Đầu vào – đầu ra
Tại Việt Nam ngày nay, mối quan ngại lớn nhất mà các bậc phụ huynh cần nghĩ tới không phải là độ tuổi bắt đầu học ngoại ngữ của con mình mà chính là đầu vào và đầu ra cho ngoại ngữ mà bé đang học.
Đầu vào ở đây là lượng kiến thức ngoại ngữ mà trẻ thu nạp tại trường, và điều này liên quan chặt chẽ đến chất lượng giảng dạy ngoại ngữ tại các trường tiểu học hiện nay. Việc đổ xô phổ cập ngoại ngữ cho tiểu học (và thậm chí ở lứa tuổi mẫu giáo) với đội ngũ giảng dạy chất lượng kém là một việc làm lợi bất cập hại. Với đầu vào chất lượng kém, trẻ đương nhiên không thể phát triển một trình độ ngoại ngữ như mong đợi, chưa nói đến những tác hại khôn lường về lâu về dài đối với việc học ngoại ngữ theo kiểu này, vì những gì trẻ học được ở độ tuổi tiểu học là những thứ đọng lại lâu nhất. Nhiều người đã trưởng thành bị mắc một số các lỗi hóa thạch (lỗi không thể sửa được) trong việc phát âm một số từ chỉ vì lúc mới tiếp xúc với ngoại ngữ này hồi bé, họ đã được dạy phát âm như vậy.
Còn đầu ra chính là cơ hội cho trẻ sử dụng vốn ngoại ngữ mình đã học. Trẻ cần có cơ hội sử dụng ngoại ngữ dưới nhiều hình thức, từ cảm nhận (nghe nhạc, xem phim, đọc sách…) đến biểu đạt (nói chuyện, đọc diễn từ, viết văn…) dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của người có trình độ ngoại ngữ cao hơn, không nhất thiết phải là người bản ngữ, miễn là hướng dẫn đúng phương pháp và có tài liệu chuẩn.
Trộn lẫn ngôn ngữ: coi chừng thiểu năng cả hai! Điều đáng lo nhất với các trẻ có điều kiện học tiếng Anh tại Việt Nam là thói quen xấu trộn lẫn hai ngôn ngữ của trẻ. Thói quen này dẫn đến hiện tượng thiểu năng cả hai ngôn ngữ, khiến trẻ không thể diễn đạt bằng một ngôn ngữ duy nhất mà không bị phụ thuộc vào ngôn ngữ thứ 2. Một số phụ huynh nhầm lẫn hiện tượng này với khả năng sử dụng song ngữ (khả năng dùng lưu loát và riêng biệt cả hai thứ tiếng), và vì thế không chú trọng đúng mức để sửa cho trẻ. Trẻ cần phải được uốn nắn để chỉ được dùng một thứ tiếng cho một phát ngôn, hơn là cứ chêm ngoại ngữ “lổn nhổn”, vô tội vạ vào, rồi không xác định được là đang sử dụng ngôn ngữ nào. |
Trẻ bắt đầu học ngoại ngữ ở lứa tuổi nào?
Ở bất kỳ độ tuổi nào, người ta đều có thể bắt đầu học một ngoại ngữ mới với những ưu nhược riêng. Khi nói trẻ em làm quen với tiếng nước ngoài sớm là tốt, người ta muốn nhấn mạnh đến ưu thế phát âm của trẻ nhỏ.
Kết quả các nghiên cứu cho thấy để trẻ học một ngôn ngữ thứ 2 (sau tiếng mẹ đẻ) có thể phát âm chuẩn như người bản ngữ, trẻ phải dưới 10 tuổi. Tất nhiên điều này còn tùy thuộc năng khiếu cá nhân và môi trường tiếng mà trẻ đang có. Có thể “phân nhóm” trẻ theo mục đích học ngoại ngữ như sau để xác định độ tuổi:
• Trẻ em sống và học tập tại Việt Nam: độ tuổi bắt đầu học không quan trọng bằng việc tạo cho trẻ một đầu vào chất lượng tốt. Tất nhiên, bắt đầu học sớm giúp trẻ phát âm dễ gần chuẩn hơn và “miễn nhiễm” với các đầu vào kém chất lượng mà trẻ có thể gặp sau này.
