Bi kịch mang tên Thalidomide

25/01/2010 23:18 GMT+7

Hàng chục ngàn người đang phải chịu đựng những dị tật bẩm sinh khủng khiếp vì một loại thuốc an thần được sử dụng rộng rãi trong thập niên 1950.

Chính phủ Anh hồi giữa tháng này đã lên tiếng xin lỗi những nạn nhân của một trong những bi kịch y học lớn nhất thời hiện đại sau hơn 50 năm im lặng. Trong giai đoạn 1958-1961, khoảng 20.000 em bé tại 46 quốc gia đã ra đời với cơ thể khiếm khuyết vì mẹ uống thuốc Thalidomide để trị ốm nghén trong thời gian mang thai. Một nửa trong số đó không thể sống quá 1 năm. Hiện còn khoảng 12.000 nạn nhân của loại thuốc này còn sống sót trên toàn thế giới, hầu hết thiếu 2 hoặc 4 chi và nhiều bộ phận khác trên cơ thể, hãng tin AFP dẫn số liệu của Tổ chức Thalidomide UK cho hay. Tại Anh, 446 nạn nhân đang phải sống trong mặc cảm cùng nhiều khó khăn và nhận được chưa tới 20.000 bảng mỗi năm tiền hỗ trợ.

"Chính phủ muốn bày tỏ sự hối tiếc và thông cảm sâu sắc tới những người bị thương tổn vì mẹ của họ uống thuốc Thalidomide trong thời gian mang thai, BBC dẫn lời Bộ trưởng Y tế Anh Mike O'Brien nói hôm 14.1 trước một Quốc hội nín lặng. Tháng 12.2009, chính quyền London cũng đã thông báo một khoản bồi thường trị giá 20 triệu bảng (gần 560 tỉ đồng) trong vòng 3 năm cho những người bị dị tật vì thuốc Thalidomide.

Cho đến năm ngoái, giới khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế ảnh hưởng của thuốc này đối với bào thai. Mọi chuyện mới phần nào sáng tỏ hồi tháng 5.2009 khi các chuyên gia thuộc Đại học Aberdeen (Úc) công bố kết quả nghiên cứu cho thấy Thalidomide đã ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu trong phôi thai.

Phương thuốc "thần kỳ"

Thalidomide được phát triển từ giữa thập niên 1950 tại Đức và hãng dược phẩm Grunenthal chính thức tung sản phẩm này ra thị trường vào tháng 10.1957. Đây được xem là một phương thuốc "thần kỳ" cho các bà bầu để chữa các triệu chứng ốm nghén như chóng mặt, mất ngủ và nhiều nước đua nhau sản xuất. Chỉ riêng tại Anh, hàng chục ngàn thai phụ đổ xô sử dụng Thalidomide kể từ khi nó được chính quyền cấp phép lưu hành vào năm 1958.

Tuy nhiên, nỗi đau cùng cực nhanh chóng ập đến khi họ sinh ra những đứa con tay chân ngắn ngủn hoặc không có chi nào. Có những em bé bị các dị dạng ở mắt, tai, bộ phận sinh dục và các cơ quan nội tạng. Không ai biết điều gì gây ra tình trạng quái thai này vì lúc đó người ta vẫn tin rằng các loại thuốc không thể vượt qua màng nhau thai và ảnh hưởng đến thai nhi. Các gia đình bất hạnh chỉ biết đổ lỗi cho số phận, có người bỏ con ngay sau khi sinh hoặc nuôi dưỡng một cách giấu giếm và xấu hổ vì cho rằng mình bị nguyền rủa. Vụ án một bà mẹ người Bỉ cùng gia đình giết chết đứa con dị dạng vì ảnh hưởng của Thalidomide đã làm chấn động dư luận vào năm 1962, theo BBC.

