Cả ba hệ thống đường ống này đều phục vụ chung một mục đích của Turkmenistan là xuất khẩu khí đốt mà không còn bị lệ thuộc vào Nga. Thật ra thì việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu chẳng mới mẻ gì vì nó có ý nghĩa sống còn đối với những nền kinh tế dựa chính vào xuất khẩu. Nhưng trong trường hợp Turkmenistan thì việc xuất khẩu khí đốt còn đem lại cho đất nước này vai trò chính trị mới trong cuộc tranh đua quyền lực của các đối tác bên ngoài và làm tăng vị thế của Turkmenistan trong chính sách của các nước đó, cụ thể là EU, Nga, Trung Quốc và cả Iran.
Vì lo ngại bị Nga ép buộc hoặc áp đặt điều kiện chính trị mà EU phải nỗ lực giảm bớt sự lệ thuộc vào cung ứng năng lượng từ Nga. Câu trả lời của EU là dự án Nabucco. Trung Quốc cũng muốn đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và tạo đối trọng mới cho sự hợp tác chung với Nga nên đã cùng Turkmenistan và những quốc gia liên quan xây hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới. Iran hợp tác với Turkmenistan trong dự án 30 km đường ống dẫn khí đốt nói trên không hẳn vì nhu cầu năng lượng quá cấp thiết mà chủ yếu muốn ràng buộc lợi ích đối tác này để đối phó với chính sách thù địch của Mỹ và EU. Thông qua Iran, Turkmenistan có thể tiếp cận dễ dàng hơn thị trường năng lượng ở cả khu vực vùng Vịnh, và như vậy có thêm một cửa ngõ mới nữa để vươn ra tới thị trường thế giới. Trung Quốc, EU và Iran đều được lợi đơn lợi kép từ các dự án này, nhưng tính ra Turkmenistan mới là “ngư ông đắc lợi” hơn cả.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)