Tại sao trẻ bị cận thị?
Chưa xác định được nguyên nhân cụ thể của cận thị, nhưng có nhiều yếu tố liên quan đến việc gây ra cận thị ở trẻ em, trong đó quan trọng nhất là yếu tố di truyền và môi trường. Cận thị do di truyền thường là cận nặng, từ sáu độ trở lên. Cận thị nhẹ đa số có ảnh hưởng của môi trường như: xem ti-vi nhiều, chơi game trên máy tính quá lâu, đặc biệt là do học tập trong điều kiện thiếu ánh sáng. Trẻ sinh non, thiếu tháng khi trưởng thành cũng có tỷ lệ cận thị cao hơn so với các trẻ sinh bình thường.
Khi bắt đầu bị cận thị, tức mắt đã nhìn mờ hơn, trẻ luôn có xu hướng cố gắng điều tiết để làm cho ảnh của vật rơi vào võng mạc để có thể nhìn rõ. Hiện tượng này làm cho trẻ phải nheo mắt, nhăn trán. Nếu điều tiết kéo dài, trẻ dễ bị nhức mỏi mắt, nhức đầu và càng làm tăng độ cận thị lên.
Nhà trường cũng chịu trách nhiệm một phần trong tỷ lệ cận thị cao ở trẻ em. Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh (Viện nghiên cứu giáo dục Việt Nam) cho biết: “Đa số giáo viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác chăm sóc, bảo vệ mắt cho học sinh, chưa biết hướng dẫn học sinh khi bị bệnh về mắt ở mức độ nào thì nên đi khám và khám ở đâu. Ngoài ra chữ viết của giáo viên xấu và nhỏ cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ ngày càng tăng cao”.
Môi trường học tập của học sinh tại các nhà trường cũng còn nhiều bất cập như ánh sáng tự nhiên không đảm bảo. Màu sơn trong lớp học ở một số trường chưa phù hợp, hệ thống đèn chiếu sáng trong lớp học chưa phù hợp. Việc trang bị bàn ghế không có độ nghiêng đã ảnh hưởng đến khả năng nhìn của trẻ...
Chế độ dinh dưỡng
Ít người biết rằng bệnh cận thị của đôi mắt có liên quan đến dinh dưỡng. Theo một kết quả nghiên cứu, những người bị cận thị đều thiếu 2 nguyên tố chính đó là c-rôm và can-xi. Hai chất này ảnh hưởng đến sự điều tiết áp lực của mắt, là nguyên nhân gây ra tật cận thị. Ngoài các loại khoáng chất, vitamin A, vitamin B2 chính là những chất bổ của đôi mắt. Vitamin A giúp mắt nhìn rõ trong bóng tối. Thiếu vitamin A, mắt sẽ bị quáng gà, giảm thị lực, nhất là đối với người đọc sách, làm việc với máy vi tính nhiều. Vitamin B2 tham gia vào sự trao đổi sắc tố ở võng mạc mắt, làm cho mắt thích nghi với ánh sáng.
Phòng chống
Theo các chuyên gia nhãn khoa, để ngăn ngừa cận thị cho trẻ, cần áp dụng những nguyên tắc sau:
Đảm bảo đủ ánh sáng khi trẻ học trong lớp hoặc ở nhà.
Kích thước bàn, ghế phù hợp với tuổi và chiều cao của trẻ.
Duy trì cho trẻ một tư thế học tập khoa học: Ngồi thẳng lưng, đầu cúi 10-15 độ. Khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học là 25cm.
Tập cho trẻ có chế độ nghỉ ngơi cho mắt hợp lý: Ngồi cách màn hình vi tính từ 45cm đến 60cm. Cần nghỉ ngơi 5-10 phút sau mỗi 30-40 phút học tập trên máy vi tính. Xem ti-vi hoặc chơi trò chơi điện tử không quá ba giờ/ngày. Cần đảm bảo ngủ 8-10 giờ mỗi ngày. Không nằm, quỳ để đọc hoặc viết bài. Không đọc khi đang di trên ô-tô, xe lửa, máy bay hoặc trong ánh sáng yếu.
Thông tin thêm Bác sĩ Vũ Bích Thủy (Bệnh viện Mắt Trung ương) khuyến cáo, trẻ không nên đọc sách, làm việc bằng mắt ở khoảng cách gần liên tục quá lâu. Sau một giờ đọc sách, làm việc với máy tính cần nghỉ 5-10 phút, xoa nhẹ mi mắt. Với đèn để bàn không dùng bóng quá sáng trên 100W. Trẻ cần chơi ngoài trời mỗi ngày 1-2 giờ. Khi đã bị cận thị, trẻ cần đeo kính đúng số, tái khám 6-12 tháng/lần để điều chỉnh kính theo độ cận thị. Ngoài ra, việc chọn một tròng kính tốt, đảm bảo chất lượng cũng là điều cần thiết. |
Phương Mai
Bình luận