Cả nước tưng bừng vui Tết

08/02/2010 23:18 GMT+7

Quảng Nam * Tam Kỳ: Chương trình ca nhạc đón xuân (lựa chọn từ các tiết mục xuất sắc trong Liên hoan giai điệu - sắc màu tuổi trẻ 2010, do Trung tâm VHTT Quảng Nam và Thành Đoàn Tam Kỳ tổ chức) sẽ trình diễn tại Quảng trường 24.3 vào tối giao thừa, kết hợp với bắn pháo hoa tại thành phố tỉnh lỵ. >> Tết Việt với cầu thủ nhập tịch \ Vui xuân tại TP.HCM \Khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM \Đón giao thừa trên đèo Hải Vân \Chơi phố ông đồ \ Những “món” Tết trên truyền hình

Từ 16 tháng chạp, phố ẩm thực đã mở tại P.An Xuân, thu hút hàng ngàn người tham gia và kéo dài đến 25 tháng chạp. Riêng hội hoa xuân quy tụ khoảng 60 nhà vườn hoa, cây cảnh đăng ký và 16 nghệ nhân cây cảnh, đá cảnh, thư pháp... tham gia. Năm nay, Trung tâm VHTT TP Tam Kỳ còn liên kết với doanh nghiệp tư nhân Tiến Đức tổ chức các điểm vui xuân với hàng trăm gian hàng trò chơi chính thức mở cửa từ 26 tháng chạp tại số 56 Trần Cao Vân, TP Tam Kỳ.

* Hội An: Hội Tết dân tộc xuân Canh Dần diễn ra từ 7.2 -18.2 (24 tháng chạp đến mùng 5 Tết). Là chương trình thường niên, năm nay hội Tết dân tộc được mở màn bằng Ngày hội bánh Tết vì người nghèo (diễn ra từ 28 tháng chạp), gồm các tiết mục thi làm và nấu bánh tét, bánh lăn, các loại bánh truyền thống, mứt. Toàn bộ sản phẩm dự thi sẽ làm quà Tết cho 1.300 hộ khó khăn ở thành phố.

Hội đèn lồng Hội An lần thứ hai khởi động từ 30 tháng chạp đến 14 tháng giêng âm lịch. Ngoài hai hoạt động thi và sắp đặt đèn lồng nghệ thuật, Hội An còn mở rộng 6 không gian trưng bày đèn lồng. Giao thừa năm nay, Hội An sẽ bắn pháo hoa ở 3 điểm; các đình chùa, nhà thờ, di tích... trên toàn thành phố cũng sẽ cùng gióng chuông, đánh chiêng trống.  Đặc biệt tại quảng trường Sông Hoài diễn ra chương trình Chuyện lạ Việt Nam (có nghệ sĩ Mai Đình Tới, võ sĩ nội công Quốc Cường tham gia) và các cuộc thi khác như bóng chuyền, đẩy gậy, thời trang tuổi thơ và các hoạt động trưng bày sinh vật cảnh, triển lãm ảnh, khai bút đầu xuân...

Chương trình biểu diễn dân ca kịch: Năm nay, Đoàn dân ca kịch Quảng Nam cũng sẽ đi biểu diễn phục Tết cho nhân dân trên toàn tỉnh như: Thăng Bình, Núi Thành, Đại Lộc, Phước Sơn từ mùng 3 Tết. Trước đó,  4 xã vùng ven TP Tam Kỳ (Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Ngọc, Tam Phú) đón Đoàn dân ca kịch Quảng Nam về biểu diễn suốt 3 ngày Tết. Đoàn đang phục dựng vở cũ và dựng vở mới như: Đắng trong hạnh phúc, Những đứa con oan nghiệt, Xuân tím, Chia tay hoàng hôn...

Quảng Bình

Tại TP Đồng Hới: Tổ chức Chợ hoa xuân 2010, bắn pháo hoa vào đêm giao thừa; tại Trung tâm Văn hóa tỉnh: Đoàn nghệ thuật truyền thống tổ chức dạ hội văn nghệ quần chúng vào đêm 30 âm lịch; Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể dục - thể thao tỉnh: tổ chức tập huấn và thi đấu giải Cờ vua miền Trung mở rộng, giải Cờ tướng đại hội TDTT từ ngày 24 - 26.2; Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng: tuần phim VN với chủ đề Mừng Đảng - Mừng xuân; Thư viện tỉnh: Hội báo Xuân 2010 và trưng bày, giới thiệu sách, báo về chủ đề “80 năm truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” vào ngày 9.2.

