David Haye (trái) trong trận tranh đai vô địch WBA - Ảnh: AFP |
Tiếng nắm đấm giã vào bao tập, nhịp di chuyển trên các “ring” cùng tiếng hò reo của những cậu trẻ tập nghề... vẫn tương đối rộn rã ở CLB boxing Gleason (New York). Vẫn có những nhà VĐTG hạng trung như Kelly Pavlik, Timothy Bradley, Chad Dawson... lui tới tập luyện. Nhưng tịnh không thấy bóng một tay đấm hạng nặng nào. Và những CLB boxing còn đỏ đèn hằng đêm như Gleason giờ cũng dần trở thành đồ hiếm trên nước Mỹ.
Thời oai hùng đã xa
Trong suốt hơn 100 năm qua, kể từ khi James Jeffries giành chức vô địch boxing hạng nặng đầu tiên, nước Mỹ hiếm khi buông chức vô địch này. Max Schmeling (Đức), Primo Carnera (Ý), Ingemar Johansson (Thụy Điển) trước kia hay Trevor Berbick (Jamaica), Frank Bruno (Anh) hay Gerrie Coetzee, Frank Botha (Nam Phi) ở thập niên trước chỉ có những thời gian ngắn ngủi chen chân vào giữa những người Mỹ.
Thời kỳ thịnh trị nhất của boxing Mỹ là vào thập niên 70 khi Muhammad Ali, Joe Frazier, George Foreman và Larry Holmes thống trị các sàn đấu. Mỗi trận đấu giữa họ được xem ngang một sự kiện thể thao lớn. Các siêu sao thượng thặng như Frank Sinatra hay Marlon Brando vất vả lắm mới kiếm được những tấm vé ngồi sát sàn đấu trong những trận đó.
Ở ngoài nước Mỹ, muốn có sự xuất hiện của các tay đấm Mỹ, các nhà độc tài Mobutu (Zaire) hay Ferdinand Marcos (Philippines) phải chi hàng triệu USD... Những trận đấu nảy lửa ở ngoài Mỹ như trận “Rumble in the Jungle” giữa Ali và Foreman, trận “Thriller in Manila” giữa Ali và Frazier vẫn lưu truyền đến ngày nay...
Sau thời kỳ trên, cuộc giành giật giữa Mike Tyson, Evander Holyfield, Jason Ruddock, Riddick Bowe... tạo nên một thời kỳ thịnh vượng khác cho boxing hạng nặng Mỹ. Đỉnh cao của thời kỳ này là những năm tháng huy hoàng của Mike Tyson cách đây 20 năm. Khi đó, “Mike Thép” thống nhất 3 đai vô địch WBC, WBA, IBF.
Mỗi trận đấu của Tyson với các đối thủ thách đấu là một sự kiện lớn trên toàn cầu, giúp các nhà tổ chức thu bộn tiền. Các kênh truyền hình pay-per-view (muốn xem trả tiền trước) được lập ra nhờ thời kỳ hoàng kim này của boxing. Có trận đấu, “Mike Thép” chỉ mất 90 giây để hạ đối thủ nhưng bỏ túi hơn 30 triệu USD.
|
Các võ sĩ hạng nặng Mỹ hiện nay thì sao? Chả ai đạt được vóc dáng của những thế hệ đàn anh trước kia. Họ chỉ là những nhân vật phụ, những cái tên mờ nhạt trong làng đấm hiện nay: Michael Grant, John Ruiz, Hasim Rahman, Jameel McCline, Lamon Brewster, Monte Barrett, Calvin Brock, D. Guinn, Joe Mesi, Oquendo...
Vì sao boxing Mỹ khủng hoảng?
“Điều này đương nhiên phải xảy ra bởi hệ thống đào tạo các tay đấm hạng nặng nghiệp dư Mỹ không phát triển nữa”, Steward, một ông bầu có tiếng giải thích. Trên thực tế, hệ thống nghiệp dư là nơi cung cấp nhiều ngôi sao nhất cho boxing Mỹ. Mà thế hệ những tay đấm xuất thân nghiệp dư cuối cùng của Mỹ đã xuất hiện cách đây lâu lắm rồi, từ khi Bowe hay Mercer bước vào sàn đấu chuyên nghiệp sau những HC ở Olympic Seoul 1988.
Lũ trẻ không muốn dấn thân vào nghề đấm vì chúng chịu tác động của truyền hình. Các chương trình truyền hình hằng ngày tràn ngập bóng rổ hay bóng bầu dục phát miễn phí. Nếu chúng muốn xem các trận boxing, chúng phải mất tiền để xem qua kênh pay-per-view. Truyền hình ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ của lũ trẻ và chúng lại thích được trở thành những người hùng trên sàn bóng rổ hay sân bóng đá hơn vì như vậy sẽ có nhiều người biết chúng hơn.
