Khai hoang lập ấp
Thái Phiên thuộc phường 12, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), một địa danh được nhiều người biết đến bởi sản phẩm atisô, rau các loại và đặc biệt là hoa cúc. Cách trung tâm TP Đà Lạt 7 km về hướng đông bắc, nơi đây vốn là vùng núi hoang vu và là nơi săn bắn của vua Bảo Đại vào những năm 1945 đến 1954. Theo cụ Ngô Đàm (88 tuổi), một trong những người lập ấp xưa kia, thì: Vào năm 1954, có khoảng 40 hộ người Việt gốc Nghệ An sống ở Xuyên Khoảng (Lào) hồi hương, đã tìm đến miền cao nguyên Lâm Viên lập nghiệp và được những người gốc Huế đến Đà Lạt trước đó cưu mang. Qua những chuyến đi săn, các ông Lê Phương Miễn, Ngô Đàm… phát hiện vùng đất đồi núi thoai thoải này, có nguồn nước từ hồ Than Thở rất thuận lợi cho việc lập ấp, phát triển nghề nông, nên ông Miễn bảo ông Ngô Đàm thảo đơn xin tỉnh trưởng Lâm Viên quy dân, lập ấp. Buổi đầu 40 hộ hồi hương cùng một số gia đình khác bầu ông Lê Phương Miễn làm đại diện. Vùng đất sát khe suối cạnh núi Hòn Bồ được chọn để khai hoang trồng trọt. Cụ Đàm cho biết thêm: “Năm 1956, ấp Thái Phiên chính thức được thành lập để ghi nhớ công ơn một chí sĩ yêu nước. Ở một góc độ khác thì Thái Phiên có nghĩa là thái hòa, thái bình”.
Ngay từ khi lập ấp các cụ trồng cây ăn trái, trồng rau và một số giống hoa địa phương. Khi một số hộ dân từ Cầu Đất (nơi có những đồn điền của Pháp) về Thái Phiên xin lập nghiệp, họ đã mang theo nhiều giống hoa có nguồn gốc từ Pháp như: lay-ơn, cúc đỏ, cẩm tú cầu, hoa hồng, margarite…, từ đó nghề trồng hoa phát triển nhanh chóng.
Những người trồng hoa đầu tiên
Đến nhà ông Nguyễn Bá Thành - một trong 2 nông dân của làng hoa Thái Phiên được tôn vinh tại Festival Hoa 2007 vì có 3 đời trồng hoa thành đạt, thật bất ngờ, chúng tôi được trò chuyện với cụ bà Giáo Nhân (Dương Thị Nguyệt) - mẹ của ông Thành. Tuy đã 96 tuổi nhưng cụ bà rất minh mẫn. Cụ kể bằng giọng Huế: “Ông nhà tui tên Nguyễn Nhân, ngày xưa dạy học nên bà con gọi là Giáo Nhân, còn tui buôn bán. Khi ấp Thái Phiên thành lập, gia đình tui chuyển từ Trại Hầm (Đà Lạt) vào Thái Phiên sinh sống. Buổi đầu tui trồng hoa hường (hồng), rẻ quạt (lay-ơn)…, gánh nước tưới bằng đôi thùng thiếc”. Cụ bà Giáo kể rành mạch: Bà là người đầu tiên trong làng về Sài Gòn mua được chiếc máy xăng Bec-na để bơm nước tưới với giá 3.390 đồng (đến nay chiếc máy này vẫn còn, nhiều người hỏi mua nhưng cụ Giáo không cho bán - PV).
|
Trồng được hoa rồi, nhưng tìm thị trường không dễ; đích thân bà Giáo mang 20 bông hồng đón xe đò về tận Sài Gòn ký gửi cho các kiosque, họ trả 7 đồng/chục; sau này quen mối cụ Giáo ra Đà Lạt gửi máy bay trực thăng mỗi lần hai, ba giỏ (khoảng 100 bông) về Sài Gòn cho bạn hàng. Cụ bà Giáo bộc bạch: “Nhờ trồng hoa mà tui nuôi được 9 đứa con ăn học đàng hoàng, bây chừ con cháu tui cũng nối nghiệp trồng hoa tui rất mừng”. Tiếp câu chuyện của mẹ, ông Thành cho biết vợ chồng ông và gia đình cậu con trai Nguyễn Bá Hoàng Vũ đang canh tác 1,2 ha hoa cúc. Mỗi năm trồng 3 vụ cúc, thu về trên 450 triệu đồng. Tiếp tục đến xóm Đình, gặp ông Bùi Văn Hội trong một ngôi biệt thự sang trọng bên sườn đồi.
