Chiến dịch trong bóng tối của Mossad

26/02/2010 21:54 GMT+7

Vụ ám sát một nhân vật cấp cao của Hamas ở UAE được cho là sự tiếp nối lịch sử các chiến dịch khét tiếng của tình báo Israel.

Cho đến nay, cả các phương tiện truyền thông đại chúng lẫn cộng đồng tình báo quốc tế, mọi ngón tay đều chĩa về phía Cơ quan tình báo Israel - Mossad. Nhưng cả Mossad lẫn Chính phủ Israel đều trung thành với chính sách mập mờ, không xác nhận cũng không phủ nhận vai trò trong vụ ám sát Mahmoud Al-Mabhou. Bằng cách giữ im lặng, họ tin sẽ gây tác động quốc tế ít hơn, đồng thời buộc các kẻ thù của Mossad tiếp tục “đoán già đoán non”.

Nhưng trong thực tế, chính quyền Tel Aviv đang phải khổ sở với những căng thẳng ngoại giao khi ngày càng nhiều nước tỏ ý quan ngại về vụ việc mới nhất.

Thành công

Một trong những thành công đáng kể nhất của Mossad chính là việc bắt cóc Adolf Eichmann, một kiến trúc sư của nạn diệt chủng người Do Thái. Eichmann bị bắt cóc ở Argentina vào năm 1960, bị đưa sang Israel để xét xử và tử hình vào năm 1962. Đó cũng là lần duy nhất Israel thi hành án tử hình với kẻ thù của mình.

Sau vụ việc này, Mossad bắt đầu thực hiện những vụ ám sát mà không cần chờ xét xử. Vào năm 1972, tại Thế vận hội ở Munich (Đức), các tay súng Palestine đã giết 2 vận động viên Israel và bắt 9 người khác làm con tin để đòi trả tự do cho 200 người Palestine. Israel từ chối điều kiện và các vận động viên của họ bị giết trong một nỗ lực giải cứu bất thành của quân đội Đức tại sân bay. Ngay sau khi vụ việc trên xảy ra, Thủ tướng Israel khi đó là Golda Meir đã ra lệnh cho Mossad truy lùng thủ phạm. Một năm sau đó, 3 người Palestine bị giết tại Beirut (Li-băng) bao gồm Mohammad Yusuf al-Najjar, thủ lĩnh của Tháng 9 Đen, nhóm tay súng đã thực hiện vụ tấn công ở Munich. Vài năm sau đó, một số người Palestine bị cho là dính líu vào vụ việc đã bị ám sát.

Theo hãng tin BBC, các phương pháp được Mossad sử dụng bao gồm điện thoại cài mìn, bom đặt trên giường. Trong một vụ việc ở Beirut trước đây, ông Ehud Barak - nay là Bộ trưởng Quốc phòng Israel - đã cải trang thành nữ giới để hành động. Thậm chí, có cáo buộc rằng một thanh sô-cô-la tẩm độc đã được sử dụng để giết chết một chỉ huy của Mặt trận Bình dân Giải phóng Palestine ở CHDC Đức vào năm 1978. Vào năm 1987, Israel không có ý định ngụy trang vụ ám sát Khalil al-Wazir, được biết đến dưới cái tên Abu Jihad, một thủ lĩnh quân sự của Mặt trận Giải phóng Palestine (PLO). Biệt kích Israel đã xâm nhập Tunisia, nơi đặt cơ sở của ban lãnh đạo lưu vong PLO, và bắn ông nhiều phát tại nhà riêng trước khi trốn thoát bằng đường biển. Đó cũng là chiến dịch mà ông Barak cũng có tham gia.

Thất bại

Vào năm 1997, trong nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng hiện tại Benjamin Netanyahu, Mossad đã phải chịu “muối mặt” với một âm mưu ám sát bất thành khá “đình đám”. Nhân viên tình báo Israel tính ám sát Khaled Meshaal, khi đó là người gây quỹ cho phong trào Hamas hoạt động ở Amman, thủ đô của Jordan. Cải trang thành du khách người Canada, các nhân viên tình báo Israel đã bơm chất độc vào tai của Meshaal, nhưng nhân vật này đã được đưa đi cấp cứu trước khi chất độc phát huy tác dụng.

