Theo học bộ môn Giấy và bột giấy, khoa Lâm nghiệp, Kim Hoàng nhận thấy hiện nay ngành giấy đang trong tình trạng thiếu hụt bột giấy nên thường phải nhập khẩu. Hơn nữa, việc chế biến bột giấy từ gỗ cũng làm thu hẹp diện tích cây xanh, không có lợi cho môi trường. Kim Hoàng quê ở Tiền Giang, vùng sông nước mênh mông mà cây lục bình đã trở nên quá đỗi thân quen với tất cả mọi người. Từ đó, Kim Hoàng đã chọn thực hiện đề tài “Nghiên cứu và thử nghiệm quy trình sản xuất giấy từ lục bình”.
Về quê, vớt được 1 bao lục bình, Hoàng hì hục chở lên trường. Thấy lục bình có hàm lượng xen-lu-lô rất cao, các kích cỡ cũng phù hợp với việc tạo giấy, Kim Hoàng bắt tay vào các công đoạn: nấu bột, tẩy trắng, nghiền mịn rồi dùng máy ép tạo thành tờ, sấy khô. Khi đã có giấy thành phẩm, Hoàng đem ra thử độ bền, độ chịu nước, chịu bục của loại giấy này so với các loại giấy khác. Sau 1 năm mày mò tìm, Kim Hoàng vui mừng cho biết: “Loại giấy từ lục bình này đạt tiêu chuẩn sử dụng cho giấy bao gói và bao xi măng. Hơn nữa, độ bền, độ chịu bục còn cao hơn nhiều loại giấy đang sử dụng hiện tại”.
Xét về hiệu quả kinh tế, giấy làm từ lục bình rẻ hơn nhiều so với giấy làm từ cây gỗ trồng vì với diện tích mặt nước lớn như đồng bằng sông Cửu Long, lục bình là loại cây dễ phát triển và có năng suất tốt. Đề tài này của Kim Hoàng đã được trao giải nhì Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Eureka 2009 do Thành Đoàn và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Dạ Lam
Bình luận (0)