Nạn "đạo chích" trang trại: Bó tay với “tôm tặc”

02/03/2010 23:40 GMT+7

“Tôm tặc” là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người nuôi tôm ở Bạc Liêu. Gần đến ngày thu hoạch, người nuôi tôm phải chi nhiều tiền cho việc chống trộm, thức trắng đêm canh trộm. Thế nhưng, hễ sơ sẩy một chút là mất ngay.

Hở chút là mất

Vụ nào cũng vậy, mỗi khi tôm trong ao đã đủ kích cỡ, chuẩn bị thu hoạch thì tình trạng trộm tôm lại rộ lên. Ông Nguyễn Văn Thắng (ở ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) kể: Từ khi tôm nuôi được 3 tháng tuổi, ông phải túc trực ở vuông tôm suốt 24/24 giờ. Đêm xuống, ông phải đi tuần đến sáng. “Đi tới đi lui đến mòn bờ vuông để canh trộm. Cực vậy mà nào có yên. Bọn trộm rình đợi đến khi mình mỏi mòn chợp mắt, hoặc mình ăn cơm trưa, cơm chiều là đột nhập vào. Vụ tôm vừa rồi tôi bị trộm “viếng” vuông tôm 3 lần, mất hàng trăm ký tôm sú, thiệt hại mấy chục triệu đồng” - ông Thắng nói.

Ông Quách Thành Mộc (ở P.Nhà Mát, TX Bạc Liêu) tổ chức canh trộm hết sức bài bản! Ông có 1,5 ha nuôi tôm công nghiệp. Sợ tôm bị thất thoát, ông mướn 4 nhân công canh giữ, chia làm 2 ca: 2 người thức canh đến 12 giờ khuya, 2 người còn lại canh tới sáng. Để chắc ăn hơn, ông cho cặm cây bao quanh vuông tôm rồi kéo lưới rào chắn cẩn thận. Ông Mộc ấm ức: “Vậy mà không biết bằng cách nào, bọn trộm vẫn vào được. Thấy chúng vác tôm của mình chạy đi, tức ói máu nhưng không tài nào rượt kịp”.

Ông Trần Văn Thành (ở ấp Cả Vĩnh, xã Hưng Hội, H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) có 3 ao nuôi tôm (mỗi ao rộng 0,5 ha). Tại mỗi ao tôm, ông Thành dựng một cái chòi, mướn người canh giữ. Dù xung quanh vuông tôm ông làm hàng rào chắc chắn, đêm xuống kéo đèn điện sáng rực, nhưng chỉ cần lơ là một chút là bị kẻ trộm đột nhập dùng mồi dụ tôm rồi quăng chài, bắt mất hàng trăm ký.

Những người nuôi tôm ở ven biển Bạc Liêu cho biết, bọn trộm tôm thường tụ tập thành nhóm, có nhóm hơn 20 người, trang bị xe gắn máy phân khối lớn, thức ăn, chài, lưới... Có nhóm còn trang bị cả dao, mã tấu để mỗi khi bị phát hiện, chúng sử dụng hung khí khống chế người giữ vuông rồi vô tư kéo bắt tôm.

Trung tá Trương Minh Khởi, Trưởng công an xã Vĩnh Trạch Đông (TX Bạc Liêu) kể, hồi năm trước, ông nhận được tin báo có hơn 20 đối tượng đột nhập vào Công ty Duyên Hải Bạc Liêu, khống chế bảo vệ của công ty rồi ngang nhiên kéo tôm, cá. Ông lập tức huy động gần chục công an, xã đội nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Do lực lượng “quá mỏng” khó bề tiếp cận bọn trộm nên ông phải bắn hai phát súng chỉ thiên để chúng bỏ chạy. “Lần đó chúng tôi chỉ bắt được một tên đang nằm ngủ... trong mùng giăng cạnh hiện trường, không kịp tháo chạy” - trung tá Khởi nói.

Để đối phó với tình trạng trộm tôm hoành hành, Công ty Hải Nguyên - một công ty nuôi tôm có quy mô lớn ở xã Vĩnh Trạch Đông - đã phải cầu viện lực lượng công an địa phương và Đồn biên phòng 650 (tỉnh Sóc Trăng) tiếp sức. Qua nhiều ngày phục kích, lực lượng phối hợp đã tóm gọn một vụ trộm tôm của công ty với 7 người tham gia. Theo khai nhận ban đầu, mỗi khi đi trộm, bọn chúng phân công nhiệm vụ rất cụ thể: 1 canh đường, 2 đi rải thức ăn để dụ tôm, 2 dùng lưới kéo tôm, 2 người còn lại ngồi chờ sẵn trên xe để sẵn sàng chở đồng bọn tẩu thoát nếu bị phát hiện.

Đủ kiểu chống trộm vẫn bó tay

Trước vấn nạn trộm, các chủ vuông tôm ai cũng phải tìm cách tự bảo vệ tài sản của mình. Ông Trịnh Thanh Lâm (ở khóm Kinh Tế, P.Nhà Mát, TX Bạc Liêu) đầu tư hàng chục triệu đồng mua lưới, cây rào bao quanh bờ vuông và kéo điện thắp sáng suốt đêm rồi mướn thêm 3 người bảo vệ 4 ao nuôi tôm công nghiệp của mình. Ông Lê Anh Xuân - một hộ nuôi tôm công nghiệp có quy mô lớn ở xã Vĩnh Trạch, TX Bạc Liêu - thì mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua trang thiết bị chống trộm để bảo vệ 5 ha nuôi tôm công nghiệp. Cụ thể, ông đã bỏ ra trên trăm triệu đồng để hạ thế lưới điện, mua cột điện, dây điện, bóng đèn... mắc quanh các ao nuôi tôm, “đêm đêm vuông tôm của ông đèn sáng rực như ở thành phố vậy”. Quanh bờ vuông tôm ông cất gần chục chòi, mướn công nhân túc trực canh giữ. Ngoài ra, ông còn mua hai con chó bẹc-giê cỡ lớn, hằng đêm được công nhân điều đi “tuần tra” quanh vuông tôm canh giữ trộm. Ông Phạm Văn Minh (ấp Thào Lạng, xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu), có 2 ha nuôi tôm công nghiệp, nhưng ở nhiều khu cách xa nhà. Ông mua lưới bao xung quanh bờ vuông tôm rồi dựng chòi, mỗi chòi “phân công” 2 con chó canh giữ.

