Trao đổi Văn hóa xếp hàng: 1001 chuyện xếp hàng

05/02/2010 11:32 GMT+7

* Xem TN TT> TỪ 2.2.2010 (TNTT>) Nhắc đến tình trạng vô văn hóa xếp hàng, nhiều người nghĩ rằng nó chỉ tồn tại ở nước ta. Còn thế giới thì tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn, xô bồ. Nhưng thật sự không phải như vậy.

Xếp hàng tồn tại trên khắp thế giới và người Anh gọi văn hóa đó là “queue culture”. Việc xếp hàng là điều rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày và nó không đơn thuần ở các cửa hàng mậu dịch thời bao cấp. Xét về phương diện xã hội, văn hóa xếp hàng thể hiện bộ mặt văn minh của một tập thể nơi mọi người cùng tôn trọng các quy tắc ứng xử không định bằng văn bản luật. Xét về phương diện cá nhân, văn hóa xếp hàng thể hiện sự tôn trọng của một người với mọi người và sự tự trọng.

Loài linh dương đầu bò ở châu Phi hằng năm thường phải di cư tìm cỏ và nguồn nước. Chặng đường chúng qua có những dòng sông đầy cá sấu. Bầy linh dương thường “dồn toa” bên bờ sông rồi cả đám lao xuống như thác vượt qua bờ bên kia. Các nhà khoa học tại Discovery tính rằng số linh dương đầu bò chết giữa sông vì bị đồng loại giẫm đạp đôi khi còn cao hơn số bị cá sấu ăn. Nếu linh dương biết suy nghĩ và hiểu về... văn hóa xếp hàng, số lượng loài này bỏ xác trên sông sẽ không nhiều. Đây chỉ là một so sánh vui của các nhà sản xuất phim về thế giới động vật nhưng nó đáng để loài người phải suy nghĩ.

Người châu u đến Nhật rất ấn tượng bởi văn hóa xếp hàng tại quốc gia này. Họ có thể chờ cả đêm để được mua một bộ đầu điện tử PS3 mới ra, một đĩa game mới phát hành và tất cả đều trật tự. Người Nhật còn thể hiện sự tôn trọng văn hóa xếp hàng khi họ xếp hàng dài trước trạm xe bus theo hàng một để chờ xe, mỗi người một việc: đọc báo, chơi game, nhắn tin qua điện thoại, tất cả đều bình yên và nhẹ nhàng. Ở Nhật, không ai ngại xếp hàng cả vì đó chính là khoảng thời gian để họ nghỉ ngơi trước khi bước vào công việc mới.

Nhưng khi sang Trung Quốc, một quốc gia đông dân hàng đầu thế giới, mọi thứ lại không như thế. Tờ Daily Mail cuối năm ngoái đã in hình cảnh những dòng người xô bồ chờ lên tàu về quê. Cảnh sát xuất hiện cũng không ngăn được dòng người đang giận dữ. Người đằng sau cố chen lên đằng trước vì sợ mất lượt còn người đằng trước thì bị đẩy ngã trong không khí hoảng loạn. Một người đàn ông đã phải gào khóc van xin những người đứng đằng sau đừng đẩy anh ta lên nữa vì phía trước anh là bà vợ đang mang bầu. Chiếc bụng bầu của người phụ nữ này đã ép chặt với lưng người xếp đằng trước nhưng nếu tách ra khỏi hàng, hai vợ chồng này sẽ mất cơ hội về quê ăn Tết. Văn hóa xếp hàng không tồn tại ở đây khi ai cũng nghĩ đến bản thân và coi tất cả xung quanh là đối thủ. Làm như vậy có giúp họ nhanh kiếm được vé về quê so với việc xếp hàng nghiêm chỉnh không? Có lẽ là không. Nó chỉ khiến tất cả đều mệt mỏi và càng làm chậm hơn tiến độ giải quyết.


Xếp hàng ở Trung Quốc thường xảy ra chen lấn

Có một hành vi được coi là phản văn hóa trong xếp hàng rất bị mọi người lên án. Đó là chuyện chạy tắt, cướp lượt theo kiểu khôn lỏi. Người Anh gọi đó là “cut in line”. Nhân vật Mr Bean được nhiều khán giả yêu thích nhưng chắc chắn khi xem phim, sẽ chẳng có mấy người ủng hộ chuyện anh chàng bày trò "khôn lỏi "để cướp lượt xếp hàng. Khi bạn cướp vị trí trong một hàng người, bạn không chỉ cướp lượt của một người mà cả dòng người phía sau. Người ta đã nghiên cứu trên Journal of Personality of Social Psychology rằng khi một người chen vào hàng thì 54% khả năng anh ta sẽ bị phản ứng còn nếu hai người cùng chen vào hàng một lúc thì khả năng đó là 91%.

Tuy nhiên, trong những trường hợp bất khả kháng, một người vẫn có thể không cần xếp hàng và được mọi người trong hàng đồng ý. Một phụ nữ mang thai, một người già hay em nhỏ muốn được khám trước trong bệnh viện chỉ cần ngỏ lời thì cả hàng sẽ đồng ý để họ lên trên đứng đầu vì tất cả đều sẵn sàng nhường một ít thuận lợi của mình cho người khác. Đó cũng là văn hóa. Tại Liên Xô trước đây còn có một luật cho phép bạn chen ngang mà không gặp phải phản ứng, nếu khi đang xếp hàng mà bạn phải đi toilet. Khi trở lại, bạn có quyền vào hàng theo đúng vị trí cũ mà không cần xin phép ai.

