Khoảng 21 giờ 30 ngày 14.1, chúng tôi mò mẫm vào con đường số 14 tối đen như mực - một trong những nơi tập trung nhiều lò gạch của P.Long Bình. Càng đi vào sâu, chúng tôi càng thấy khó thở, mắt cay xè vì xung quanh nồng nặc khói và bụi.
Chúng tôi tiến đến một khu đất rộng lớn, trong đó có một lò gạch thủ công đang được hai công nhân nhóm lửa bằng dầu cặn, củi và mạt cưa... Lửa vừa nhóm lên cũng là lúc cả lò gạch bốc lên những cột khói đen kịt trông như đám cháy nhà, kèm mùi hôi đậm đặc hòa vào không khí. Lúc này, chúng tôi để ý những căn nhà xung quanh đều đóng kín bằng cửa kiếng, không ai ra đường.
Đốt lò bằng chất thải độc hại
Gần 23 giờ, men theo đường Nguyễn Xiển, đường số 11, khu vực ấp cầu Ông Tán (P.Long Bình), ấp Giãn Dân (P.Long Thạnh Mỹ), hàng chục lò gạch cũng đang vô tư "nhả" khói vào khu dân cư. Đứng trên điểm cao của khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TP.HCM (nằm giáp ranh giữa địa bàn Q.9, TP.HCM và tỉnh Bình Dương), chúng tôi thấy rõ những cột khói khổng lồ từ các lò gạch bốc lên không gian tối đen. Càng về khuya, không khí càng trở nên khó thở.
...nhả khói cuồn cuộn vào ban đêm (ảnh chụp lúc 21 giờ ngày 14.1) - Ảnh: Hoài Nam |
Tối 13.1, khi biết chúng tôi là nhà báo, nhiều người dân ở ấp cầu Ông Tán bất chấp mùi hôi nồng nặc từ khói và bụi, vẫn mở cửa ra ngoài để "kể tội" các lò gạch. Bà Sáu Đ. cho biết, ngoài việc đốt củi, mạt cưa, để giảm giá thành sản phẩm, nhiều chủ lò gạch còn sử dụng thêm nguyên liệu vỏ trấu, vỏ hạt điều, vỏ xe để nấu gạch, khiến môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.
"Nếu điều kiện kinh tế cho phép, chúng tôi đã chuyển nhà lâu rồi. Đã nghèo khó còn bị hành bởi môi trường ô nhiễm nặng nề do các lò gạch gây ra, chúng tôi chịu hết nổi".
Một người dân ở P.Long Bình, Q.9 |
|
Nguy hiểm hơn, theo người dân sống ở đồi Dù, P.Long Bình, gần đây các lò gạch không biết chở từ đâu về chất gì trông giống như nhựa tái sinh, nhưng khi đốt cháy rất lâu và tỏa ra mùi hôi nồng nặc đến khó thở.
Nỗi sợ hãi của người dân là điều dễ hiểu, khi mới đây, Cảnh sát môi trường Công an TP.HCM và Công an Q.9 bắt quả tang một lò gạch ở KP Bến Đò, P.Long Bình đang nhập 2 tấn cao su phế thải của một doanh nghiệp chuyên thu gom chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại để đốt lò.
Người dân cắn răng cam chịu
Trả lời PV Thanh Niên, Trưởng phòng TN-MT Q.9, ông Phạm Quang Bửu, cho biết quận đã hoàn tất đề án di dời các lò gạch gây ô nhiễm trên địa bàn và đang chuyển cho Sở Công thương, Sở TN-MT TP góp ý, trước khi trình UBND TP. Sau khi đề án được UBND TP chấp thuận, quận sẽ triển khai di dời, chấm dứt hoạt động khoảng 100 lò gạch thủ công trên địa bàn, trong đó tập trung nhiều nhất là tại P.Long Bình. |
Trên thực tế, cách đây 9 năm, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 15/2000 quy định đến năm 2005 là hạn cuối cùng đóng cửa các lò gạch thủ công ở khu vực đô thị. Cũng theo quyết định này, các lò gạch không được nhóm lò, đốt lò, nung gạch ngói bằng củi, gỗ. Các cơ quan chức năng cũng cấm sử dụng vỏ xe, cao su, dầu cặn... để đốt lò, vì những loại chất thải nêu trên đều là chất thải nguy hại. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, khoảng 100 lò gạch ở P.Long Bình và Long Thạnh Mỹ vẫn ung dung hoạt động và hằng ngày thải khói, bụi vào khu dân cư.
Lý giải về việc chậm di dời các lò gạch thủ công gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, UBND Q.9 thường đổ lỗi do vướng quy hoạch các dự án trọng điểm, chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể từ TP, chưa có quy hoạch chi tiết...; đồng thời cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND các phường liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các lò gạch thải khói, bụi, sử dụng các phế phẩm độc hại đốt lò, các xe tải chở vật liệu, sản phẩm ra vào các lò gạch...
Chỉ đạo là vậy, song thực tế người dân địa phương vẫn đang hằng ngày cắn răng cam chịu.
Minh Nam
Bình luận (0)