Ông Nguyễn Văn Thống (ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) thì đầu tư gần 200 triệu đồng để hạ thế điện thắp sáng vuông tôm, xung quanh bờ bao được kéo lưới giăng kín, cất chòi án ngữ và cử người canh giữ cẩn thận. Đặc biệt, dưới ao còn giăng dây chì gai để phòng kẻ trộm chài tôm. Nhưng theo ông Thống, dù đã dùng “đủ chiêu, đủ kiểu”, nhưng bọn trộm vẫn thường xuyên “ghé” vuông tôm.

Ông Tạ Minh Phú, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu thừa nhận nạn trộm cắp tôm trên địa bàn diễn ra rất thường xuyên, với nhiều thủ đoạn rất tinh vi nhưng cũng chỉ biết khuyên người nuôi tôm: “Để phòng, chống một cách hiệu quả, bà con cần bảo vệ vuông tôm nghiêm ngặt; liên kết với các hộ nuôi tôm xung quanh để cùng tham gia bảo vệ. Đặc biệt, bà con cần phối hợp cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời cho lực lượng công an địa phương để họ hỗ trợ, theo dõi truy bắt các đối tượng trộm tôm nhằm đảm bảo an ninh trật tự ở các vùng nuôi tôm”.

Chính quyền, công an địa phương ở đâu?

Những ngày qua, bạn đọc rất quan tâm đến loạt bài viết Nạn “đạo chích” trang trại trên Thanh Niên.

Nguyên xóm đi mót...!

Báo Thanh Niên đăng loạt bài này, những người bị thiệt hại chúng tôi như cởi tấm lòng. Có là người trong cuộc mới thấu hiểu nỗi đau khi mình vất vả quanh năm, trồng trọt, chăm sóc, tốn kém công sức tiền của, đến lúc thu hoạch thì bị người ta ngang nhiên vào thu hoạch với lý do “đi mót”. Vừa ức, vừa giận, vừa buồn. Đi mót gì mà kéo nguyên xóm, nguyên gia đình; mót gì mà cà phê của người ta chưa hái một hạt nào, họ đã hái sạch. Đau nhất là thấy họ lấy của mình ngang nhiên thế mà không dám hó hé nửa lời. Chỉ cần ngăn cấm, vây bắt... là sáng mai ra, vườn cà phê sẽ bị gãy, đập nát tơi bời. (thtung...@yahoo.com )

Cần xử lý nghiêm

Khi đọc bài Nạn "đạo chích" trang trại, tôi thật sự xúc động trước hoàn cảnh của người nông dân. Họ vốn vất vả bao đời, nay càng điêu đứng, nợ nần, nguy cơ tán gia bại sản bởi nạn trộm cắp. Việc xử lý hành chính

1-2 trăm ngàn sao đủ sức răn đe? Người dân chỉ còn cách "năn nỉ" bọn đạo chích đừng "dòm ngó" đến mình. Vậy chính quyền và pháp luật đâu? Nhà nước kêu gọi người dân phát huy những mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao đời sống. Nhưng ai sẽ bảo vệ cho người nông dân khi bọn đạo chích hoành hành công khai, thành quả đạt được đều vào tay đạo chích? (Huỳnh Ngọc Tuấn - huynh.va...@yahoo.com.vn )

Tội của cơ quan chức năng

Tôi không hiểu tại sao tình trạng trộm cắp như báo nêu lại tồn tại được lâu như vậy. Nguyên nhân không phải do kẻ trộm "lách luật" như trong báo nói đến, chúng ta có cả một hệ thống chế tài hành chính và hình sự để xử lý những hành vi này. Sự "tinh vi" của kẻ trộm sẽ bị vô hiệu hóa ngay nếu cơ quan chức năng vào cuộc. Tình trạng này kéo dài nhiều năm là cái "tội" của cơ quan chức năng, càng kéo dài ngày nào thì "tội" của cơ quan chức năng càng lớn bấy nhiêu. (Trương Hồng Kỳ, tổ 8, ấp 2, Phước Bình, Long Thành, Đồng Nai)

Có vấn đề ở chính quyền địa phương

Để xảy ra tình trạng này, theo tôi, trước tiên bộ phận công an xã có vấn đề, nói chung các cán bộ quá kém. Trộm tài sản của dân nơi mình đang công tác mà không làm gì được thì loạn thật rồi. Nếu có 10 xã như vậy trong một huyện và có 10 huyện như vậy trong một tỉnh, có 10 tỉnh như vậy trong một nước... thì hậu quả thế nào? (toinguyen…@focal.com.vn )

Đọc xong bài báo tôi thấy thật vô lý, chúng ta sống trong một xã hội có Nhà nước, có chính quyền mà không thể có biện pháp ngăn chặn nạn trộm cắp. Còn nói về “lách luật” của kẻ trộm, với nghiệp vụ của mình thì công an không khó khi xác định và xử lý người mua cá trộm. Không thể để người dân một nắng hai sương lại bị cướp đoạt ngang nhiên như vậy. (meomeo…@gmail.com)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.