“Chuyện thiên hạ cũng là chuyện nhà mình”
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, một trong những thành viên của đội, kể: “Các hộ sinh sống tại cụm dân cư này đa số là dân tứ xứ, sống bằng nhiều nghề. Tình hình an ninh trật tự khá phức tạp, thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập chơi khuya, nhậu nhẹt, đánh lộn, bài bạc, đá gà... Các hội viên trong hội phụ nữ chúng tôi luôn trăn trở tìm cách dẹp yên những tệ nạn này. Cuối cùng phương án thành lập đội dân phòng gồm toàn chị em phụ nữ đã được lựa chọn”.
Trước quyết tâm của các chị, ngày 11.9.2006, UBND xã Tân Hòa đã quyết định cho thành lập Đội Dân phòng nữ. Đội gồm 16 chị, chia làm hai tổ, được trang bị đồng phục, gậy cao su, đèn pha và tập huấn về chức năng nhiệm vụ của lực lượng dân phòng.
Đội trưởng Trần Thị Bích Thơm nói, lúc đầu người ta cũng to nhỏ dữ lắm, rằng chuyện của đàn ông mắc gì mấy bả nhảy vô? Chắc mấy bả tìm cớ lập đội dân phòng để tụm lại “tám” cho đã... Các chị càng quyết tâm làm. Đội phó Lê Thị Lan năm nay gần 60 tuổi (lớn nhất đội) khẳng định: “Nếu an ninh trật tự không được bảo đảm thì sẽ ảnh hưởng đến gia đình mình. Chính vì vậy mà tôi tham gia đội. Nói là lo chuyện thiên hạ chứ đó cũng là chuyện của nhà mình”.
Hầu hết chồng con của các chị ban đầu cũng phản đối. Anh Phạm Văn Lành, chồng chị Nguyễn Thị Kim Thanh, tâm sự: “Khi nghe vợ nói là tham gia Đội dân phòng nữ tôi cũng ngại lắm. Đàn bà tay yếu chân mềm thì làm được gì? Làm sao mà bắt được trộm, cướp; không khéo lại bị chúng bắt ngược ấy chứ? Nhưng bả cứ thuyết phục mãi nên tôi cũng xuôi. Tôi ra điều kiện cho đi làm thử vài tháng, nếu không được thì phải nghỉ. Lúc đó, đứa con nhỏ của tôi mới tròn một tuổi. Ban đêm tôi phải trông con cho vợ đi làm mà trong bụng cứ lo. Đến giờ cũng đã hơn 3 năm, thấy được hiệu quả công việc của bả nên tôi hoàn toàn ủng hộ”.
Đội trưởng Thơm (ngồi trước) và Đội phó Lan đang chuẩn bị đi tuần tra |
Giữ yên xóm làng
Chị Thanh kể: “Cách đây 2 năm, có một học sinh cấp 2 đánh nhau với thanh niên ở địa phương khác tới. Sau đó, chúng tôi đến nhà với mục đích là tìm hiểu sự việc để khuyên bảo em. Nhưng khi vừa tới cửa thì em cầm dao Thái Lan từ trong nhà xông ra định ăn thua đủ với chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã dằn em lại kịp, rồi giải thích. Em đã ngoan ngoãn xin lỗi và hứa sẽ không tái phạm nữa. Và từ đó về sau em ấy không tái phạm thật”.
Chị Nguyễn Thị Anh Cúc, một thành viên khác của đội, tường thuật một vụ khác: “Có một anh buôn chó định giở trò sàm sỡ chị chủ nhà. Anh chồng phát hiện, đùng đùng nổi giận, muốn “xin” hai bàn tay của anh buôn chó. Nghe tin, chúng tôi lập tức có mặt để can thiệp. Chúng tôi dùng lời lẽ mềm dẻo, hợp tình hợp lý để khuyên giải. Cuối cùng thì anh chồng cũng chịu buông tha cho anh buôn chó”.
Bà Thơm nói: “Bí quyết của chúng tôi là tận dụng lợi thế của phụ nữ để đạt hiệu quả trong công việc. Đó là chúng tôi không nóng nảy như đàn ông. Khi làm việc, chúng tôi thường dùng lời lẽ có lý, có tình để khuyên bảo đối tượng, để họ nhận ra cái sai của mình mà sửa. Nếu một người làm không được thì nhiều người cùng làm. Khuyên một lần không được thì chúng tôi phân công nhau đến khuyên nhiều lần, khi nào được mới thôi”. Bà Lan cho biết thêm: “Ở nhà mình nói chuyện với con cháu ra sao thì khi khuyên giải người khác mình cứ nói như vậy”.
Anh Đoàn Hồng Sơn, Trưởng công an xã Tân Hòa nhận xét: “Từ khi có Đội dân phòng nữ, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo. Trước kia, trung bình một tháng có chừng 10 vụ thanh niên tụ tập gây mất trật tự. Hiện nay, mỗi tháng chỉ còn từ 1-2 vụ, tình trạng thanh niên tụ tập nhậu nhẹt trên cầu gần như xóa sổ... Bên cạnh đó, các chị còn tham gia cùng chúng tôi bảo vệ an ninh trong các dịp lễ tết. Điều đáng quý là tất cả các chị làm việc đều trên tinh thần tự nguyện và hoàn toàn không có tiền bồi dưỡng. Khi đi công tác thì các chị tự móc tiền túi để đổ xăng. Vậy mà khi có việc, chúng tôi hô một tiếng là có mặt liền”.
Chí Nhân
Bình luận (0)