Tại các huyện đều có các hoạt động vui chơi văn hóa dân gian, thể dục thể thao như: huyện Lệ Thủy tổ chức Hội bài chòi trong các ngày Tết; huyện Minh Hóa tổ chức dạ hội văn nghệ đêm 12.2 tại trung tâm huyện; tổ chức giải bóng chuyền đầu xuân tại xã Thượng Hóa vào ngày 17.2 và tại xã Trọng Hóa ngày 19.2; huyện Quảng Trạch tổ chức Hội vật truyền thống đầu xuân vào ngày 23.2 với 8 hạng cân tại Trung tâm VHTT-TT huyện...

Tiền Giang

Năm nay tại TP Mỹ Tho, ngoài điểm vui chơi chính là đường hoa Hùng Vương, Công ty CP du lịch Tiền Giang còn thiết kế tour đi ca-nô tham quan sông Tiền rồi ghé vào cồn Thới Sơn. Tại đây khách sẽ được hướng dẫn tham quan khu du lịch rộng 17 ha đang xây dựng, nghe đờn ca tài tử và đi đò chèo trong rạch. Thời gian tour này khoảng 3 giờ. Một tour khác cũng đi bằng ca-nô, đón khách tại bến tàu du lịch Mỹ Tho nhưng kéo dài khoảng 4 giờ. Ngoài nội dung như chương trình trên còn có ghé qua Tân Thạch (Bến Tre), tham quan cầu Rạch Miễu và cơ sở sản xuất kẹo dừa. Nếu có nhu cầu, du khách sẽ được đưa tham quan chùa Vĩnh Tràng, trại rắn Đồng Tâm, khu dệt chiếu Long Định, chợ nổi và làng nuôi cá bè trên sông Tiền...

 
Du khách nước ngoài mua nón lá làm quà khi đi tour ở Tiền Giang - Ảnh:  H.Phương

Cũng đón khách tại bến tàu du lịch Mỹ Tho, Công ty CP du lịch Bến Tre cho biết ngoài các tour bình thường, đặc biệt trong dịp Tết tại khu du lịch cồn Phụng còn có chương trình múa lân và múa lửa phục vụ du khách suốt từ mùng 1 đến mùng 8 Tết. Chương trình này dài khoảng 4 giờ, cũng có đi đò chèo trong rạch dừa nước, nghe đờn ca tài tử, ăn trái cây và tham quan lò kẹo dừa ở Tân Thạch.  Bên cạnh đó, công ty còn có tour đi tàu tham quan chợ nổi trên sông, sau đó đi thuyền nhỏ vào rạch Xếp (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, Bến Tre) rồi ghé vào điểm du lịch Quới An. Sau khi ăn trái cây, du khách sẽ đi xe ngựa trên đường làng khoảng 2 km tới khu du lịch Bến Trúc rồi xuống đò chèo ra sông Tiền để lên tàu đi tham quan lò kẹo dừa và ăn trưa tại Khu du lịch cồn Phụng.                                                                      

Bạc Liêu 

Từ ngày 8.2 - 11.2 (tức từ 25 - 28 tháng chạp), Hội xuân Canh Dần diễn ra với chuỗi các hoạt động vui chơi, giải trí gồm: Hội thả diều (tổ chức tại sân vận động Bạc Liêu);  cuộc thi Khéo tay hay làm (tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên) với các môn thi: đơm quả, cắm hoa, làm mứt; thi  quết bánh phồng, gói bánh tét... Đặc biệt, do mùng 1 Tết năm nay rơi đúng vào ngày Lễ Tình nhân (14.2) nên có thêm diễn đàn giao lưu Tuổi trẻ tình yêu - mùa xuân dành cho các bạn trẻ. Ngoài ra, hằng đêm tại Hội xuân Canh Dần còn diễn ra các tiết mục đờn ca tài tử; trò chơi dân gian; múa lân- sư-rồng; ca múa nhạc mừng Đảng, mừng xuân...