Quốc vương Jordan khi đó là Hussein thực sự là ân nhân cứu mạng của Meshaal. Ông Hussein đã tỏ ra phẫn nộ với vụ tấn công và nhờ có thêm áp lực từ phía Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton, đã đòi Chính phủ Israel giao thuốc giải độc. Các nhân viên tình báo Israel, vốn bị bắt giữ vào lúc đó, đã được trao đổi với một lời xin lỗi chính thức từ Israel cùng với việc phóng thích 20 tù nhân Palestine, bao gồm Sheikh Ahmad Yassin, lãnh đạo tinh thần của Hamas. Meshaal sau đó trở thành lãnh đạo lưu vong của tổ chức này.

Theo CNN, trong quá trình “tìm và diệt” các tay súng dính líu đến vụ việc ở Munich, Mossad đã giết nhầm một người Ma Rốc ở Lillehammer (Na Uy) vào năm 1973. Hậu quả là 5 nhân viên tình báo Israel bị bắt và phạt tù trước khi được phóng thích về Israel 2 năm sau đó.

Và những vụ giết có mục tiêu

Khi Intifada (phong trào nổi dậy của người Palestine) thứ hai dâng lên trong những năm sau 2000, Israel chuyển hướng tập trung vào các lãnh đạo tay súng Palestine ở Gaza và Bờ Tây. Các nhóm tay súng đã đẩy mạnh các vụ tấn công liều chết nhằm vào người Israel. Một phần phản ứng của Israel là chính sách ám sát có mục tiêu, vốn bị Tổ chức n xá Quốc tế coi là “ngoại tụng”. Người Palestine cho biết hàng chục nhân vật cấp cao, bao gồm Sheikh Yassin và một thủ lĩnh Hamas khác là Abdel Aziz al-Rantissi, đã bị giết, trong nhiều vụ việc được thực hiện bằng tên lửa bắn từ trực thăng.

Vào năm 2008, các cáo buộc nhằm vào tình báo Israel gia tăng với phạm vi hành động xa hơn với cái chết của chỉ huy của tổ chức Hezbollah Imad Mughniyeh, bị cáo buộc dính líu đến nhiều vụ đánh bom và làn sóng bắt cóc ở Li-băng vào thập niên 1980. Mughniyeh chết trong một vụ đánh bom xe hơi. Gần đây, đã xảy ra cái chết của 2 thành viên Hamas trong một vụ đánh bom ở Li-băng và cái chết đầy nghi vấn của một nhà khoa học Iran. Mossad chính là đối tượng bị tình nghi đứng sau những vụ việc này.

Ronen Bergman, tác giả nhiều cuốn sách nói về các chiến dịch khét tiếng của Mossad, nói với BBC rằng vụ ám sát al-Mabhou “phù hợp” với chính sách có tính lịch sử của Israel. “Trong một số trường hợp, Israel quyết định khoanh vùng và trả thù những người đứng sau những hành động mà họ cho là khủng bố, không cần thiết phải là những hành động bạo lực hoặc gây chết người”. Tuy nhiên, vụ việc tại Dubai mới đây có thể khiến Thủ tướng Netanyahu gặp rắc rối với những ám ảnh quá khứ. Trở lại vụ ám sát hụt Meshaal năm 1997, Quốc vương Jordan Hussein đã từ chối tiếp ông Netanyahu khi ông sang Amman để tỏ lời xin lỗi và Giám đốc Mossad khi đó buộc phải từ chức. Chính vụ việc này đã khiến ông Netanyahu thất bại trong cuộc bầu cử 2 năm sau đó. Giờ đây, với vụ al-Mabhou, đã có những lời buộc tội nhằm vào chính ông Netanyahu và chính quyền Tel Aviv vẫn từ chối yêu cầu bắt giữ người đứng đầu Mossad hiện tại. Rất có thể Israel sẽ lại bị muối mặt nếu vụ việc không được xử lý êm xuôi.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.