Khi teen đi bar

27/01/2010 10:46 GMT+7

(TNTT>) Một trong những thành phần chủ chốt thường xuyên lui tới các quán bar là các bạn tuổi teen. Họ làm gì trong một môi trường đầy cám dỗ này?

Bar có thể nuốt chửng teen...

Ở các bar càng đông đúc, ồn ào và có chút không gian để nhún nhảy thì càng thấy đông các thượng đế teen thường xuyên lui tới. Buổi tối dạo một vòng quanh các quán bar “thời thượng" ở Sài Gòn như Go2, Powerbowl, Apocalypse, Lush, Volcano... sẽ thấy vô số những gương mặt teen đang tập tễnh học đòi các anh chị lắc nhảy hết mình theo những điệu nhạc mà DJ mở. Những gương mặt còn búng ra sữa, còn non nớt và hồn nhiên như trăng mười sáu, đã biết cách cầm điếu thuốc lá rất điệu nghệ, đã biết uống rượu thả dàn và diện những bộ trang phục hàng hiệu mà các bậc đàn anh đàn chị còn phải chào thua. Một điều rất dễ hiểu, các bạn teen đang ở tuổi mới lớn, thích khám phá và tò mò về thế giới bên ngoài, rất ưa chuộng tìm đến những thứ mới mẻ này. Tâm lý teen khi đi bar thường để thỏa mãn cái tôi, hiếu thắng thích thể hiện mình và a dua theo bạn bè. Vì thế nên teen hiếm khi đi bar một mình, mà thường đi theo chúng bạn cho có hội có thuyền, tăng thêm sự tự tin, cùng tạo nên một mớ hỗn độn về âm thanh, màu sắc và phong cách riêng, nhằm gây sự chú ý của những người xung quanh.

Một teen nữ mà người viết bài từng có dịp gặp gỡ trong một quán bar cho biết, thoạt đầu cô nhận lời chúng bạn đi bar vì quá buồn khi bị bạn trai “nghỉ chơi”. Đi riết đâm ghiền, đến giờ dù đã hết buồn nhưng cô vẫn không tài nào bỏ được thói đi bar hằng tuần. Chỉ cần vài ngày không đi bar, cô đã thấy người rạo rực, chỉ muốn mặc quần áo đẹp để tìm đến những không gian bar quen thuộc, nơi luôn có tiếng nhạc xập xình và nồng nặc hơi rượu, khói thuốc. Thậm chí, bây giờ cô sẵn sàng từ chối một lời hẹn hò với bạn trai chỉ vì anh này không chịu chọn bar làm địa điểm hò hẹn.

 Nó có thể nuốt chửng bạn khi bạn yếu đuối, song cũng có thể giúp bạn tăng thêm hưng phấn và yêu đời mỗi khi bước ra...

Không ít teen thiếu bản lĩnh khác cũng có những lý do buồn cười không kém khi kể về cơ duyên “gắn bó” với bar: buồn vì bị bạn bè trong lớp tẩy chay, bạn gái hiểu lầm, bị điểm kém, cô giáo mắng, vì bố mẹ không cho tiền tiêu xài bằng bạn bằng bè... cũng đến bar, thậm chí buồn vu vơ cũng theo quán tính “kéo tới bar để quậy cho đã”... Cũng có một số ít teen khác tìm tới bar do những bất đồng, thất vọng về gia đình như cha mẹ ly dị hoặc lo kiếm tiền không quan tâm tới con cái... Từ những nguyên nhân rạn nứt tâm lý nho nhỏ như vậy, các teen rất dễ sa ngã và bị cuốn theo trào lưu đi bar lúc nào không hay. Trong số đó, phần lớn các em không thể giữ được bản tính trong sáng, ngây thơ của mình khi lần đầu tiên bước vào bar...

Phải có bản lĩnh

Tới lúc này hẳn không ít độc giả sẽ vội vã kết luận rằng như vậy bar đương nhiên là sản phẩm độc hại tới các teen, dễ đẩy các em đến gần với những tệ nạn xã hội như nghiện ngập, ăn chơi sa đọa... Từ đó cũng dễ khiến các em sa vào con đường tội phạm như cướp giật, buôn bán ma túy, mại dâm... để kiếm tiền đi bar, tiêu xài... Tuy nhiên đó là những kết luận vội vã và thiển cận. Đành rằng, sự sôi động ở bar cũng rất dễ khiến người ta lao theo những cuộc vui bất tận, những cơn bốc đồng khó làm chủ bản thân. Nhưng nếu chỉ coi bar như một tụ điểm giải trí, để bạn bè sau giờ làm có chỗ tụ tập chuyện trò, xả hết những ấm ức trong công việc và cuộc sống, để nghe nhạc và đắm mình trong một bầu không gian mới không thường có trong cuộc sống của mình, để thấy cuộc đời không nhạt nhẽo và bị lặp lại... thì bar hoàn toàn hội tụ đủ những ưu điểm của nó. Ranh giới giữa cuộc vui và “sa đọa” là rất mong manh, mấy ai biết được điểm dừng của nó. Việc các bạn teen không giữ được mình, bị trượt dài bởi những cám dỗ trong cuộc sống đêm chỉ có thể tự trách mình không có bản lĩnh và đến với bar xuất phát từ động cơ ban đầu đã vốn lệch lạc. Bar thường được ví như một xã hội thu nhỏ, sống về đêm với đủ dạng người. Nó có thể nuốt chửng bạn khi bạn yếu đuối, song cũng có thể giúp bạn tăng thêm hưng phấn và yêu đời mỗi khi bước ra, để ngày mai lại bắt đầu vào cuộc sống và nhịp điệu học tập, làm việc mới hăng say, hiệu quả hơn. Với những teen thực sự yêu thích âm nhạc, cũng có thể lựa chọn các bar có phong cách nhẹ nhàng hơn, chủ yếu đến thưởng thức nhạc như Lodge Bụi, Yoko, Acoustic, Velvet... Phần lớn các bar này thường chơi nhạc jazz, rock and roll, Flamenco, nhạc trữ tình... với không ít ban nhạc, ca sĩ người Philippines. Vậy đó, yêu bar hay ghét bar – hoàn toàn phụ thuộc vào động cơ đến với bar và những suy nghĩ của bạn về nó. Và, giải trí bằng hình thức đi bar, có lẽ chỉ dành cho những teen thực sự có bản lĩnh.

