Văn hóa chửi mắng

07/01/2010 10:27 GMT+7

(TNTT>) Nhân loại không mấy người không chửi mắng hoặc bị chửi mắng. Chửi mắng, rủa sả là thứ ngôn ngữ không thiếu trong cuộc sống, trong văn chương của mọi dân tộc. Vấn đề là xác định được ranh giới giữa văn hóa và phi văn hóa trong chửi mắng. TNTT> mở chuyên đề thú vị này để cùng bạn đọc đàm luận và tranh cãi.

Chửi là la mắng, là nói những lời thô tục, cay độc để làm nhục người khác”, đó là theo từ điển tiếng Việt thông dụng. Cá nhân tôi cho rằng đôi khi cũng cần phải diễn đạt ngôn từ một cách mạnh mẽ, biểu cảm – đôi khi cũng cần phải chửi. Và rõ ràng khi không có đòn để đỡ, khi phải cam chịu ẩn nhẫn, khi yếu thế không làm được gì đối thủ, người ta có thể phải chửi. Chửi cho bõ tức. Chửi là cần thiết, vấn đề là chửi cũng cần có văn hóa, làm cho đối phương thấy nhục cũng phải có văn hóa.

Nhiều người tự hào rằng ở Việt Nam có hẳn một cái gọi là văn hóa chửi – có nghĩa là người Việt chửi có vần có vè, có ve có vẩy; chửi có bài bản, lớp lang. Nếu văn hóa được định nghĩa như là những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử hay lối sống, cách ứng xử có trình độ cao thì quả thật chửi cũng là một nét văn hóa. 

Trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm  có đoạn: “Với lối chửi có vần điệu, có cấu trúc chặt chẽ, người Việt Nam có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không hề nhàm chán. Đó là một nghệ thuật độc nhất vô nhị mà không một dân tộc nào trên thế giới có được”. Nghệ thuật chửi Việt Nam chủ yếu xuất phát từ miền Bắc do nếp sống cộng đồng tình cảm, ưa tế nhị và để tránh cái thô tục không cần thiết, người ta có hàng trăm cách, trăm lối diễn tả xa xôi, bóng gió được coi là tao nhã mà vẫn làm đối thủ tức đến hộc máu mồm. Bên cạnh chửi tục, người ta còn có lối nói mát, nói mỉa, nói xéo, chê bai cũng độc địa kinh khủng mà người ta cũng gộp luôn vào, mở rộng thuật ngữ chuyên “chửi”. Ở đây cũng cần phân biệt giữa “chửi thề” và “chửi”: chửi thề là văng tục, chửi vô tội vạ, chửi bất cứ lúc nào - kể cả lúc vui, chửi mà không có dụng ý bôi nhọ, không nhằm đối tượng nào; chửi thường nhắm đích danh người nào đó và thường trong lúc giận dữ, có dụng ý.

Trong quân đội xưa còn có một loại quân đặc biệt chuyên chửi mắng, đó là các "mạ thủ". Khổng Minh Gia Cát Lượng từng đích thân dùng thứ vũ khí này, ông đã dùng lời đanh đá cay độc mắng chết Tư Đồ Vương Lãng ngay tại trận.
Ngày xưa, chửi được coi là vũ khí của người nghèo bất khuất, người yếu bất khuất. Những kẻ thống trị có đầy đủ vũ khí, sức mạnh, còn những người bị trị luôn bị tước đoạt đến trần trụi cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng không phải vì thế mà kẻ bị trị chịu yên, họ biết dùng đến vũ khí độc tôn của mình để chống lại những cái trái với luân thường, trái với pháp luật, trái đạo đức. Mà đúng là “chửi” là vũ khí độc tôn của kẻ nghèo, khi trời dường như phú cho họ cơ quan phát thanh rất tốt, có thể vang khắp xóm cùng quê, có thể chửi từ giờ này sang giờ khác. Chửi, với các bài chửi điển hình như bài “Chửi đứa bắt gà” kéo dài hàng giờ, hàng ngày, dù kẻ bắt gà chắc gì đã mang gà ra trả, nhưng cái việc chửi vẫn phải được tiến hành, trước tiên để bõ tức, để giải tỏa tâm lý, sau đó là để phòng ngừa, để đánh thức lương tâm, đánh thức và nuôi dưỡng công lý. Có lẽ, đây cũng là một biểu hiện văn hóa trong cái sự chửi.

