Cú sốc bao cao su giả ở Trung Quốc

27/01/2010 00:38 GMT+7

Bao cao su giả đang tràn ngập thị trường Trung Quốc và bắt đầu xâm nhập nhiều nước khác, đe dọa sự an toàn của người sử dụng.

Giữa tuần trước, giới truyền thông Mỹ đã lên tiếng cảnh báo người dân phải cẩn thận khi sử dụng bao cao su của một số nhãn hiệu nổi tiếng sau khi cảnh sát Trung Quốc công bố đợt truy quét mới nhất vào một cơ sở sản xuất bao cao su giả ở tỉnh Hồ Nam. Trang tin Sphere News ngày 21.1 có bài Bao cao su giả Trung Quốc vào Mỹ, tờ Los Angeles Times giật tít Bao cao su giả gây báo động ở Trung QuốcBao cao su giả: vụ tai tiếng mới nhất của Trung Quốc. Báo chí cũng cho biết từ năm 2008, chính quyền Mỹ đã tịch thu nhiều “áo mưa” giả từ Trung Quốc tại một số cửa hàng ở New York, Texas và Virginia.

2 triệu bao cao su chưa tiệt trùng

Vào tháng 11.2009, chính quyền tỉnh Hồ Nam công bố chi tiết đợt truy quét một công xưởng ngầm dưới lòng đất ở thành phố Thiệu Dương cách đó 4 tháng. Theo báo cáo của cảnh sát, hàng chục công nhân cởi trần đang dùng dầu thực vật bôi trơn bao cao su không rõ xuất xứ trước khi đóng gói và hoàn toàn không qua công đoạn tiệt trùng. Lý An Bình, chủ cơ sở sản xuất trên đã bị bắt cùng 3 người khác. Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, từ tháng 3.2009, Lý An Bình đã sản xuất hơn 2 triệu bao cao su giả các nhãn hiệu quen thuộc như Jissbon, Durex, Rough Rider và Love Card. Người này đã tung ra thị trường hơn 1 triệu cái, thu về 80.000 nhân dân tệ (216 triệu đồng). Số hàng giả này hiện vẫn chưa bị thu hồi.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một cảnh sát địa phương cho biết đây là vụ sản xuất và bán bao cao su giả lớn nhất ở Hồ Nam. Ông này cũng cho biết hầu hết bao cao su do cơ sở trên sản xuất được bán trên mạng hoặc qua các nhà phân phối ở Bắc Kinh, các thành phố Đông Hoàn, Yết Dương, thuộc tỉnh Quảng Đông, và các nước Đông Nam Á.

Trước đó, tháng 7.2008, cảnh sát cũng đã đóng cửa một nhà máy bao cao su trái phép ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang và thu giữ hơn 500.000 sản phẩm không đạt chuẩn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn phát hiện một số nhà máy tái chế bao cao su để làm ra các loại dây buộc tóc giá rẻ.

Nhờ vào chính sách kế hoạch hóa gia đình của chính phủ từ năm 1979 và ý thức về an toan tình dục được nâng cao, nên ngành sản xuất bao cao su đã phát triển mạnh trong những năm gần đây tại Trung Quốc. Công ty tư vấn thị trường OKOKOK (ZUOSI) Information Consulting của Trung Quốc ước tính nước này tiêu thụ khoảng 2 tỉ “áo mưa” mỗi năm, đem lại lợi nhuận khoảng 530 triệu USD. Trung Quốc cũng đứng hàng thứ tư về doanh số bán bao cao su, sau Anh, Nhật và Mỹ. Hiện nay, ở Trung Quốc có hơn 300 nhà sản xuất bao cao su với gần 1.000 nhãn hiệu. Bao cao su bán trên internet có giá rẻ hơn vì hàng không rõ nguồn gốc. Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một người bán hàng qua mạng ở Hồ Nam cho hay một hộp 12 cái mang nhãn hiệu Jissbon và Durex có giá 15 nhân dân tệ (hơn 40.000 đồng), trong khi giá tại siêu thị hay nhà thuốc là 49 nhân dân tệ (hơn 130 ngàn đồng).

Hiểm họa khó lường

Theo các chuyên gia y tế, loại bao cao su giả không được tiệt trùng gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe người sử dụng. Ngoài dị ứng và nhiễm trùng, nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục cũng rất cao do “áo mưa” có thể bị rách bất cứ lúc nào. "Những người sử dụng bao cao su không đạt tiêu chuẩn và những sản phẩm tái chế từ chúng có thể bị nhiễm HIV, bệnh hoa liễu và nhiều bệnh khác”, một bác sĩ cảnh báo trên tờ China Daily. Nhà chức trách ước tính có tới 1/3 số bao cao su được bán trên thị trường là giả. Alex Donovan, một người Mỹ sống ở Bắc Kinh, kể với Thời báo Hoàn Cầu anh từng mua phải một bao cao su giả hiệu Durex tại một cửa hàng ven đường. Donovan cho biết màu sắc của hộp đựng hàng giả tối hơn, màu sắc của bao cũng khác và chúng có thể dễ dàng bị xé rách. Nhà chức trách cho rằng cách tốt nhất để tránh bao cao su giả là mua hàng chính hãng từ các siêu thị hay các nhà thuốc được ủy quyền.

Tình dục không an toàn là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm HIV/AIDS tại quốc gia đông dân nhất thế giới bên cạnh tiêm chích ma túy, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc có từ 560.000 đến hơn 900.000 người nhiễm HIV và khoảng 100.000 bệnh nhân AIDS, theo số liệu của Bộ Y tế và Chương trình LHQ về HIV/AIDS. Hiện Bắc Kinh đang đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền phòng ngừa lây lan căn bệnh thế kỷ, nhưng vấn nạn bao cao su giả sẽ là trở ngại rất lớn cho nỗ lực này. 

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.