Theo dự thảo, ngoài việc thực hiện những quy định đã ban hành trước đây, muốn mở ngành trình độ cao đẳng (CĐ), đội ngũ giảng viên cơ hữu cần có ít nhất 2 giảng viên trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký mở đào tạo trình độ CĐ.
Ở trình độ đại học (ĐH), đội ngũ giảng viên cơ hữu phải có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc giáo sư, phó giáo sư và 2 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký mở đào tạo trình độ ĐH.
Đối với những ngành đặc thù như nghệ thuật, văn hóa, thể thao, ngoại ngữ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xem xét riêng. Đối với giảng viên thỉnh giảng, phải có hợp đồng thỉnh giảng trong đó ghi rõ môn học sẽ đảm nhiệm.
Dự thảo cũng nêu: “Các trường ngoài công lập không mở các ngành sư phạm, luật và báo chí”. Đối với những trường mới thành lập hoặc nâng cấp chưa đủ 10 năm tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký mở ngành, Bộ GD-ĐT quy định phải có báo cáo về tình hình thực hiện cam kết trong đề án khả thi thành lập trường.
Tên ngành đào tạo cũng phải theo Danh mục ngành đào tạo. Nếu là ngành chưa có trong Danh mục ngành đào tạo, cần phải trình bày luận cứ khoa học về ngành đào tạo mới, có văn bản đánh giá của Hội đồng khoa học của cơ sở đào tạo và ý kiến cụ thể của từng thành viên tham gia Hội đồng; nhu cầu cần đáp ứng của nền kinh tế; kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới và chương trình đào tạo của các nước này để tham khảo.
Nếu sử dụng chương trình của nước ngoài cần nêu rõ là chương trình của trường ĐH nào, nước nào và có bản sao chương trình gốc của trường nước ngoài kèm theo.
Nhựt Quang
Bình luận (0)