Ước tính tổng kinh phí nông dân làng hoa đang đầu tư canh tác hoa hiện nay trên 76 tỉ đồng, nhưng có thể sử dụng trong nhiều năm. Doanh thu từ hoa tăng dần mỗi năm, cụ thể năm 2007 làng hoa thu về 33,6 tỉ đồng (lợi nhuận 11,9 tỉ đồng), năm 2008 doanh thu 37,8 tỉ đồng (lợi nhuận 16,10 tỉ đồng), năm 2009 doanh thu trên 40 tỉ đồng (lợi nhuận gần 20 tỉ đồng)... (Theo Hội Nông dân phường 12- Đà Lạt) |
Nói thế không có nghĩa nghề trồng hoa không có những “nốt lặng”. Cụ Mười Bình (mẹ anh Hội) nhớ lại: Sau năm 1975, khi hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, cái ăn chưa đủ nói chi đến thưởng thức cái đẹp; người dân đã tự giảm diện tích canh tác hoa để trồng khoai, bắp, rau, đậu nhằm cải thiện đời sống. Dù vậy, hầu hết các gia đình vẫn duy trì nghề trồng hoa bằng cách tận dụng diện tích đất quanh nhà để trồng hoa, hằng tháng cắt hoa mang ra chợ bán có thêm đồng vào đồng ra, có tiền chạy chợ mua mắm, mua muối… Cũng nhờ bà con không “đoạn tuyệt” với nghề trồng hoa nên các giống hoa vẫn được bảo tồn chờ ngày hồi sinh. Từ năm 1985 đến 1992, nghề trồng hoa ở Thái Phiên bắt đầu khởi sắc trở lại. Bên cạnh những giống hoa truyền thống nay có thêm nhiều giống hoa mới như cúc Nhật, lyly trắng, cẩm chướng… Từ năm 1998, người dân chuyển sang canh tác giống hoa cúc nhập về từ Indonesia rất đa dạng về hình thức, màu sắc nên được thị trường ưa chuộng; lúc này mô hình trồng hoa trong nhà plastic bắt đầu xuất hiện.
Làng hoa công nghệ cao
Đứng trên đỉnh núi Hòn Bồ nhìn xuống, Thái Phiên tựa như một “khu công nghiệp” với những mái nhà plastic trồng hoa nối tiếp nhau điệp trùng... Khi đêm về, làng hoa Thái Phiên lại như một “thành phố” ánh sáng đầy quyến rũ, vì những vườn hoa cúc điệp trùng được thắp sáng bởi hàng ngàn bóng đèn 3U lấp lánh cả một vùng đồi. Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, với tư cách là “trưởng làng” hoa Thái Phiên bộc bạch: Sau 50 năm hình thành và phát triển, Thái Phiên - phường 12 có 1.100 hộ sản xuất nông nghiệp trên diện tích 436 ha. Riêng làng hoa Thái Phiên được giới hạn khu vực đề nghị công nhận là “làng nghề truyền thống” có diện tích 78 ha với 255 hộ chuyên canh hoa. Đa số các hộ trồng hoa theo công nghệ mới trong nhà plastic, hệ thống tưới tự động. Sản lượng hoa hằng năm của làng đạt 300 triệu cành, trong đó trên khoảng 90% là hoa cúc các loại. Doanh thu bình quân đạt mức 500-550 triệu đồng/ha/năm. Ông Dinh cho biết ở xóm Đình có hộ ông Huỳnh Thi Thơ, Huỳnh Thanh Sơn đi đầu về canh tác giống hoa cúc; cạnh đó có các hộ Nguyễn Bình, Nguyễn Cư vài năm qua mạnh dạn chuyển qua trồng hoa lyly cho thu nhập khoảng 2 tỉ đồng/năm.
Để có mức thu nhập cao ngất như thế, người dân làng hoa Thái Phiên rất tích cực và năng nổ trong việc tiếp cận và ứng dụng phương pháp canh tác hoa theo công nghệ tiên tiến, nhập về nhiều giống hoa mới cho năng suất và chất lượng cao. Làng hoa có 2 cơ sở nuôi cấy mô (invitro) do nông dân đầu tư để bảo tồn và sản xuất giống hoa sạch bệnh, 12 kho lạnh để bảo quản giống hoa, 10 cơ sở ươm giống hoa cúc hằng năm cung cấp cho làng và các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung cả trăm triệu đơn vị giống hoa.
“Sắp tới, chúng tôi không chỉ xây dựng hoàn chỉnh một nền sản xuất hoa công nghệ cao, mà còn biến làng hoa thành địa chỉ tham quan thú vị cho du khách xa gần thưởng lãm...” - ông Hồ Ngọc Dinh tiết lộ.
Lâm Viên
Bình luận (0)