Hấp dẫn các ngành học mới

19/02/2010 22:38 GMT+7

Trước nhu cầu bức thiết của thị trường lao động, các trường ĐH tiếp tục mở thêm nhiều ngành và chuyên ngành mới.

Từ ý kiến doanh nghiệp...

Một trong những trường mở thêm nhiều chuyên ngành đào tạo trong năm nay là ĐH Nông lâm TP.HCM, với 5 chuyên ngành: Thiết kế đồ gỗ nội thất, Kỹ thuật thông tin lâm nghiệp, Kinh tế - Quản lý nuôi trồng thủy sản, Công nghệ sinh học môi trường và Hệ thống thông tin môi trường. Nét đặc thù ở đây là các chuyên ngành nằm trong các ngành đào tạo lớn, nhằm đào tạo kiến thức chuyên sâu hơn về những lĩnh vực cụ thể bên cạnh những kiến thức cơ bản. Ví dụ với chuyên ngành Công nghệ sinh học môi trường, bên cạnh kiến thức nền tảng về công nghệ sinh học, người học còn được cung cấp thêm thông tin về lĩnh vực môi trường, từ đó có thể vận dụng sáng tạo trong phát triển các quy trình công nghệ tạo sản phẩm sinh học mới phục vụ cho công tác ngăn ngừa và cải tạo sự ô nhiễm môi trường. Chuyên ngành Kinh tế - Quản lý nuôi trồng thủy sản thì trang bị kiến thức chuyên môn về các hệ thống nuôi trồng thủy sản, công nghệ sản xuất thức ăn và nuôi trồng thủy sản. Không chỉ có vậy, người học còn được trang bị các kiến thức chuyên sâu về kinh tế và quản lý thủy sản như: quản trị doanh nghiệp và trang trại thủy sản, hoạch định phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững... Còn chuyên ngành Thiết kế đồ gỗ nội thất lại mang đến cho sinh viên cơ hội làm việc tại các công ty thiết kế trang trí nội thất, xây dựng, chế biến lâm sản...

“Quyết định mở thêm những chuyên ngành mới này là kết quả của một quá trình trao đổi, cân nhắc giữa nhà trường với các đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp trong từng lĩnh vực chuyên môn. Từ thực tế thị trường lao động, các doanh nghiệp cho biết đang rất thiếu nguồn nhân lực được đào tạo sâu hơn từ những ngành lớn. Đó là những người có khả năng làm việc trực tiếp, và khi ra trường thì doanh nghiệp không phải mất thêm thời gian để đào tạo lại”, Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết.

...đến nhu cầu xã hội

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) thông tin: “Bình quân mỗi năm các trường phía Nam đào tạo khoảng 200 - 250 kiến trúc sư Dân dụng và công nghiệp hệ chính quy. Trong khi thực tế trên cả nước và nhất là ở các tỉnh phía Nam, nhu cầu về lực lượng kiến trúc sư có đủ trình độ, vững tay nghề còn rất lớn nhằm đáp ứng ngày một cao hơn công tác thiết kế, quy hoạch và quản lý công trình xây dựng. Xuất phát từ nhu cầu đó, trường quyết định mở thêm ngành Kiến trúc dân dụng và công nghiệp trong năm nay”. Đặc thù của ngành này nằm ở chỗ, lấy hệ thống đồ án thiết kế kiến trúc làm hạt nhân cho chương trình đào tạo để giúp sinh viên có điều kiện tiếp xúc với môi trường thiết kế. Mục tiêu là khai thác ưu thế trong việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xây dựng công trình vào đồ án thiết kế kiến trúc. Cơ hội việc làm của các kiến trúc sư Dân dụng và công nghiệp hiện tại và trong thời gian tới là rất lớn.

Trong khi đó, một trong những chuyên ngành mới hấp dẫn của trường ĐH Tài chính - Marketing là Quản trị bán hàng (thuộc ngành Quản trị kinh doanh). Đây là trường đầu tiên trong cả nước đưa vào đào tạo chuyên ngành này. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho hay, khảo sát của nhà trường cho thấy khâu yếu nhất của các hệ thống siêu thị hiện nay ở nước ta là khâu bán hàng do tính chuyên nghiệp chưa cao. Đó là do bộ phận quản lý, tổ chức bán hàng chưa được đào tạo chuyên sâu. Do vậy, chuyên ngành này sẽ cung cấp cho người học các kiến thức về kinh tế, quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, sinh viên sẽ có kiến thức sâu liên quan đến bán hàng và quản trị bán hàng như: hành vi khách hàng, tâm lý khách hàng, giao tiếp khách hàng... Kèm theo đó là các kỹ năng về quản trị lực lượng bán hàng, kiểm tra, giám sát, đánh giá và báo cáo các hoạt động bán hàng, chăm sóc khách hàng... Người tốt nghiệp chuyên ngành này sẽ làm việc tại các phòng bán hàng, kế hoạch kinh doanh, marketing thuộc mọi loại hình doanh nghiệp.

Ngoài ra, hàng loạt các ngành, chuyên ngành mới cũng được mở ra tại các trường ĐH lớn khác, xuất phát từ nhu cầu thực tế xã hội với nhiều triển vọng nghề nghiệp. Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) mở thêm 5 ngành mới, trong đó có ngành Nuôi trồng thủy sản, Công nghệ thực phẩm, Tài chính ngân hàng. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) mở thêm 4 ngành, chuyên ngành mới gồm: Du lịch, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Tây Ban Nha học. Hai ngành mới của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp điện tử viễn thông và Sư phạm Kỹ thuật xây dựng dân dụng - công nghiệp...

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.