* Giới trẻ chúng tôi nếu đến bar phần đông là để thể hiện sự sành điệu với bạn bè. Riêng tôi, rất thích cách đi bar ở nước ngoài, họ coi đấy là một nơi giải trí, xả stress khi căng thẳng, họ tha hồ nhảy nhót, uống bia, rượu nhưng khá tỉnh táo để tránh cám dỗ. Luật lệ ở các bar rất nghiêm khắc, nếu chưa đủ tuổi người ta tuyệt đối không cho bạn vào hoặc uống rượu mạnh. Nguyễn Như Quỳnh (SV năm thứ 4, khoa Quản trị - Du lịch - Khách sạn, trường ĐH Kinh tế quốc dân HN) 

* Các bạn tôi kể ở Việt Nam chỉ có giới ăn chơi mới đi bar, còn SV “ngoan” chỉ ra ngồi quán nước. Nhưng thời gian đầu sang Anh, tôi thấy giới trẻ Anh cứ tối ăn xong là rủ nhau đến các quán bar hay câu lạc bộ để giải trí. Chúng tôi cũng đã từng hỏi nhau: cái bọn Anh này ngoài đi đến quán bar và câu lạc bộ ra thì nó giải trí bằng cái gì? Nói hơi quá bởi những trò chúng tôi chơi ở nhà như scrabble (ô chữ), lướt web, monopoly (chơi cờ) thì họ cũng chơi; khi đi ra ngoài thì có thể đi xem phim, đi ăn, chơi bowling và trượt băng. Nhưng có lẽ vì không có quán nước, không có nhiều chỗ ăn vặt, hay shopping (các cửa hàng thường đến 5-6g là đóng cửa) nên đi bar là lựa chọn số 1 của họ. Ngô Thu Huyền ( SV khoa Kinh tế, trường Đại học Nottingham, Anh) 

* Ở mỗi vùng miền, cách đi bar cũng như quán bar khác nhau. Các bar sang trọng ở Hà Nội đắt kinh khủng, bar bình dân rẻ nhưng phục vụ tồi cũng như quán nhếch nhác. Ở Sài Gòn, có vẻ “Tây” hơn khi đi bar có phong trào, quán bar nhìn cũng to đẹp, giá cả hợp lý. Nếu đưa ra một phép so sánh giữa bar, quán nước và quán bia ở Việt Nam thì ra kết quả thế này: bar là để xả stress một cách xả láng; quán nước là tổng hợp xả stress - làm việc - thư giãn - thưởng thức - hẹn hò... Trần Đăng Nghĩa (27 tuổi, làm việc tại VTC Game)

Minh Ngọc (ghi)

Ý kiến

* Tôi nhớ ngày bé, cứ mỗi lần xem ti-vi mà thấy cảnh các thanh niên vào quán bar uống bia là ba mẹ tôi nhắc chừng ngay, đó là chỗ xấu, con tuyệt đối không được vào nhé. Tư tưởng đó đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi cho đến khi trưởng thành, rồi trong một lần tình cờ phải đến quán bar vì công việc, tôi mới nhận ra quán bar không có gì xấu như mình vẫn tưởng. Chẳng qua là ở môi trường đó, người ta dễ phát sinh những thói xấu như uống bia rượu vô tội vạ dẫn đến mất kiểm soát bản thân. Nhưng đó là do con người đã làm xấu đi hình ảnh của quán bar, chứ bản chất quán bar đâu có tội tình gì? Ngọc Phi, 24 tuổi (thocon26…@yahoo.com)

* Người ta thường nói “có chơi thì có chịu”, bar là một hình thức giải trí cao cấp dành cho người lớn, phục vụ chu đáo, không gian đẹp và hiện đại nên dĩ nhiên giá cả phải đắt hơn những nơi bình thường rồi. Nếu cảm thấy khả năng tài chính của mình đủ để vào bar xả stress, hãy vào chứ đừng than là nó lãng phí. Nếu đi bar thực sự là lãng phí, là vô bổ, có lẽ các quán bar đã không sáng đèn hằng đêm, đông nghẹt khách hằng đêm như vậy! Đức Anh, Q.Gò Vấp (0982370…)

* Thỉnh thoảng cơ quan tôi có liên hoan hay được hưởng cuối năm, cả phòng tôi cũng hay kéo nhau đi bar. Chủ yếu để thoải mái cười nói, hò hét và nghe nhạc “dội” vào tai để tăng thêm hưng phấn sau một ngày làm việc mệt nhọc. Mà chúng tôi cũng không có nhiều thời giờ để suốt ngày ngồi ở quán bar, còn phải đi làm kiếm tiền, suy nghĩ và dành tâm trí cho công việc. Bar chỉ là giải trí, tuy nhiên cũng cần phải biết “giữ mình” khi tìm đến loại hình giải trí này. Chẳng hạn nên đi bar với những người bạn thân quen, bạn tốt để tránh bị cám dỗ. Và khi uống cũng phải biết giới hạn, đừng để say rồi mất tự chủ bản thân. Lê Phương Tuấn, Q.Tân Bình (tuanmario…@yahoo.com)

Ngọc Bi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.