Sóc Trăng

 Vào đêm giao thừa, tại Quảng trường Bạch Đằng (TP Sóc Trăng) sẽ diễn ra tiết mục múa lân, võ thuật mừng xuân Canh Dần. Đài truyền hình Sóc Trăng sẽ truyền hình trực tiếp 7 điểm bắn pháo hoa trong tỉnh. Ngoài ra hằng đêm còn diễn ra chương trình văn nghệ “Kết nối yêu thương”. Đặc biệt Tết Nguyên đán năm nay trùng với thời gian diễn ra Đại hội thể dục thể thao tỉnh Sóc Trăng lần thứ 6, do đó sẽ có nhiều môn thi đấu diễn ra trong dịp Tết...

Ngày xuân đi làm điền chủ, thợ săn

Năm nay, Làng du lịch Mỹ Khánh (H.Phong Điền, TP Cần Thơ) tổ chức vui xuân với nhiều trò chơi hấp dẫn đậm chất Nam Bộ như: đua heo miệt vườn, bắn cung, chài cá, bịt mắt bắt heo, thảy vòng bắt vịt, bữa cơm điền chủ... Các trò chơi này nhằm tái hiện các hoạt động khẩn hoang mở đất của thế hệ cha ông ngày trước.

Theo ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ, đêm lễ hội văn nghệ giao thừa năm nay sẽ được tổ chức tại vòng xoay Công viên nước với nhiều tiết mục hấp dẫn, đặc sắc và hoành tráng hơn mọi năm. Thành phố cũng sẽ tổ chức 6 điểm bắn pháo hoa, gồm 2 điểm bắn tầm cao ở khu vực vòng xoay Công viên nước và bờ kè Xóm Chài (P.Hưng Phú, Q.Ninh Kiều); 4 điểm bắn tầm thấp ở các huyện xa nội ô là Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Phong Điền. (Chí Nhân)



Với trò chơi bắn cung, du khách có thể chọn các loại cung tên xưa và đi rình trong các bụi rậm để săn bắn... vịt, heo. Còn trò chơi bịt mắt bắt heo đòi hỏi du khách tham gia quay lại thành vòng tròn. Những chú heo nặng khoảng 3 – 10 kg được thả ra trong vòng tròn sẽ bị 3 - 5 người “bịt mắt” săn bắt quyết liệt. Trò chơi chỉ kết thúc khi con mồi bị tóm không vùng vẫy thoát ra được.

Nếu muốn hòa mình trong cảnh Tết xưa, du khách có thể nhập vai làm công tử Bạc Liêu, điền chủ để cảm nhận người xưa đón năm mới ra sao. Du khách mặc các kiểu áo xưa theo đúng phong cách thứ bậc trong gia đình đại điền chủ. Các món ăn, món uống và phong cách cũng rặt Nam Bộ như: cá nướng trui, thịt (cá) xào, rượu nếp... cho đúng điệu, sau đó là đờn ca tài tử.

 
Làm ngư dân ngày Tết - Ảnh: T.Dũng

Được biết, các trò chơi này phục vụ du khách trong ngày Tết và ngày thường. Trò chơi bịt mặt bắt heo có giá 600.000 đồng, chú heo sau khi bị “săn” sẽ được chế biến thành các món phục vụ theo yêu cầu của “thợ săn”. Còn nhập vai “ngư dân” thì giá vé là 219.000 đồng/người, làm điền chủ xưa giá vé 300.000 đồng/người...

Thanh Dũng

Đà Nẵng: Tết làng giữa phố

Sẽ có rất nhiều chương trình vui chơi phong phú, đặc sắc phục vụ người dân Đà Nẵng và các tỉnh, thành lân cận dịp Tết Canh Dần năm nay. Theo đó, nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn từ chương trình Tết xưa - Tết nay diễn ra ở Công viên 29.3 (Đà Nẵng). Với khu Tết nay sẽ có trưng bày hơn 1.000 tác phẩm nghệ thuật cây cảnh và 35.000 đơn vị hoa cho người chơi Tết thưởng lãm. Bên cạnh đó là những chương trình biểu diễn văn hóa - nghệ thuật đa dạng như: hái lộc đầu xuân, chương trình Hoa tình yêu (dịp Lễ Tình nhân 14.2), hội múa lân, múa rồng, ca nhạc mừng xuân, múa, xiếc mô tô bay, múa rối... Nhiều thiết bị vui chơi mới được bổ sung trong dịp Tết như: đu bạch tuộc, thảm bay, thuyền chao, đu tiên, tàu lửa trên không, xe thế năng, rồng cao tốc...

