Sinh viên làm thêm: Lợi và hại

14/01/2010 14:08 GMT+7

Cuối năm, hàng trăm công việc bán thời gian có thể làm thêm như phát tờ rơi, giới thiệu sản phẩm, phát quà khuyến mãi, phục vụ tiệc cưới, phụ bán hàng... Tuy nhiên, đi làm thêm mà vẫn bảo đảm học tập là chuyện phải suy nghĩ.

Đây cũng là dịp sinh viên làm thêm kiếm tiềm để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, hành trình kiếm tiền của sinh viên trong mùa làm thêm không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Nhiều cơ hội

Những ngày này dạo quanh các tuyến đường của TPHCM như Pasteur (quận1), Nguyễn Chí Thanh (quận 5), Hai Bà Trưng (quận 3) có rất nhiều quán cà phê, nhà hàng treo biển cần tuyển nhân viên nam, nữ phục vụ.

Tại khu vực Hồ Con Rùa (quận 3) đã có gần chục quán cà phê cần tuyển phục vụ nam.

Tại thời điểm này các nhà hàng tổ chức tiệc cưới nhiều nên sinh viên rất dễ dàng xin được việc.

Văn Thành Nhơn, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết: Em mong đến những ngày này để đi làm thêm kiếm tiền mua vé tàu về quê ăn Tết.

Nhơn tâm sự là dân ở tỉnh vào TP học nên đi làm thêm chỉ mong cho gia đình đỡ gánh nặng tiền bạc. Mỗi buổi làm thêm cũng được 35.000 đồng. Thời điểm này các cửa hàng quần áo, cửa hàng thời trang cũng rất cần người bán hàng, giữ xe nên sinh viên dễ dàng xin được việc.

Với sinh viên nghèo có được việc làm trong những ngày giáp Tết là điều đáng mừng nên họ không ngại ngùng hoặc nề hà bất cứ công việc gì. Hồ Ngọc Lâm, sinh viên Trường Đại học Sài Gòn làm công việc phát tờ rơi, cho biết: “Công việc của em khá đơn giản, không cần kinh nghiệm nhưng phải đi lại nhiều và phải chịu hít nhiều khói bụi. Bù lại mỗi ngày em làm việc này cũng kiếm được từ 60.000-80.000 đồng”.

Không chỉ bán hàng, giới thiệu sản phẩm, thời điểm này các xưởng may tư nhân cũng tăng cường sản xuất hàng hóa phục vụ Tết nên cũng cần thêm người làm.

Với một chút năng động, chịu khó nhiều sinh viên đã tìm cho mình việc làm khá ổn định trong những ngày cuối năm. Nguyễn Thị Nhung, sinh viên Trường Cao đẳng Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết: “Vốn em biết may nên gần một tháng nay em đi học một buổi còn một buổi đi làm ở một xưởng may quận Bình Tân. Công việc của em khá đơn giản là ngồi tháo chỉ, vắt sổ nhưng khá bận rộn vì cuối năm nhu cầu mua quần áo của người dân tăng cao. Mỗi tháng làm ở đây em cũng kiếm được gần 1 triệu đồng. Em rất vui vì tận dụng được thời gian rảnh rỗi kiếm thêm tiền mua vé xe về quê ăn Tết ”.

Bất cập

Khi quyết định đi làm thêm sinh viên phải chấp nhận cuộc sống vất vả, bận rộn hơn thường lệ. Có người phải bỏ các buổi vào thư viện đọc sách, chơi thể thao để đi làm thêm. Nguyễn Thị Nhã Phương, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM, cho biết: “Em đi làm thêm nên mọi sinh hoạt của lớp, hoạt động của trường có khi phải bỏ”.

Việc làm mùa cuối năm là cơ hội hấp dẫn cho sinh viên, nhưng cũng trùng với thời gian thi học kỳ. Nhiều sinh viên quá lao vào công việc kiếm tiền mà bỏ bê việc học. Đặng Văn Phong, sinh viên Trường Đại học Hùng Vương, phục vụ quán cà phê ở quận 3, cho biết: “Hằng ngày 15 giờ là em phải đi làm rồi. Có hôm đi làm mệt nên em phải nghỉ học. Kết quả học tập của em bị giảm sút nghiêm trọng”.

Làm thêm là nhu cầu chính đáng của sinh viên nhưng phải biết phân bố thời gian hợp lý. Nếu quá ham làm thêm thì lợi bất cập hại.

Theo Xuân Danh / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.