Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Phó viện trưởng VNIO cho biết: “Sau khi đã trực tiếp gặp gỡ một số nạn nhân bị cá cắn, tìm hiểu cặn kẽ về diễn biến, thương tích và họp bàn các vấn đề chuyên môn..., nhưng hiện chưa đủ căn cứ để kết luận được chính xác. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục thu thập thêm thông tin và nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan”. Theo ông Phan Trọng Hổ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, mức thưởng cho người bắt được cá sẽ không dưới 10 triệu đồng. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cũng đã bố trí ca-nô và lực lượng tuần tra để bảo vệ an toàn cho người tắm biển.
Cá mập ở biển VN
PV Thanh Niên cũng đã tìm gặp các chuyên gia về sinh vật biển để tìm hiểu về các loài cá dữ sống ở biển VN. Theo tiến sĩ sinh học biển Nguyễn Khắc Hường, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu động vật có xương sống - Viện Hải dương học (Nha Trang), trên thế giới có đến 26 loài cá mập nguy hiểm mà chúng ta thường gặp. Ở nước ta, 5 loài cá mập sau có thể tấn công con người:
Cá mập trắng lớn thân hình như quả thủy lôi, dài trung bình 5-6m, cá biệt 15m; mặt lưng và hai bên thân màu nâu nhạt pha xanh xám hoặc đen, mặt bụng màu trắng, viền sau vây ngực có một vệt đen. Bộ răng của cá cực kỳ sắc nhọn (hàm trên 26 chiếc, hàm dưới 24 chiếc), cạnh răng đều có răng cưa; miệng cá rất rộng, có thể nuốt chửng một con bò. Cá thường sống ở ngoài khơi và lên gần mặt biển, có thể lặn sâu hàng ngàn mét. Cá rất hung dữ, hay tấn công ghe thuyền và con người. Đôi khi chúng cũng vào gần bờ tìm mồi và là nỗi kinh hoàng của thợ lặn, người tắm biển, người câu trên ghe thuyền nhỏ. Mồi của chúng thường là động vật lớn. Con người cũng là đối tượng mà chúng thích ăn thịt, nên người ta đặt tên cho loài này là cá mập ăn thịt người. Ở nước ta, loài này có ở biển Khánh Hòa, Bình Thuận, Trường Sa, Côn Đảo... nhưng rất ít gặp.
Cá mập báo thân hình như con thoi, kích thước đến 9,5m, có con nặng đến 5 tạ; màu sắc vằn vện như da báo, mặt bụng màu trắng; răng to, cạnh có răng cưa rất sắc bén. Chúng thường sống ngoài khơi từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan, đôi khi vào ven bờ và cửa sông; rất nguy hiểm cho con người và thường tấn công ghe thuyền, người lặn sâu.
Cá mập xanh thân hình như con thoi; mặt lưng và các vây màu xanh biển, mặt bụng màu trắng; kích thước đến 7m, nặng tới 3 tạ; miệng rộng, mỗi hàm có 50 chiếc răng sắc nhọn, cạnh có răng cưa nhỏ. Chúng sống dọc ven bờ (có lúc phát hiện ở ngoài khơi), thường lên sát mặt nước săn mồi, là loài nguy hiểm cho con người.
Cá nhám búa vây đen (phía trước cùng của đầu kéo dài ra hai bên như cái búa) dài hơn 4m, nặng khoảng 1 tạ; thường sống ở tầng gần mặt nước vùng ven bờ.
Cá nhám búa không rãnh kích thước đến hơn 6m, thường bơi lội trên tầng mặt nước.
Ngoài cá mập, còn có một số loài cá dữ có thể tấn công con người như: cá nhồng cồ, cá mó đầu vuông, cá bò da vây xanh, cá nóc ánh bạc... Các loài này đều có hàm răng sắc nhọn.
Làm gì khi gặp cá mập?
PGS-TS Nguyễn Hữu Phụng, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết: cá mập rất hung dữ, khi ngửi thấy mùi máu, chúng có thể lao đến hàng đàn, không biết sợ. Theo kinh nghiệm, khi thấy cá mập đang lao đến mà bỏ chạy thì chắc chết. Phải đương đầu với nó, ném bất kỳ cái gì có trong tay để nó đớp vào miệng, rồi thừa cơ tìm cách thoát thân. Ngày xưa, các ghe thuyền chở thóc gạo từ Nam ra Bắc thường có từng đàn cá mập bơi theo, vì chúng đánh hơi thấy mồi tanh trên thuyền. Người ta giết cá mập bằng cách ném những hũ vôi sống xuống biển cho chúng đớp. Những hũ vôi này sẽ sôi và làm chín bụng cá. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hường cho hay, ông chưa biết về trường hợp cá mập ở nước ta tấn công người. Tại nhiều bãi tắm ở một số nước như Nam Phi, Pháp, Úc..., người ta đã dùng lưới để ngăn cá mập gây nguy hiểm.
>> Cá dữ tấn công người tắm biển
Xuân Hòa - Đ.P
Bình luận (0)