Thật ra thì văn hóa chửi cũng không phải là đặc sản quá độc đáo của người Việt. Bộ sử thi tiểu thuyết hoành tráng Tam quốc chí đã kể rất kỹ về chuyện khi dàn trận đánh nhau các bên rất hay sử dụng một loại quân khá đặc biệt, đấy là những "mạ thủ". "Mạ thủ" thường chọn những người giọng tốt, ngữ điệu chắc chắn phải cong cớn, đứng ngay ở hàng đầu gào to những lời xỉ mắng đối phương. Khổng Minh Gia Cát Lượng của nhà Thục đã từng đích thân đanh đá mắng chết Tư đồ Vương Lãng của nhà Ngụy. Ở Ukraine hiện tại có cả cuộc thi chửi được tổ chức hàng năm có mục đích để thanh niên làm quen với văn hóa chửi của dân tộc và nâng cao tình yêu nước. Cuộc thi chửi được tiến hành theo hình thức hai người bước ra sàn đấu, lần lượt chửi nhau và bất cứ ai muốn đều có thể tham gia. Người dự thi có thể trích dẫn những câu nói từ văn học cổ Ukraine bao hàm các câu chửi rủa đậm màu sắc dân tộc. Người thắng cuộc là người có vốn từ vựng phong phú.  

Cách chửi thay đổi rất nhiều, tùy theo vùng miền văn hóa. Ngay cả ở Việt Nam, người Bắc có cách chửi khác người Trung, người Trung chửi khác người Nam. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều khi người ta quá lạm dụng "nghệ thuật" chửi, công cụ chửi, người ta chửi chỉ cốt để chứng tỏ mình chửi giỏi, người ta nói mát, nói mỉa, nói xéo người khác dù người đó chẳng làm gì mình – chỉ cốt để sướng miệng mà không hề nghĩ đến tác dụng độc địa của “lời nói-đọi máu”. Bàn về văn hóa chửi sẽ luôn là một đề tài thú vị và chắc hẳn cũng sẽ gây nhiều tranh cãi.

Nguyễn Quang Lập (nhà văn)

 
"Tôi thấy ở xứ mình vẫn chưa có văn hóa chửi thật sự. Chửi ở đây là chửi một cách văn minh, không phải là dùng những từ ngữ thô tục, kém văn hóa để chứi bới nhau, mà là sử dụng lý lẽ sắc bén để nói lên sự thật. Điều này thì cũng tồn tại ở nước ta lâu rồi, các cụ nhà văn nhà thơ nổi tiếng ngày xưa như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tú Mỡ… chửi những người tham ô tham nhũng qua chính ngòi bút của mình rất hay đó chứ. Tôi nhớ ngày bé được nghe các bà ngoài hàng chợ Bắc chửi cũng rất thích, vì họ chửi nghe đúng, sâu và sắc bén lắm. Các nhà văn của ta bây giờ cũng chưa lưu tâm đến chuyện này, thường thì bất bình chuyện gì thì lên tiếng chửi vậy thôi, tùy hứng, dẫn đến người bị chửi cũng không thấy thuyết phục...".

Lê Minh Quốc (nhà thơ)

 
"Dân tộc Việt Nam vốn nhiều chữ, giàu chữ, thâm thúy nên khi ghét, giận, tức ai đó đều có thể chửi một cách có vần có vè, và đầy “hoa mỹ”, ví như cái chửi bà già mất gà của xứ Bắc hoặc cách chửi của người Huế. Nhưng bản thân tôi nghĩ không nên khen ngợi cách chửi này. Với tôi, một bó lý không bằng một tí tình, khi chửi người ta tức là mình đã dùng lý rồi. Tôi thích những cách chửi như kiểu của Hồ Xuân Hương hơn".

Chửi trong văn học

"Bớ làng trên xóm dưới, bớ láng giềng láng tỏi … bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám mới ghẹ ở, nó mới lạc ban sáng mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của bà, thì buông tha thả nó ra, có đứa nào trót nhỡ tay đánh cắp con gà mái ghẹ của bà thì hãy banh lỗ tai vạch lỗ nhĩ lên mà nghe bà chửi đây này…

Chém cha đứa bắt gà nhà bà, chiều hôm qua bà cho nó ăn nó vẫn còn. Sáng hôm nay con bà gọi nó nó vẫn còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả nó ra cho nó về nhà bà, nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia, mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh rút ruột ra... ".

(Đoạn chửi của bà già mất gà, trích Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan)

Trong Daghextan của tôi, nhà thơ Nga Raxun Gamzatop đã dành hẳn một chương có tên Ngôn ngữ để nói về chuyện chửi rủa ở những làng quê Daghextan. Ông viết “Mỗi làng quê đều có riêng những lời chửi rủa. Có lời rủa trói tay anh bằng những sợi dây vô hình; có lời rủa đẩy anh vào quan tài; có lời rủa làm mắt anh rơi vào đĩa canh đang húp, có lời rủa làm mắt anh lăn xuống khe sâu qua những tảng đá lởm chởm”. Dưới đây là một vài lời chửi rủa mà ông ghi lại:

- Cầu trời nó bắt đi cái người biết dạy con mày học nói! Cầu trời nó bắt của con mày đi cái người mà con mày có thể dạy nói!

- Cầu cho lưỡi mày khô đi, cho mày quên tên người yêu, cho người mày có việc cần gặp không hiểu lời mày nói. Cầu cho mày quên lời chào làng quê khi mày đi xa trở về, cầu cho gió lùa vào miệng mày khi mày rụng hết răng…

Phan An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.