3 ngày sau đám tang bà Ngắn, người dân buôn H’drát vẫn chưa ngớt xôn xao, nhiều nhóm người còn tụ tập, bàn tán vụ việc vừa xảy ra. Phía cổng sau trang trại “rẫy ông Thành 507”, nơi người mót cà phê trước đây thường ra vào, hàng rào được dựng lại, dấu chôn cọc rào còn mới.
Người dân coi thường cảnh báo
Bà Vũ Thị Huê, nhà ở ngay sát hàng rào này cho biết, ngay trong ngày đám tang bà Ngắn, người của trang trại cho rào lại bằng lưới thép B40, phía trong dựng thêm lớp rào với chiếc cổng sơn xanh, có hình cảnh báo có chó dữ đầy đe dọa.
Ông Phạm Văn Ngấn, anh ruột nạn nhân, cho biết: gia đình sẽ có đơn kiến nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý người quản lý chó của trang trại đã thấy chó cắn người nhưng không cứu. Ông Ngấn nói: “Trong đám tang bà Ngắn, ông Phạm Ngọc Thành, chủ trang trại, đã tuyên bố sẽ giết hết đàn chó gây chết người, không biết ông Thành có thực hiện lời hứa này hay không?”. |
Ông Mai Thanh Chiến, chồng bà Huê, cũng cho biết thêm, đàn chó trong rẫy ông Thành khá dữ dằn, có lần vượt qua lỗ hổng bờ rào, nhảy sang vườn nhà ông bắt cả con ngan để ăn sống, cắn chết dê nuôi của nhà ông Phong bên cạnh.
Ông Nguyễn Huy Bài, Bí thư Đảng ủy xã Ea Kao, cho rằng: cái chết của bà Ngắn là vụ việc đáng tiếc, khi những người dân đi mót cà phê đã xem nhẹ những lời cảnh báo của trang trại có nuôi chó canh giữ. Theo ông Bài, việc người trực tiếp quản lý đàn chó thấy người bị chó cắn mà không cứu cần được điều tra, xử lý theo pháp luật. Nhưng về phía những người dân xâm nhập vườn cây của người khác không được phép cũng cần thấy cái sai của mình. “Qua vụ việc này, cả hai bên cần rút kinh nghiệm. Người nuôi chó dữ cần quản lý chó chặt chẽ, nhưng người dân mót cà phê cũng phải nhận thức được những hiểm họa ở những trang trại có nuôi chó”, ông Bài nói.
“Ông Sơn không thấy chó cắn người” (?)
Thanh Niên đã liên lạc với số máy điện thoại ông Phạm Ngọc Thành, chủ trang trại (nhà ở TP Buôn Ma Thuột), nhưng chỉ nhận được trả lời của bà Nguyễn Thị Hòe, vợ ông Thành.
Bà Hòe cho biết, từ khi vụ chó cắn chết người xảy ra đến nay bà vẫn chưa vào trang trại, nhà bà đã đưa cho gia đình nạn nhân 120 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Theo bà Hòe, ông Sơn (quản lý đàn chó) không bỏ trốn mà hiện đang làm việc với cơ quan công an. Bà Hòe giãi bày: “Ông Sơn có kể lại với tôi, lúc vụ việc xảy ra ông không chứng kiến việc chó cắn người, chỉ thấy một người ở trên cây kêu cứu. Sau đó thấy một người nằm chết dưới đất, ông Sơn đã gọi điện báo tin cho tôi”.
Bà Hòe cho rằng, rẫy cà phê của gia đình bà đã được rào kỹ nhưng trước đây những người dân trong vùng đã nhiều lần phá rào để vào hái trộm cà phê. “Đàn chó trong trang trại rất hiền, chưa bao giờ cắn ai. Những con chó cắn chết người vừa qua không phải là “chó dữ”, số “chó dữ” đã được nhốt kỹ trong lồng, chỉ có anh Thành (chồng bà Hòe - PV), mới điều khiển chúng được”, bà Hòe nói.
Chiều qua, thượng tá Hồ Bắc, Phó trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết, vụ việc đang được điều tra, sớm nhất là hôm nay (25.1), các đơn vị mới có báo cáo ban đầu với lãnh đạo Công an thành phố.
Luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM: Phòng ngừa mất mát là chính đáng, nhưng chỉ nên dừng lại ở mức cảnh báo Theo tôi biết những người làm rẫy cà phê thường phải đối mặt với việc bị trộm cà phê vào mùa thu hoạch gây thiệt hại nên họ phải thuê người canh giữ hoặc nuôi chó để canh chừng người lạ thâm nhập vào rẫy, vì đôi lúc ranh giới giữa “mót” và bẻ trộm không được rõ ràng khi vụ mùa thu hoạch chưa xong. Việc phòng ngừa mất mát của những người có tài sản, hoa màu, hoa lợi là chính đáng. Vấn đề chính là, mức độ của việc bảo vệ tài sản chỉ dừng lại ở mức cảnh báo, phòng vệ mà thôi. Nếu vượt quá, để xảy ra hậu quả thì tùy mức độ sẽ bị xử lý. Luật pháp của Nhà nước ta quy định rất rõ: “Con người là vốn quý. Mọi hành vi tước đoạt mạng sống của người khác trái pháp luật đều phải bị xử lý hình sự”. Chẳng hạn, nếu nuôi chó ở trong nhà để cắn bị thương hoặc chết người đột nhập vào nhà thì người chủ vật nuôi vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho gia đình người chết: tổn thất tinh thần, chi phí chữa trị, tang ma... vì người này đang sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Việc để bảng “Coi chừng chó dữ” cũng không phải là điều kiện miễn trừ trách nhiệm của chủ vật nuôi. Còn sự thật mà thấy chó cắn người, có khả năng ngăn chặn việc chó cắn người mà bỏ mặc hậu quả xảy ra là đã phạm tội hình sự “không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm”. Đối với người vào rẫy của người khác tuy chỉ là vào “mót” cà phê nhưng không xin phép cũng là vi phạm; có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp trong trường hợp mót cà phê; nếu có chứng cứ vào trộm tài sản thì sẽ bị truy tố về tội "trộm cắp tài sản". Trong trường hợp của nạn nhân này thì không có gì để bàn vì đã chết nên mọi trách nhiệm được miễn trừ. L.N |
Trung Chuyên
Bình luận (0)