• Trẻ em sống và học tập tại Việt Nam có bố hoặc mẹ là người bản ngữ: từ khi trẻ biết nói, áp dụng phương pháp “one parent, one language” (mỗi phụ huynh một thứ tiếng). Đây là phương pháp tối ưu, theo đó, mỗi người sẽ dùng thứ tiếng của mình để nói với trẻ, tuyệt đối không sử dụng lẫn lộn hai thứ tiếng. Phương pháp này khiến trẻ có thể phát triển đồng đều cả hai ngôn ngữ mà không có thói quen xấu là trộn lẫn hai ngôn ngữ khi sử dụng.
• Trẻ có điều kiện học ngoại ngữ tại một nước nói tiếng Anh hay tại một môi trường mà tiếng Anh là ngôn ngữ chính: độ tuổi thích hợp là từ 6 đến 9 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ vừa phát triển được ngôn ngữ thứ 2 như người bản xứ mà vẫn duy trì tốt được tiếng mẹ đẻ.
Trẻ cần phải được uốn nắn để chỉ được dùng một thứ tiếng cho một phát ngôn
|
|
Cách học nào phù hợp?
Cách học ngoại ngữ phù hợp nhất với trẻ em là cho trẻ chơi bằng ngoại ngữ càng nhiều càng tốt. Các tài liệu học tiếng Anh dành cho trẻ em hiện nay đều minh họa cho quan điểm này. Trẻ được học thông qua việc học hát, xem các đoạn phim ngắn, đọc các bài vè… và các hoạt động ngoại khóa có lồng ghép việc sử dụng ngoại ngữ như diễn kịch, tranh biện, các trò chơi có tính giao tiếp…
Ở Việt Nam, các gia đình không đủ điều kiện cho con theo học tại các cơ sở đắt tiền có giáo viên bản ngữ, phụ huynh hoàn toàn có thể tự tạo ra đầu vào chất lượng cao cho con mình bằng việc mua các tài liệu chuẩn như các bộ đĩa CD-ROM học tiếng Anh dùng trên máy vi tính (như bộ Let’s Go), các bộ băng/đĩa CD để nghe kèm theo các sách học tiếng Anh dành cho trẻ em. Phụ huynh nên lập thời khóa biểu cho trẻ học đều đặn mỗi ngày độ nửa tiếng đến 45 phút, tốt hơn rất nhiều so với việc chỉ học thật nhiều vào hai ngày cuối tuần.
Trong quá trình trẻ học, phụ huynh chỉ giám sát và giúp đỡ, cho trẻ nghe và phát âm theo băng, đĩa, tuyệt đối không nên bắt trẻ phát âm lặp lại theo mình. Cho trẻ xem phim, nghe nhạc, hát theo các bài hát tiếng Anh trong các băng đĩa phim, nhạc giành cho trẻ em cũng rất có lợi cho khả năng nghe và phát âm của trẻ. Cách này tốt hơn rất nhiều so với việc đưa con đến “học đại cho có với người ta” tại các lớp học tư hay các trung tâm ngoại ngữ bất kỳ.
Học có phương pháp Trong thời buổi toàn cầu hóa, tiếng Anh đang dần dần trở thành một ngôn ngữ quốc tế, việc con bạn nói tiếng Anh bằng giọng Anh, giọng Mỹ, giọng Úc, hay giọng Việt Nam không quan trọng bằng việc con bạn có thể hiểu được tiếng Anh bằng các giọng khác nhau trên khắp thế giới và có cơ hội sử dụng vốn tiếng Anh mình đã học. |
Trương Huệ Minh
(Nghiên cứu sinh ngành ngôn ngữ học ứng dụng
tại trường Victoria University of Wellington)
Bình luận (0)