Từ nguyên liệu tái chế đến robot sinh thái

01/02/2010 11:39 GMT+7

(TNTT>) Sử dụng nguyên liệu tái chế để tạo ra robot phục vụ mục đích giáo dục, đó là điều mà một chuyên gia sinh thái biển ở Nhật Bản đã nỗ lực thực hiện từ nhiều năm qua.

Cuộc sống hiện đại đã tạo ra không ít vật tái chế mà việc xử lý chúng là cả một vấn đề. Vì thế bất kỳ nỗ lực sử dụng đồ tái chế nào cũng đều xứng đáng được hoan nghênh và đánh giá cao. Với ông Masamichi Hayashi, người đồng thời cũng là một chuyên gia giáo dục, những đồ vật tái chế, từ áo mưa đến cần gạt nước xe hơi, hoàn toàn có thể là nguyên liệu cho những sản phẩm hữu ích.

Tìm hiểu đời sống biển…

Trên cơ sở ý thức tận dụng đồ tái chế, cùng với sự hiểu biết về công nghệ chế tạo robot và đời sống sinh vật biển, ông Hayashi đã tạo ra được một bộ khoảng 100 con cá robot. Những robot này có thể bắt chước cách bơi lội của từng loại cá mà chúng được mô phỏng. Các con cá được điều khiển từ xa và chứa đựng một loạt cơ vận động phức tạp. Một số robot cá lớn có thể mở khép miệng để đớp mồi nhân tạo, trông y như những con cá thật.

Ông Hayashi cũng làm một loạt phim video tư liệu về những phát kiến của mình, trong nỗ lực nhằm mở rộng kiến thức của học sinh về sinh vật biển. Cá robot của ông có thể thực hiện những hoạt động có ý nghĩa, chẳng hạn như thu nhặt rác dưới nước và chuyển cho người ở trên bờ. Rõ ràng, với bộ cá robot của chuyên gia Hayashi, học sinh Nhật không những có thể tìm hiểu đời sống sinh vật biển mà còn học được ý thức bảo vệ môi trường biển. Các em cũng có thể học được nhiều từ nỗ lực tận dụng đồ tái chế của chuyên gia Hayashi.

Robot Eporo - Ảnh: BBC
Robot Eporo - Ảnh: BBC

…Và mô phỏng hành vi sinh vật dưới nước

Xứ sở mặt trời mọc nằm giữa đại dương bao la. Người dân nơi đây rất mê cá và sống thọ nhờ ăn cá. Thế nên việc tìm hiểu về đời sống của các loài cá nói riêng và của sinh vật biển nói chung hẳn là chuyện không phải để “giết thời gian”. Người Nhật thậm chí còn tiến thêm một bước nữa là ứng dụng hành vi của cá để cải thiện chất lượng cuộc sống. Hồi năm ngoái, hãng xe hơi Nissan của Nhật đã trình làng một loại robot mô phỏng chuyển động của loài cá với niềm tin công nghệ này có thể sẽ được sử dụng trong xe hơi giúp tránh va chạm khi tham gia giao thông.

Robot của Nissan có tên Eporo, kích thước rất nhỏ, có thể di chuyển thành đàn như loài cá mà không hề va chạm nhau. Eporo có 3 bánh xe, được bao bọc bởi một vùng tia laser để đo lường khoảng cách với các vật thể xung quanh. Loại robot này được thiết kế di chuyển thành nhóm gồm 7 “thành viên”. Vùng laser xung quanh sẽ liên tục phản ảnh dữ liệu về chướng ngại vật và truyền qua lại bằng sóng radio, giúp cho cả nhóm di chuyển nhịp nhàng và không đụng nhau. Công nghệ này cho phép xe hơi di chuyển cạnh nhau hoặc chuyển hướng nhanh chóng theo đoàn mà không gây tai nạn. Ông Toshiyuki Andou, kỹ sư chính của dự án Eporo, khẳng định: “Chúng ta, trong thế giới ô-tô, có nhiều cái để học từ hành vi của đàn cá, xét về mức độ tự do và an toàn”.

Con người đã, đang và sẽ phải tìm hiểu và mô phỏng những hành vi, kỹ năng của các loài động vật ở thế giới tự nhiên trong việc chế tạo các trang thiết bị và phương tiện phục vụ đời sống con người. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ thiên nhiên và môi trường để hành tinh xanh và loài người sẽ cùng phát triển bền vững dài lâu.

Việt Nam cũng đã chế tạo robot cá

Robot cá đầu tiên ở Việt Nam đã được nghiệm thu tại Sở KH-CN TP.HCM vào ngày 16.12.2009. Con cá này được điều khiển từ xa, có thể bơi giống cá thật. Đây là thành quả của một nhóm nghiên cứu là những sinh viên thuộc Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Robot có kích thước khoảng 35cm x 70cm x 110cm, nặng 600g, được điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến. Nó có thể bơi trong hồ (môi trường nước trong và tĩnh) với tốc độ bơi khoảng 0,6m/giây, ở độ sâu tối đa khoảng 2m, và thực hiện các động tác bơi lên, lặn xuống, chuyển hướng khá nhịp nhàng. Tuy nhiên, robot vẫn còn một số nhược điểm như các khớp nối chưa thật hoàn hảo làm hạn chế khả năng bơi uyển chuyển, bơi lên và bơi xuống chưa nhanh. Khả năng bơi xuống độ sâu còn hạn chế do sóng vô tuyến chưa đủ đáp ứng (camera không truyền tín hiệu xuống được).

Khang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.