Đóng góp lớn nhất cho nền thể thao Mỹ chính là hệ thống đào tạo, phát hiện tài năng ở các trường trung học và đại học. Nhưng hiện tại, rất ít trường học có HLV giỏi hay được trang bị “ring” đấu. Teddy Atlas, người đã huấn luyện Tyson trong những năm đầu sự nghiệp, nói: “Những HLV giỏi bây giờ quá hiếm. Khi bạn không có một người thầy hay, bạn sẽ không giỏi được”.
Nguyên nhân khác là tiền bạc. Boxing không còn là phương tiện của những người tầng lớp dưới để chinh phục các giấc mơ vật chất của họ. Nó bị hất cẳng bởi bóng rổ và bóng bầu dục. “Có hàng trăm nhà vô địch hạng nặng tiềm năng đang xuất hiện ở NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ) và NFL (giải bóng bầu dục Mỹ)”-bình luận viên boxing Larry Merchant của kênh ESPN than vãn. Steward cũng không giấu được thất vọng: “Nếu anh em nhà Klitschko sinh ra ở Mỹ, tôi cam đoan bây giờ họ đã là những tiền đạo bóng rổ rồi”.
Nguyên nhân cũng nằm tại chính boxing
Một môn thể thao thăng tiến lên nhiều khi nhờ vào một hình tượng đặc biệt nào đó. Kiểu như Ali, Tyson và các vệ tinh khác như Foreman, Frazier, Hollyfield...trong boxing hay như Tiger Woods trong golf, Schumacher trong F1... Boxing nay thì sao? Rối rắm, không có sự thống nhất, không có nhà vô địch đích thực, không có một hình tượng nào nổi lên chinh phục mọi người.
Hiện nay, trên thế giới có 5 tổ chức boxing: WBC (Hội đồng Boxing thế giới), IBF (Liên đoàn Boxing quốc tế), WBA (Hiệp hội Boxing thế giới), WBO (Tổ chức Boxing thế giới) và IBO (Tổ chức Boxing quốc tế). Mỗi tổ chức có 17 hạng đấu, như vậy tổng cộng có đến hơn 70 nhà vô địch. Quả là lạm phát nhà vô địch!
Loạn 12 sứ quân trong làng boxing hạng nặng thế giới gần đây ngày càng trầm trọng với sự xuất hiện của các tay đấm đến từ Đông Âu như anh em nhà Klitschko, Valuev, Chagaev, Maskaev hoặc đến từ châu Phi như Samuel Peter, Ike Ibeabuchi... Các tay đấm này đều cao to nhưng thủ cựu, thiếu lôi cuốn, vì thế mà các sự kiện boxing hạng nặng ngày càng trở nên nhàm chán.
Với người Mỹ, một trận boxing được xem như là một showbiz trước khi nó được xem như là một cuộc đấu thể thao. Thế nên gần đây, các trận boxing tranh đai vô địch thế giới thường hay được tổ chức ở Đức, Nga, Thụy Sỹ. Mỹ là thị trường tiêu thụ boxing lớn nhất thế giới, khi họ quay lưng thì môn đấu này có ít cửa phát triển là phải.
Tháng 11.2009 qua, sau khi võ sĩ người Anh David Haye đánh bại Nikolai Valuev để giành chức VĐ hạng nặng của WBA, giới tổ chức boxing hạng nặng khấp khởi hy vọng lấy lại thị phần với sự nổi lên của Haye. Võ sĩ người Anh này là một kẻ to mồm, khá bảnh trai và màu mè, rất biết cách đánh bóng hình ảnh của mình nên có thể lôi kéo được dân mê showbiz.
Các cuộc đấu giữa Haye với anh em nhà Klitschko năm 2010 sẽ thu hút nhiều người quan tâm bởi Haye đã liên tục giở võ miệng khiêu khích nhà Klitschko trong 2 năm qua. Haye gọi anh em Klitschko đầy miệt thị là “Bitchko” (bitch trong tiếng Anh là chó cái). Năm 2008, một tạp chí đã in hình Haye cầm cái đầu đầy máu của cậu em Wladimir Klitschko trên trang bìa. Sau đó, khi gặp nhau ở một nhà hàng, cậu anh Vitali của nhà Klitschko đã không kìm được sự tức giận, tiến đến thộp cổ Haye. Ân oán giữa Haye và anh em Klitschko mà chuyển lên võ đài sẽ là những cuộc đấu ăn khách. Nhưng Haye lẫn anh em Klitschko đều không phải là người Mỹ!?
Chính Phong
Bình luận (0)