Chen hàng là phạt tiền

Tại vùng Puget Sound, thuộc bang Washington (Mỹ), người ta chủ yếu dùng phà để giao thông qua lại giữa các hòn đảo trong vùng. Đã có không ít trường hợp tranh cãi nhau chuyện chen xếp hàng khi chờ phà vận chuyển. Điều đó khiến bang phải đưa ra luật để dễ xử lý. Nếu một người chen vào hàng xe xuống phà không đúng luật, người đó sẽ phải nộp phạt 101 USD và kèm theo việc phải quay về cuối hàng. Tất cả đều sợ tốn tiền và mất nhiều thời gian nên việc xếp hàng xuống phà đã trở nên trật tự.

 
Ảnh: Reuters

Tại Anh, phương tiện giao thông công cộng phát triển rất sớm nên văn hóa xếp hàng tại xứ sở sương mù được hình thành từ lâu. Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, người Anh cũng phải xếp hàng dài trước các cửa hàng để chờ mua nhu yếu phẩm. Dù hàng có dài đến mấy, mọi người vẫn trật tự chờ đến lượt. Trang icon.org.uk đã gọi văn hóa xếp hàng của người Anh là niềm tự hào trong quá khứ. Ngay cả trong hiện tại, người Anh vẫn tôn trọng văn hóa xếp hàng khi đứng chờ xe bus, vào sân vận động hay kể cả trước cửa nhà vệ sinh. Có hai thứ khiến người Anh rất ghét khi tham gia xếp hàng: Thứ nhất là chen hàng, thứ hai là đẩy lưng người phía trước.

Tại Tây Ban Nha, văn hóa xếp hàng hơi lạ hơn ở chỗ khác. Người Tây Ban Nha không thích việc xếp hàng dài dằng dặc mà chỉ khi gần đến lượt họ mới tập trung lại. Vì vậy, tốt nhất khi tham gia xếp hàng ở Tây Ban Nha, bạn nên hỏi “Quién es el último?” (nghĩa là Ai xếp cuối cùng ở đây?). Một người sẽ trả lời và mọi người hiểu bạn sẽ là người xếp cuối cùng mới, đó là một sự xác nhận của cả tập thể. Sau đó bạn có thể đi đâu đó tán gẫu nhưng nhớ quay về khi gần đến lượt của mình. Nếu gặp phiền toái khi đến lượt của bạn mà có người tranh thì chỉ cần nói “me toca a mí” (Tôi là người tiếp theo) và người phía trước bạn sẽ xác nhận điều đó.

Nhật Minh

Ý kiến...

* Nhân đọc loạt bài về Văn hóa xếp hàng - Xem TN TT&GT từ 2.2.2010

Tôi làm việc chuyên về quản lý hành chính ở Canada từ nhiều năm và nhận thấy những vấn đề mà người Việt Nam hay gọi là ý thức hay văn hóa (xếp hàng, khạc nhổ, mua bằng, chạy chức, tham nhũng, xin cho...) thật ra phần lớn là do quản lý hành chính.

Có thùng rác thì người dân mới đổ rác đúng chỗ. Có nhà vệ sinh công cộng thì người dân mới phóng uế đúng chỗ. Có cách quản lý để người dân tập xếp hàng thì mới trách người không xếp hàng. Có rất nhiều phương pháp để tập cho người dân có ý thức và văn hóa tốt, trong đó trách nhiệm của cơ quan quản lý là rất quan trọng. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới đã chứng minh điều này._Nguyễn Bình, Canada (bnguyen@ville.montreal.qc.ca)

Chuyện xếp hàng ở nước ta cũng giống như chuyện chờ đèn đỏ vậy. Chỉ khi nào có cảnh sát hoặc người quản lý ở đó, người dân mới tự giác, còn không cứ vèo vèo mà phóng, cứ ào ào mà chen lấn. Nhiều người chỉ mới chờ đèn đỏ có một chút thôi đã tỏ ra rất khó chịu, mặt mày bặm trợn nhăn nhó, bóp kèn inh ỏi. Nhiều lúc tôi tự nghĩ, chúng ta có những ngày rảnh rỗi, sẵn sàng ngồi hàng giờ cà phê tán dóc, nhưng chỉ vài giây chờ đèn đỏ hoặc vài phút chờ xếp hàng lại chịu không nổi. Thế có mâu thuẫn quá không?_Vũ Anh, 30 tuổi, Bình Thạnh (0908546…)

Khó nhất là khi đang gấp mà phải xếp hàng. Thú thực bản thân tôi cũng có nhiều lúc... chen hàng khi thấy một hàng dài người đang xếp dằng dặc, mà mình lại đang có công chuyện quá gấp. Lúc bình thường không sao, tôi nghĩ ai cũng sẵn sàng chờ xếp hàng cả, nhưng khi gấp thì cũng nên “du di” cho họ. Tất nhiên là phải được sự đồng ý của cả hàng. Cũng đừng nên lên án người Việt Nam quá, tôi đi nước ngoài nhiều, thấy người ta khi gấp cũng chen lấn đi thang máy, mua thức ăn thôi.

Thảo Ly, 28 tuổi (tina24…@yahoo.com)

Nhật Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.