Lúc vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL bước vào mùa thu hoạch, cũng là lúc giá lúa tụt dần dần. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) thành viên Hiệp hội Lương thực VN (VFA) phải tính toán sao để bảo đảm cho nông dân có lãi trên 30%. Muốn vậy, các DN phải tìm biện pháp giữ giá, không để giá lúa tụt xuống dưới 4.000 đồng/kg. Theo định hướng này, VFA đã công bố kế hoạch thu mua 1 triệu tấn gạo để tạm trữ và giữ giá. Mức giá thông báo công khai là không dưới 4.000 đồng/kg lúa khô tại kho.
Chủ trương như vậy, nhưng trên thực tế lâu nay giữa giá sàn định hướng và giá bán của nông dân luôn cách biệt, bởi đường đi của hạt gạo phải qua nhiều tầng nấc. Cụ thể là từ nông dân phải qua thương lái nhỏ mua lúa tại nhà, tại ruộng, rồi tới hàng xáo và các nhà máy xay xát; sau đó đến các DN chế biến, cung ứng rồi mới tới DN trực tiếp xuất khẩu. Đường đi như vậy nên lợi nhuận phải chia sẻ dọc đường, nông dân lãi rất ít.
Chẳng hạn hồi quý 3/2009, giá công bố lúc đó là 3.800 đồng/kg nhưng thực tế nông dân không bao giờ chạm được vào mức giá này, bởi thương lái luôn tìm cách ép giá nông dân để hưởng lợi nhiều hơn. Năm nay, theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Giám đốc Công ty lương thực Tiền Giang - giá lúa mua tại các kho đang ở mức từ 4.400 - 4.600 đồng/kg, giá lúa tại ruộng cũng thấp hơn khoảng 800 đồng/kg, nghĩa là dưới 4.000 đồng/kg. Trong trường hợp xấu nhất giá lúa mua tại kho giảm đến mức sàn là 4.000 đồng/kg, nông dân trồng lúa sẽ còn thiệt hại hơn nữa.
Muốn tăng lợi nhuận cho nông dân, phải loại bớt các khâu trung gian. Nhưng lâu nay các DN gặp khó khăn vì vướng quy định là số tiền trên 20 triệu đồng thì phải thanh toán bằng chuyển khoản, trong khi nông dân hiện hiếm ai có... tài khoản! Đây cũng là một trong những lý do khiến các DN xuất khẩu ngại mua lúa gạo trực tiếp của nông dân, bởi vì nếu mua lúa và lập bảng kê họ sẽ không được khấu trừ thuế.
Khâu vận chuyển, thu mua lúa hiện nay cũng đang phụ thuộc rất lớn vào thương lái bởi DN không đủ nhân lực để trực tiếp gom lúa tại các hộ nông dân. Theo ông Tôn Thọ Nhân - Giám đốc Công ty lương thực Long An, vấn đề đặt ra là phải tổ chức lại lực lượng này, phải phân chia lợi ích hài hòa, để có thể giám sát, kiểm soát được giá cả, không gây thiệt hại quyền lợi nông dân. Ông Phạm Văn Bảy - Phó chủ tịch VFA - cũng đồng tình: “Trong giai đoạn hiện nay vẫn cần có sự tham gia của lực lượng này. Tất nhiên, các DN xuất khẩu phải từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kho, hệ thống xay xát và chế biến lúa gạo, để đáp ứng được yêu cầu tạm trữ. Nhưng trước hết, phải tập hợp lực lượng hàng xáo vào tổ chức, có thể gọi là câu lạc bộ hoặc tổ, đội lúa gạo... để liên kết với DN xuất khẩu. Khi đó, họ có thể mua lúa của nông dân theo giá của DN công bố. Và đương nhiên họ phải có lời, nhưng mức lời phải hợp lý và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân, hàng xáo và DN. Ngược lại, khi đã ràng buộc họ vào tổ chức thì DN cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ, chẳng hạn như tạm ứng vốn cho họ đi mua lúa để mỗi bên đều có trách nhiệm với nhau”.
VFA cũng đang có kế hoạch trang bị máy tính kết nối internet đến tận các xã để giúp nông dân truy cập thông tin, tránh bị thương lái ép giá. Những biện pháp như vậy cần được triển khai ngay để người trồng lúa không phải chịu thiệt thòi lâu thêm nữa.
Hoàng Phương - Quang Thuần
Bình luận (0)