 

 Các hoạt động vui xuân tại Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền

Đặc sắc nhất vẫn là khu vực Tết xưa với những chương trình tái hiện lại không gian Tết truyền thống. Với hội trống mừng xuân, múa lân, biểu diễn thi đấu cờ người, ca múa nhạc dân tộc, giao lưu thơ - nhạc các dân tộc Kinh, Cơ-tu, Chăm... Hội Bài chòi tái hiện những hình ảnh đồng quê, trưng bày các loại mâm cỗ truyền thống, các trò chơi dân gian như: đánh cờ tướng, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu khỉ, đập om đất, nhảy sạp.... Những loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng được đưa vào như: múa hát Chăm, nghề dệt, nghề làm gốm của người Chăm, mô phỏng sinh hoạt của dân tộc Chăm; nhà sàn và các sinh hoạt trong nhà sàn của người Cơ-tu, cây nêu ngày Tết và biểu diễn điệu múa Tung Tung Da Dá do chính những người Cơ-tu trình diễn...

Diệu Hiền

Thừa Thiên-Huế: Lễ hội xuyên suốt

Theo kế hoạch của Sở VH-TT-DL Thừa Thiên-Huế, sẽ có một chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán năm nay. Theo đó, đêm giao thừa với chủ đề Mừng Đảng, mừng xuân, mừng công cuộc đổi mới, hội nhập của quê hương, đất nước sẽ chính thức diễn ra từ 22 giờ ngày 13.2 (đêm 30 âm lịch) đến 0 giờ 15 ngày 14.2 (mùng 1 Tết). Năm nay, sẽ có 2 điểm được bắn pháo hoa, đó là Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài và sân Nhà văn hóa dân tộc huyện A Lưới (thị trấn A Lưới). Tại Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài, 1.000 quả pháo hoa sẽ được bắn đúng vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ, năm mới. Cùng thời điểm đó, tại huyện miền núi A Lưới, 500 quả pháo hoa lần đầu tiên sẽ được bắn lên tại sân Nhà văn hóa dân tộc huyện A Lưới nhằm phục vụ cho bà con đồng bào dân tộc vui xuân.

Bên cạnh đó, hội hoa xuân với nhiều gian hàng bày bán hoa đa dạng tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Công viên Thương Bạc, Công viên Phú Xuân, Trung tâm Văn hóa thông tin, Cung An Định, Trung tâm Thể thao Huế... khai mạc từ ngày 3.2 (20 tháng chạp) và kéo dài đến tối 30 âm lịch. Ngoài ra, tỉnh sẽ tổ chức nhiều lễ hội xuyên suốt trong 10 ngày Tết.

Riêng Lễ hội đền Huyền Trân sẽ được tổ chức vào ngày 21 và 22.2 (mùng 8 và 9 Tết) tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (151 đường Thiên Thai, P.An Tây, TP Huế) với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh đặc sắc. Lần đầu tiên, UBND tỉnh đã thông báo tới tất cả kiều bào sinh sống tại nước ngoài về quê đón Tết cổ truyền dân tộc biết để tham gia Lễ hội Huyền Trân. Đặc biệt trong 3 ngày mùng 1, 2, 3 Tết, tất cả di tích trên địa bàn tỉnh đều mở cửa miễn phí cho tất cả người dân đến tham quan.

Nhiều cuộc triển lãm như Phòng tranh mùa xuân tại 26 Lê Lợi, Phòng tranh con giáp tại số 9 Phạm Hồng Thái... được bắt đầu từ ngày 22 tháng chạp đến hết ngày mùng 10 Tết. Tuần phim Mừng Đảng - Mừng xuân do Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tổ chức sẽ giới thiệu những bộ phim tư liệu, những tác phẩm điện ảnh mới đến người dân.

Minh Phương

Hà Nội: Nhiều chương trình giải trí

Người dân thủ đô sẽ có nhiều điểm giải trí, thưởng thức nghệ thuật để lựa chọn trong những ngày xuân.

