Ma túy – tệ nạn của bóng đá VN

02/03/2010 09:06 GMT+7

Trước khi Molina bị đột tử vì dùng ma túy quá liều, bóng đá Việt Nam đã từng phát hiện nhiều trường hợp dùng chất kích thích.

Cái chết của Molina (trái) vì dùng ma túy quá liều là lời cảnh báo với các đội bóng của Việt Nam - Ảnh: B.D

Trước khi Molina bị đột tử vì dùng ma túy quá liều, bóng đá Việt Nam đã từng phát hiện nhiều trường hợp dùng chất kích thích.

Cái chết bất ngờ của chân sút Molina Gaston Eduardo với nguyên nhân ban đầu được xác định do sử dụng ma túy quá liều đã dấy lên mối lo ngại lớn với bóng đá VN. Bởi hầu như ai cũng biết rằng, Molina chỉ là một trong số rất nhiều cầu thủ đang thi đấu tại V-League thường xuyên sử dụng chất kích thích để giải khuây sau mỗi trận đấu.

Nếu bạn lên google và gõ từ khóa đơn giản: “cầu thủ + ma túy” bạn sẽ không khỏi giật mình với những kết quả hiện ra trên màn hình máy tính. Bởi có quá nhiều cầu thủ bóng đá VN sử dụng chất kích thích bị cơ quan công an bắt quả tang, hay bị ban lãnh đạo đội bóng thanh lý hợp đồng vì có đầy đủ nhân chứng, vật chứng. Nổi bật nhất vẫn là vụ cầu thủ Xuân Thành (khoác áo Hà Nội ACB trước đây) bị bảo vệ vũ trường phát hiện trong túi có đến 10 viên ma túy tổng hợp mà Thành định dùng để khao bạn bè và các đồng đội khác. Kế đến là vụ 5 cầu thủ T&T Hà Nội bị phát hiện khi đang “lắc” tới bến cùng các bạn gái trong phòng khách sạn.

Tuy nhiên, cách chơi của các đàn anh đã thành danh này chẳng thấm vào đâu so với những cậu em ở xứ Nghệ. Năm 2008, người hâm mộ một phen kinh hoàng khi đọc được các thông tin về những cầu thủ thuộc dạng tiềm năng của bóng đá VN và đang khoác áo U.19, U.20 VN như N. H. V, L. V. H bị kỷ luật và trả về địa phương do phát hiện chích ma túy. Hai cầu thủ này đều có tài năng thiên phú với những pha xử lý bóng tài tình, hay những pha sút phạt điệu nghệ, đáng buồn thay họ lại nghiện ma túy đến độ rất nặng, buộc phải dùng đến kim tiêm thẳng vào máu, mới đủ độ phê. Thế nhưng, những vụ như vậy nhanh chóng lãng quên theo thời gian bởi những người có trách nhiệm cao nhất với bóng đá VN, chẳng thấy có động thái nào để đề phòng, tạo nên môi trường bóng đá trong sạch, lành mạnh.

Trước đây, người hâm mộ bóng đá VN bất ngờ khi một tiền vệ tài hoa, được gọi lên đội tuyển quốc gia nhưng chỉ lên tập trung được vài ngày lại vội vàng xin về địa phương. Vì sao anh ta lại thoái thác nhiệm vụ quốc gia đầy vinh dự ngay lần đầu được gọi? Lúc đầu người hâm mộ bóng đá VN còn  bán tín bán nghi, nhưng khi cầu thủ này bị phát hiện sử dụng ma túy, mọi người mới vỡ lẽ. Hay như chuyện một trung vệ tài năng của đội bóng miền Đông Nam bộ thường xuyên có những trận đấu vật vờ, nếu không có người chứng kiến anh ta vừa “lắc” suốt đêm, nhân dịp sinh nhật bạn, thì e rằng, anh chàng này đã sớm bị CLB xử vì bị nghi  “bán độ”.

Dù BHL các đội bóng thường rất cảnh giác, bằng cách thay phiên nhau trực ca, bằng cách gác ở cầu thang lên xuống của khách sạn, không cho cầu thủ đi ra ngoài. Nhưng thông thường, các HLV chỉ trực đến 9 hoặc 10 giờ tối, còn sau đó, khi các thầy đi ngủ để giữ sức khỏe, thì trò lại thỏa sức “bay” đêm, với những bãi đáp đã được chiến hữu thiết kế sẵn.

Tuy nhiên, không chỉ có nhiều cầu thủ nội từng bị phát giác sử dụng chất kích thích, mà còn rất nhiều cầu thủ ngoại đang thi đấu tại VN cũng đang là tín đồ của ma túy. Trước đây, hai ngoại binh tài năng là Kankham và Gordon vừa được SLNA ký hợp đồng, nhưng ngay lập tức họ bị thanh lý vì lãnh đội phát hiện họ sử dụng chất kích thích. Mùa bóng 2007, một tiền vệ ngoại đến từ châu Phi, phải trầy trật mãi mới được một CLB VN ký hợp đồng vào giờ cuối  với mức lương thấp hơn giá trị của anh, bởi có thông tin cho rằng anh là con nghiện… Khi nghe thông tin đồng nghiệp Molina bị chết trong khách sạn, chân sút Tshamala của ĐTLA nói rằng: “Tôi biết rất nhiều cầu thủ ngoại và nội đang thi đấu tại V-League thường xuyên sử dụng chất kích thích”. Cách nói của Tshamala như một lần nữa chứng minh tệ nạn ma túy đang đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của bóng đá VN”.

Quang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.