Chịu khổ để… được đẹp
Sẽ không có gì phù hợp hơn để phái đẹp lả lướt trên sàn thời trang, yêu kiều tại các buổi dạ tiệc bằng giày cao gót. Nhưng khi rời khỏi "địa hạt" thướt tha của mình "dấn thân" vào cuộc sống hiện đại đầy vội vã, giày cao gót dễ trở thành nguyên nhân gây ra tai nạn của nhiều người đẹp. Mang giày cao gót mà không chú ý hoặc phải bắt buộc đi nhanh rất có thể làm chủ nhân bị ngã, dễ gây các chấn thương ngoài da và xương khớp (như bong gân cổ chân, đầu gối…).
Nếu may mắn không gặp "tai nạn", mang giày cao gót thường xuyên dễ dẫn đến nhiều tổn thương cho sức khỏe. TS-BS. Đại Phi Vân, Trưởng khoa Cơ xương khớp BV Triều An cho biết, bình thường trọng lượng cơ thể được đè lên 2 bàn chân ở 3 điểm tựa: ngón chân cái, ngón út và gót. Khi mang giày cao gót trọng lượng toàn thân sẽ di chuyển trên khớp bàn đốt (khớp nối giữa bàn chân và các ngón chân) của 2 chân. Để tình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài sẽ gây đau ở khớp bàn đốt làm co rút gân gót, các cơ ở bàn chân; làm đau và viêm gân gót.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của TS. Kerrigan thuộc Havard Medical School, mang giày cao gót làm gia tăng khả năng thoái hóa khớp đầu gối. Trong số liệu ghi nhận được của ông Kerrigan, giày cao gót khoảng 7cm, dù là gót nhọn hay gót bằng, đều làm áp lực lên xương bánh chè cao hơn 30% so với giày đế thấp. Mang giày cao gót thường xuyên cũng có thể ảnh hưởng đến cột sống của bạn, gây chứng đau lưng do khung chậu bị đẩy về phía trước và cột sống lưng bị cong.
Mang giày cao gót nên có… kế hoạch
Theo BS Đại Phi Vân, nên thay đổi luân phiên mang giày cao gót và giày đế phẳng để tránh các tổn thương cho xương khớp. Đặc biệt, người trên 60 tuổi không nên mang giày cao gót vì dễ ngã và dễ bị thoái hóa khớp bàn đốt của bàn chân. Trẻ em cũng không nên mang giày cao gót để tránh bị dị dạng bàn chân.
Nếu bạn không thể từ chối sự quyến rũ của giày cao gót, hãy lên kế hoạch cẩn thận cho việc mang giày cao gót. Chỉ nên mang giày cao gót vào những ngày mà bạn không phải di chuyển nhiều. Hôm nào "diện" giày cao gót cần hạn chế di chuyển, hoặc "thủ" sẵn một đôi dép hay giày có đế mềm để thay đổi khi ra khỏi cơ quan, công sở.
Đẹp mà vẫn khỏe Từ những năm đầu thập niên 1980, cùng với phong trào thể dục thẩm mỹ do nữ diễn viên Jane Fonda khởi xướng, một trào lưu thời trang mới đã xuất hiện trên đường phố New York : các quý bà sang trọng trong những bộ váy áo của những hãng thời trang cao cấp, chân mang… giày thể thao Nike, Reebok hay New Balance, và trong túi xách tay Chanel của họ là… đôi giày cao gót. Khỏe mà vẫn đẹp đâu hẳn là chuyện phức tạp! |
Victoria Beckham Cô có chiều cao khiêm tốn (1m63). Điều đó khiến cô không tự tin khi đứng trước ống kính và ngay cả khi đi ra đường vì Victoria là "tín đồ" của thời trang. Để khắc phục nhược điểm của bản thân, Victoria chọn giày cao gót. Những đôi giày của Vic toàn là đồ hiệu đắt tiền và điểm chung là gót rất cao. Chẳng hạn đôi hiệu Louboutin cao 15cm có giá 1.000 bảng, đôi Giambattista giá 460 bảng cũng cao 13cm, đôi hiệu Yves Saint Lauren giá gần 500 bảng cũng cao 15cm. Đôi khủng khiếp nhất của nàng là đôi ủng hiệu Antonio Berardi giá 3.300 bảng và nó cao 18cm, điều đặc biệt là đôi ủng này không có gót nên khi di chuyển, gần như toàn bộ trọng lực dồn vào phần ngón chân. Nhờ những phụ kiện như vậy, Victoria đã cải thiện đáng kể chiều cao của mình, cô tự tin khi ra đường và đứng trước ống kính. Nhưng nó cũng khiến Vic khốn khổ vì chuyện bệnh tật. Hồi tháng 11.2009, tờ Daily Mail cho biết vì đi giày cao gót nhiều nên ngón chân của Victoria đang bị viêm. Chúng khiến cô nhức nhối và phải thường xuyên chườm đá để bớt đau. Các bác sĩ khuyên Vic nên đi phẫu thuật để trị dứt điểm chỗ viêm. Hồ Khuê |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)