Theo Hãng thông tấn RIA, khi công an kiểm tra, toàn bộ số người Việt này đều không có giấy tờ tùy thân và giấy phép lao động theo quy định của luật pháp Nga (thông thường do chủ xưởng giữ). Họ sống và làm việc tại một tòa nhà hai tầng được sử dụng làm xưởng may quần áo thể thao và áo gió.
Đây là một nhà máy bị bỏ hoang sau khi Liên Xô tan rã, vì thế điều kiện sinh hoạt và làm việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn thông thường nhất. Theo lời ông Vitali Streltsov - đại diện báo chí sở ngoại kiều địa phương, đây là xưởng may được điều hành bởi chủ người Việt Nam.
220 người này sinh hoạt, ăn ngủ ngay tại nơi làm việc, với các điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Hiện họ bị xem là những lao động bất hợp pháp, tạm giam tại đồn cảnh sát của quận Puskin.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tuổi Trẻ, anh Hoàng Văn Cứ - ở khu nhà ga Komsomolskaya, chuyên làm dịch vụ tư vấn pháp luật cho người Việt tại Matxcơva - cho biết: “Trước tiên chủ xưởng may phải xuất trình giấy phép kinh doanh và giấy phép được sử dụng lao động nước ngoài. Nếu không có, xưởng bị xem là bất hợp pháp, hay người Việt quen gọi là xưởng “đen”.
Về công nhân, sau khi xem xét giấy tờ tùy thân và giấy phép lao động, ai đủ các điều kiện trên sẽ được nhà chức trách thả tự do. Còn ai không đủ sẽ bị trục xuất về nước. Nhìn chung, cộng đồng ở đây đã quá quen với những vụ bắt bớ ở xưởng “đen” rồi nên cũng cảm thấy bình thường trước thông tin trên”.
Anh Trần Trọng Đồng, một chủ xưởng may “trắng” (nghĩa là xưởng may hợp pháp) ở ngoại ô Matxcơva, cho Tuổi Trẻ biết thêm: “Theo thông tin mà tôi biết được thì xưởng may này không phải “đen” hoàn toàn. Nghĩa là có một số công nhân có giấy tờ đầy đủ, kể cả quyền lao động. Xưởng nửa “đen” nửa “trắng” đang là cách làm khá phổ biến của người Việt tại Nga.
Luật pháp Nga quy định công nhân nước ngoài vi phạm quy chế di trú có thể bị phạt 5.000 rúp (gần 170 USD) và chủ xưởng thuê họ có thể bị phạt tới 800.000 rúp (gần 27.000 USD). Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc trấn áp các xưởng may “đen” được xem là một động thái nhằm đạt kế hoạch giảm lao động nước ngoài ở Nga trong năm 2010 xuống chỉ còn 1,3 triệu người.
Hiện ước tính ở Nga có khoảng 3 triệu lao động nước ngoài, trong đó 1/3 không có giấy tờ hợp lệ.
Trong những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010, những tin tức về các vụ bắt giữ người Việt Nam cư trú và lao động bất hợp pháp tại Nga đã được thường xuyên truyền đi trên các kênh truyền thông của Nga.
Ngày 19-8-2009, bản tin tối của kênh Rossia cho biết đã bắt giữ 65 công dân Việt Nam di trú bất hợp pháp, sống trong rừng, cách đường tàu Korenevo 500m ở vùng Liubertsy, ngoại ô Matxcơva. Cũng trong khu rừng ấy, chỉ vài ngày sau lại có 17 người Việt nữa bị bắt.
Ngày 22-10-2009, trên kênh Rossia lúc 20g40, chương trình Tin tức (Vesti) có tin ngắn về một xưởng may tại một tầng hầm ngôi nhà cũ ở Matxcơva. Gần 150 công nhân người Việt sống trong điều kiện “không giống con người”. Ở đây những người Việt làm việc 8-9 giờ/ngày, mỗi người một ca may được 30-35 chiếc áo. Trước đây nơi này từng là cửa hàng, rồi trở thành nhà kho, và bây giờ là xưởng may...
Trong số từng ấy người, chỉ có năm tấm hộ chiếu đã quá hạn visa và một người duy nhất có thẻ quyền lao động.
Đáng lưu ý nhất là đoạn phim “Những người bất hợp pháp” nằm trong dự án phóng sự điều tra “Phóng viên đặc biệt” được chiếu trên kênh truyền hình Rossia vào 20g ngày 18-10-2009. Phóng sự kể về những người Việt sa chân lỡ bước phải chấp nhận một công việc với đồng lương rẻ mạt mà không một người dân bản địa nào nhận làm, lại vẫn luôn “sống trong sợ hãi” vì hầu hết họ đều không có giấy tờ hợp pháp.
Chợ Vòm đóng cửa, nhiều lao động người Việt đang rơi vào cảnh đường cùng.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)