Ngày thơ VN 2010: Nhà thơ trẻ làm nên khác biệt

01/03/2010 00:32 GMT+7

Ngày thơ VN lần thứ VIII tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) hôm qua đông nghẹt người. Khác với mọi năm, năm nay người làm thơ đến ít, người xem thơ đến nhiều...

Tại sân thơ chính của Ngày thơ VN năm nay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sau màn rước lửa truyền thống và rước Chiếu dời đô là những màn múa cờ, múa khai xuân, ngâm thơ cổ và đọc thơ như mọi năm. Trao đổi với PV Thanh Niên, một số nhà thơ cho rằng: Ở sân thơ chính, phần lễ át phần hội với những nghi thức kéo dài quá mức cần thiết.

Tuy nhiên một nét mới đáng ghi nhận của Ngày thơ VN năm nay là triển lãm thơ trên gốm, sứ với hơn 600 sản phẩm trưng bày xung quanh hồ Văn Miếu (trình bày 15 bài thơ cổ và 55 câu thơ hay từ cổ chí kim của VN) thu hút đông đảo người đến dự hội. Công đầu của triển lãm này thuộc về nhà thơ Đỗ Trung Lai trong Ban tổ chức Ngày thơ VN. Ông đã miệt mài suốt mấy tháng trước Tết ở làng gốm Bát Tràng để giám sát việc sản xuất những mẻ gốm nghệ thuật này.

Điều khác biệt nhất so với 7 lần tổ chức Ngày thơ VN trước đây là sự lên ngôi của các nhà thơ trẻ trong 3 sân khấu thơ truyền thống, thơ sắp đặt, thơ trình diễn với các tên tuổi như: Lê Anh Hoài, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Phan Quế Mai, Đồng Chuông Tử, Yên Khương,Thụy Anh, Lan Tử Viên, Lữ Mai, Phạm Vân Anh... Chính họ, những nhà thơ trẻ đã làm nên sự khác biệt sinh động này.

Trước đó, ngày 27.2 (14 tháng giêng), “Đêm chung kết thơ sinh viên” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám của 4 trường đại học ở Hà Nội và Thái Nguyên cũng đã diễn ra khá thành công. Đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn VN đưa đêm thơ sinh viên vào hoạt động chính thức của Ngày thơ VN với mục đích thi ca sẽ gắn liền với các hoạt động tinh thần của giới trẻ hôm nay. Đúng như mong đợi, 6 tiết mục trình diễn thơ xuất sắc của sinh viên khoa Sáng tác - lý luận phê bình văn học (tiền thân là trường viết văn Nguyễn Du) của trường Đại học Văn hóa và một số tiết mục của các trường khác đã được đánh giá cao và được đưa ra trình diễn chính thức tại Sân thơ trẻ.

 Nhà văn Văn Giá nhận xét: Tiết mục mở màn đêm chung kết thơ sinh viên của hơn 100 sinh viên trường Đại học Văn hóa rất ấn tượng với tổ khúc thơ - nhạc - múa “Đất nước tiên rồng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Tiết mục thành công đến nỗi nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN, đề nghị trường Đại học Văn hóa cho  Hội Nhà văn “mượn” tổ khúc này đi biểu diễn ở 3 nơi khác.

Lên mộ đọc thơ

Đã gần 10 năm, cứ đến dịp Nguyên tiêu là các văn nghệ sĩ Huế cùng nhau viếng mộ các thi nhân quá cố, dâng hương và đọc thơ.

Tour “Viếng mộ thi nhân” năm nay được tổ chức vào sáng 25.2. Năm nay, các văn nghệ sĩ không còn đi viếng một cách tự phát mà được đưa vào chương trình hẳn hoi. Đoàn có hơn 30 người, dẫn đầu là họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Trưởng ban tổ chức Ngày thơ VN lần thứ VIII tại Thừa Thiên - Huế và các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ: Hồng Nhu, Mai Văn Hoan, Ngô Minh, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thiền Nghi, Bửu Nam… và các thành viên CLB Sáng tác trẻ Huế, học sinh chuyên văn trường Đại học Khoa học Huế.

 
Nhà thơ Mai Văn Hoan đọc thơ trước mộ cố nhà thơ Nguyễn Văn Phương


Đoàn xuất phát từ Tạp chí Sông Hương, đi đến lăng mộ và nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu tại con đường mang tên cụ, viếng đến nghĩa trang Phan Bội Châu ở đường Thanh Hải. Đoàn đã thắp nhang trước mộ nữ sĩ Đạm Phương, nhà lý luận, phê bình văn học Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn, nhà thơ Thanh Hải và liệt sĩ Nguyễn Chí Diễu. Lên đồi Từ Hiếu, đoàn tiếp tục vào viếng và thắp hương ở lăng mộ của Trần Thúc Nhẫn, nhà thơ Vĩnh Mai và phu nhân nữ sĩ Phương Chi, lăng mộ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm - người đã cùng Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Thông sáng lập ra Tùng lâm thi xã và thăm lăng mộ đôi của nhà chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân, Thái Phiên.

Tiếp theo, các văn nghệ sĩ trong đoàn đã đến viếng và thắp nhang trước mộ họa sĩ Bửu Chỉ tại chùa Ba Đồn. Điểm đến cuối cùng là mộ của nhà thơ Nguyễn Văn Phương, nhà thơ Thái Ngọc San - nguyên phóng viên thường trú Báo Thanh Niên tại Huế và nhà thơ Nguyễn Xuân Hoàng.

Tin, ảnh: B.N.Long - Tường Thi

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.