Suốt từ mùng 1 Tết (14.2) tới mùng 8 Tết (21.2), tại Công viên Hồ Tây, bên cạnh các trò chơi sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật, giải trí như: múa lân, múa rối cạn, xiếc, ca nhạc... Nhiều nghệ sĩ trẻ góp mặt trong các chương trình ca nhạc như: Mạnh Quân, nhóm nhảy Hiphop Helley với thành viên Tùng “min” (diễn viên trong phim Bước nhảy Xì-tin), ca sĩ Quốc Anh, Kiều Anh (nhóm Đôrêmi)...

“Xông đất” từ khá sớm là Rạp xiếc Trung ương. Một chương trình xiếc vừa được dàn dựng nhân dịp Xuân Canh Dần có tên Ngũ hổ tranh tài sẽ ra mắt khán giả vào đúng mùng 4 Tết (17.2).

 
 Cảnh trong vở hài kịch Người hùng chạy trốn của Nhà hát Tuổi Trẻ - Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ cung cấp

Sân khấu kịch miền Bắc năm nay chỉ có duy nhất đơn vị Nhà hát Tuổi Trẻ góp mặt. Tuy vậy, khán giả vẫn có nhiều lựa chọn vì nhà hát sẽ sáng đèn cả hai rạp từ tối mùng 6 đến mùng 8 Tết (19.2 đến 21.2). Chương trình ca nhạc - hài kịch Xuân cười vui với các tiểu phẩm hài đặc sắc và các ca khúc xuân tươi vui diễn ra vào các tối mùng 6, 7, 8 tại số 11 Ngô Thì Nhậm. Tại cơ sở 2 của Nhà hát Tuổi Trẻ (số 37 Trần Bình Trọng), khán giả sẽ được thưởng thức chương trình hài Phố cười vừa được đạo diễn Chí Trung và Sĩ Tiến dàn dựng. Phố cười là những câu chuyện hài hước về văn hóa chung cư với các tiểu phẩm: Ghen ngược; Nào, ta cùng ném; Quán rượu ven đường; Vị khách đêm giao thừa; Bố ơi, con sắp về rồi; Gia đình nhiều năm văn hóa... Các nghệ sĩ tham gia: NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Ngọc Huyền, Vân Dung, Hiệp “gà”, Đức Khuê, Anh Tuấn, Tú Oanh, Ngọc Bích, Thanh Bình, Thanh Dương... Vào tối thứ sáu, thứ bảy hằng tuần bắt đầu từ 19.2, tại đây, chương trình Siêu thị vui gồm các tiết mục hài chọn lọc trong sê-ri Đời cười từ 1-8 và các vở hài kịch Sống nhờ telephone, Con một sẽ lần lượt được biểu diễn phục vụ khán giả.

Đến hẹn lại lên, chương trình hài chèo Du xuân lần thứ 3 do Nhà hát chèo Hà Nội thực hiện sẽ diễn ra vào tối mùng 8, mùng 9 Tết tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhà hát sẽ trình làng một tiết mục hài chèo mới tinh nói về giấc mơ oái oăm của một ông bố thèm khát có con trai nối dõi. Hai nghệ sĩ hài chèo nổi danh đất Bắc là Quốc Anh và Xuân Hinh sẽ biểu diễn cùng nhau những tiểu phẩm hài chèo cổ, hài dân gian và hiện đại. Ngoài ra, tham gia chương trình còn có các nghệ sĩ như: NSƯT Đức Thuận, Minh Nhan, Hoài Nam, Quốc Phòng, Thu Hòa, Thúy Lành...

Đêm nhạc Phú Quang - Dòng sông không trở lại là “điểm nhấn” của sân khấu ca nhạc Hà Nội trong xuân này. Chương trình diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày mùng 6 Tết. Các bài hát của nhạc sĩ Phú Quang như: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ, Chuyện kể về tình yêu, Điều giản dị, Biển, nỗi nhớ và em, Mẹ, Sinh nhật đen, Khúc mưa... sẽ được chuyển tới khán giả qua các giọng ca: Mỹ Tâm, Hồng Nhung, Tùng Dương, Tấn Minh, Phương Anh, Nhật Thu, nhóm Cỏ Lạ...

Minh Ngọc 

H.X.Huỳnh - T.Q.Nam - Hoàng Phương - T. T.Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.