấn mạnh: “Ý tưởng tận thế xảy ra vào ngày 21-12-2012 là do diễn giải sai lịch Maya”. Thật vậy, theo bà Susan Milbrath, chuyên gia về thiên văn cổ Maya, không có văn tự Maya nào nói có tận thế.
Donald Yeomans, giám đốc chương trình NEO (vật bay gần trái đất) của NASA, bình luận về “sấm” hành tinh Niburu, nhận định: “Nỗi lo một hành tinh mới va chạm với trái đất là ngớ ngẩn”. Lập luận cho rằng Niburu có thể giấu mình đằng sau mặt trời, theo ông là bịa đặt vì nếu có thì nó chỉ có thể ẩn đằng sau mặt trời vài ngày. Hơn nữa một hành tinh bay quanh mặt trời không thể tàng hình mãi mãi không thể quan sát từ trái đất. Nhật báo Pasadena Star News dẫn nguồn NASA cho biết các máy điện toán siêu mạnh của NASA đã tính rồi, trong vòng 100 năm tới, không có NEO nào xáp lại gần trái đất một cách nguy hiểm cả.
Về lịch của người Maya, Yeomans cho rằng xưa nay nó đã bị sử dụng và diễn giải sai nhiều. Ông cho rằng ý nghĩa ngày 21-12-2012 cũng giống như ăn mừng đêm giao thừa chứ không liên quan gì đến tai ương hay thảm họa rùng rợn. Ông nhắc lại rằng ngày 31-12-1999, cả thế giới cũng rộ lên tin đồn tận thế khi chuyển qua thiên niên kỷ mới. Giờ thì ai cũng biết đó là “tiên tri xạo”.
Lật mặt khoa học giả hiệu
Để phản biện hữu hiệu những lời sấm lan tràn trên mạng, NASA còn mở một trang web về “Sấm truyền 2012”. Trong đó, nhiều nhà khoa học chân chính trưng ra những bằng chứng khoa học để phản bác những lập luận khoa học giả hiệu.
Về giả thuyết trái đất, mặt trời và “lỗ đen” ở trung tâm dải ngân hà đứng thẳng hàng, giáo sư địa chất Don Palmer, giảng dạy 35 năm ở Trường Đại học Kent, bình luận: “Hiện tượng đó chẳng có ý nghĩa gì cả” vì tâm dải ngân hà ở cách xa trái đất đến 2.500 triệu tỉ km. Nếu ví trái đất giống như quả bóng đá, thì trái đất ở cách xa 24 m còn tâm dải ngân hà ở cách xa... 40 triệu km. Quá xa để tạo ảnh hưởng”.
Nghiêm túc hơn, ngày 25-11-2009 vừa qua, Khoa Triết học Trường Đại học Francois-Xavier-Garneau phối hợp với cơ quan phổ cập khoa học Cosmagora ở Canada đã tổ chức một hội nghị khoa học tại hội trường Planetarium Montreal về ý nghĩa ngày 21-12-2012 theo lịch Maya. Tại đây các nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã bác bỏ từng điểm những lời “tiên tri” của các nhà khoa học dỏm nói trên.
Theo Văn Anh / Người Lao Động
Bình luận (0)