Sau một thời gian thống kê các ca sinh quái thai trên khắp thế giới, bác sĩ sản khoa người Úc William McBride và chuyên gia nhi khoa Đức Widukind Lenz đã chứng minh Thalidomide là tác nhân trực tiếp gây tai họa vào năm 1961. Thuốc này ngay lập tức bị thu hồi và nhiều vụ kiện lớn đòi bồi thường đã diễn ra. Tuy nhiên phải sau một chiến dịch vận động quy mô của tờ The Sunday Times, hãng dược Distillers của Anh mới đồng ý bồi thường cho các nạn nhân nước này vào năm 1968.

Nỗi đau còn đó

Phóng viên phụ trách vấn đề người khuyết tật của BBC Geoff Adams-Spink cho rằng mình vẫn còn may mắn vì được gia đình thương yêu, chăm sóc bất chấp việc ông có 2 cánh tay rất ngắn, mắt phải không phát triển, còn mắt trái chỉ có thị lực 10%. Mẹ ông chỉ uống 1 viên Thalidomide. "Mẹ tôi kể bà không dám nhìn mặt tôi trong 3 ngày đầu. Đó là một cú sốc lớn cho cả nhà", ông nói. Những người như Adams-Spink đã sống sót bằng một nghị lực phi thường để vượt qua nỗi bất hạnh và một số đã có thể có cuộc sống và công việc bình thường.

Tuy nhiên, nhiều người ngày càng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt khi hầu hết họ đã bước sang tuổi 50. Ông John Roberts tại thành phố Brighton (Anh) kể với BBC rằng ông không biết làm sao khi mắt ông bắt đầu kém đi vì tuổi tác. Nhiếp ảnh gia 54 tuổi này không có 2 lỗ tai để mang kính lão và tay ông quá ngắn để tự đeo kính áp tròng. Cuối cùng ông buộc phải tốn mấy ngàn bảng để thực hiện phẫu thuật laser nâng cao thị lực.

AFP dẫn lời Bộ trưởng O'Brien nói rằng ông hy vọng khoản tiền 20 triệu bảng sẽ giúp các nạn nhân của Thalidomide vượt qua những thách thức lúc tuổi già. "Quả là một tin tuyệt vời dù nó đến quá muộn màng. Đây là một sự an ủi lớn cho các nạn nhân và gia đình họ khi Chính phủ đã thừa nhận sai lầm", ông Guy Tweedy thuộc Quỹ Thalidomide Trust nhận xét. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến chỉ trích mạnh mẽ sự im lặng của London trong suốt 50 năm qua. Nhiều nhà quan sát còn đánh giá động thái xin lỗi và bồi thường vừa rồi là một biện pháp cứu vãn uy tín của chính quyền Thủ tướng Gordon Brown, vốn đang đối diện với nguy cơ thất bại trong kỳ bầu cử vào tháng 6 tới. 

Bóng ma của vụ bê bối vẫn còn lẩn khuất khi một số chuyên gia vào giữa thập niên 1990 đã nêu lên mối nguy rằng di chứng của Thalidomide có thể truyền sang cho thế hệ con cháu của những người trực tiếp chịu hậu quả. Mặc dù vẫn chưa có bằng chứng xác thực, nhưng thông tin trên đã khiến hàng ngàn người hiện phải sống trong nỗi phập phồng. Điều nguy hiểm là bất chấp mọi lời phản đối, loại thuốc này cũng đang bắt đầu được thử nghiệm trở lại vì một số chuyên gia cho rằng nó có tác dụng tốt để chữa một số chứng bệnh nan y như bệnh phong và ung thư.

Mỹ là nước ít bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối nhờ Thanh tra Frances Kelsey của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) kiên quyết không cấp phép lưu hành Thalidomide vì cho rằng thuốc này cần được nghiên cứu thêm. Bà Kelsey đã được Tổng thống John F.Kennedy trao thưởng vì quyết định trên và vào năm 1968, Mỹ ra đạo luật quy định các loại thuốc phải được kiểm tra lâm sàng nghiêm ngặt về tác dụng đối với người mang thai, theo thông tin từ FDA. Các quốc gia khác cũng nhanh chóng ra các quy định tương tự và Thalidomide không còn được sử dụng trong nhiều thập niên.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.