Đốt tiền kinh hoàng ở vũ trường

28/02/2010 14:00 GMT+7

Tôi và vợ đến Việt Nam để tận hưởng tuần trăng mật và thật may mắn khi cả hai được đón không khí tết cùng mọi người. Năm tuần lễ được đi dọc Việt Nam và trải nghiệm gần hết những điều thú vị về văn hóa, lối sống tại đây, chúng tôi thấy mình có thêm nhiều kiến thức mới về một đất nước đang phát triển.

Kỷ niệm đẹp thì nhiều, nhưng cũng có những trải nghiệm mà tôi không khỏi ngạc nhiên, sửng sốt. Cụ thể như văn hóa đi bar - vũ trường ở đất nước các bạn.

Điều đầu tiên khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều nhất khi bước vào những nơi này là hình ảnh những đứa trẻ mặt còn búng ra sữa, thậm chí có cô cậu bé còn đi chập chững vẫn được vô tư dắt vào.

Đối với trẻ nhỏ thì âm thanh quá lớn ở những nơi này không có lợi cho sức khỏe, nếu không muốn nói sẽ gây hậu quả nặng về nhiều mặt sau này.

Với những cô cậu loắt choắt và chưa trưởng thành về mặt ý thức thì việc họ vào sàn nhảy và uống nhiều bia rượu, tiếp xúc với tiếp viên trong trang phục mát mẻ, gợi cảm sẽ dễ dẫn đến hệ quả xấu...

Bị mời đứng dậy

Tôi và vài người bạn từng vào vài vũ trường lớn ở TP.HCM và nói thật ai nấy đều lắc đầu trước cách phục vụ của các nhân viên ở đó.

Họ kéo ghế ra mời chúng tôi ngồi, nhưng sau đó khi thấy chúng tôi kêu bia, một nhân viên chạy đến nói rằng bàn này đã có người đặt và mời chúng tôi... đứng dậy!

NGỌC LM (Việt kiều Úc)

Hết chỗ rồi!

Tôi ở TP.HCM vài tháng và đã đi gần hết những vũ trường ở khu vực trung tâm TP. Đội ngũ bảo vệ ở những nơi này thường rất hung hăng, thô lỗ.

Nếu đi tới bằng xe hơi hoặc xe tay ga bóng loáng, bạn sẽ được chào đón nồng nhiệt. Còn nếu mặc đồ bình thường và đi xe ôm, xe máy loại thường..., câu trả lời bạn thường nhận được là "hết chỗ rồi!”.

JAYLIN K. (người Anh)

Ở nước tôi, thường vấn đề tuổi tác của người tới vũ trường rất được quan tâm. Giới trẻ trên 18 tuổi được phép vào vũ trường, nhưng phải trên 21 tuổi mới được mua và sử dụng bia rượu. Hầu hết vũ trường đều kiểm soát rất gắt gao hai vòng để đảm bảo khách không mang vũ khí, không nhỏ hơn tuổi quy định khi bước vào.

Còn ở Việt Nam, chúng tôi để ý chỉ cần bạn tỏ ra có tiền, sành điệu là cứ thoải mái bước vào.

Một chuyện đáng quan tâm khác là người Việt thường phung phí quá độ cho việc chi trả trong bar. Như lần đến Nha Trang, trong khi nhóm chúng tôi (gồm hai vợ chồng và hai người bạn Ý) chỉ uống bia và tốn khoảng 300.000 đồng thì các bàn xung quanh đều uống toàn rượu và rượu.

Sau đó tôi được biết hầu hết những bàn uống rượu đều phải trả ít nhất 2 triệu đồng, thậm chí có người trả cả chục triệu đồng để chỉ có niềm vui trong... vài giờ!

Một người bạn Việt của tôi sống tại TP.HCM còn khẳng định một số vũ trường lớn tại đây sẽ không bao giờ nhường bàn trống cho khách nếu biết chúng tôi có ý định chỉ uống bia.

Bản thân chúng tôi cũng từng tới một vũ trường lớn trên địa bàn quận 1 và thật kinh ngạc khi thấy giá cả trong bảng giá cứ như nhảy múa trên trời. Đặc biệt, dẫu thực đơn có rất nhiều loại thức uống nhưng cô phục vụ cứ lật và chỉ vào một trang có rượu mà đưa cho chúng tôi.

Do sợ không có ghế ngồi như lời người bạn kể, chúng tôi bấm bụng làm “dân chơi” một bữa, kêu một chai rượu loại trung. Thế là tiếp viên mang ra nào nước ngọt, trái cây, mồi khô... và giải thích là “cho đủ bộ”!

Và lần ấy chúng tôi phải tốn ngót nghét 4 triệu đồng cho bốn người (!?).

Kinh ngạc hơn là việc vũ trường hôm ấy đông nghẹt người dẫu chỉ là buổi tối của ngày trong tuần và gần như 90% các bàn đều uống rượu. Thử nhẩm tính mỗi bàn trung bình “đốt” khoảng 3 triệu đồng mà không gian trong sàn vẫn không còn một chỗ trống thì lợi nhuận ở đây khổng lồ đến mức nào?

Chỉ khó hiểu ở chỗ mức thu nhập bình quân của người dân tại đây thua nhiều so với chúng tôi nhưng không hiểu sao họ lại “chịu chơi” như vậy? Bạn tin hay không thì tùy, nhưng tôi đoan chắc hầu hết người nước ngoài đều sẽ nói giá cả nước uống trong vũ trường tại Việt Nam đắt nhất thế giới, thậm chí vượt xa Mỹ.

Điều cuối cùng cần nói là nên chăng cần mạnh tay hơn nữa với việc quy định nồng độ cồn cho phép uống mỗi khi vào vũ trường. Bởi nếu không, người đi vũ trường hầu hết sẽ trở về trong trạng thái không kiểm soát được do tác động của âm thanh và bia rượu.

Suy cho cùng, việc đi vũ trường không phải là xấu và nó cũng trở thành một nét văn hóa lành mạnh ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ có nhiều biến tướng xuất hiện.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.