Nông dân miền Trung điêu đứng vì nắng hạn

04/03/2010 23:48 GMT+7

Nông dân ở Quảng Nam, Quảng Trị lo lắng, đứng ngồi không yên vì đợt nắng nóng kéo dài trong mấy ngày qua...

Thu Bồn nhiễm mặn sớm             

Tại Quảng Nam, hàng nghìn héc-ta lúa đang phải hứng chịu khô hạn khi nước sông Thu Bồn nhiễm mặn nặng và sớm hơn các năm trước. Ông Nguyễn Văn Đức - Giám đốc Xí nghiệp khai thác thủy lợi huyện Điện Bàn cho biết: từ giáp Tết Canh Dần đến nay, nồng độ mặn đo được tại các trạm bơm Tứ Câu, Cẩm Sa, Vĩnh Điện lên từ 2 phần nghìn đến 2,8 phần nghìn, trong khi độ mặn cao nhất cho phép chỉ tới 0,8 phần nghìn. Đây là những trạm bơm đảm bảo nước tưới cho hơn 1.000 ha lúa đông xuân của huyện Điện Bàn và thành phố Hội An. Tất cả các diện tích lúa này đang thời kỳ làm đòng, trổ bông nên độ mặn càng ảnh hưởng lớn đến năng suất.

 Xí nghiệp khai thác thủy lợi Điện Bàn cũng đã đầu tư thêm 300 triệu đồng lắp đặt 7 máy bơm điện công suất từ 7,5-33 Kwh tại cống Lở, Bầu Sen, Ao Trời, Bầu Dừa Hà Gia... để chống hạn cho gần 300 ha lúa ở khu vực các xã Điện Ngọc, Điện Dương và khu vực Hòa Quý (TP Đà Nẵng).

Tại Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Trường Ảnh - Giám đốc Công ty cấp nước Đà Nẵng, nước mặn cũng đã lên sớm hơn mọi năm, gây khó khăn cho việc cấp nước sinh hoạt cho người dân. Hiện công ty đã cho vận hành trạm bơm An Trạch để đề phòng nước mặn tấn công vào trạm bơm Cầu Đỏ. Dự báo của Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng năm nay tình hình nhiễm mặn và thiếu nước tưới sẽ tăng cao khi mà thủy điện ĐắkMi 4 tiếp tục thi công chặn dòng. (H.Trà)

Còn tại huyện Duy Xuyên, chính quyền đã huy động dân dùng cát xây đập dâng tại Cầu Đen, ngăn không cho mặn xâm nhập sâu để lấy nước tưới cho 600 ha lúa. Ông Nguyễn Phước Năm - Giám đốc Xí nghiệp khai thác thủy lợi Duy Xuyên cho biết, do độ mặn vượt quá ngưỡng cho phép nên đơn vị đã phải bỏ ra 200 triệu đồng tiến hành nạo vét lòng sông Cầu Chìm, Chiêm Sơn để đón dòng chảy từ phía tây và nước hồi quy từ đập Para, chủ động cấp nước cho hơn 500 ha thuộc các xã Duy Phước, Duy Vinh, thị trấn Nam Phước và các xã vùng đông của huyện. Tất cả các giải pháp chống xâm nhập mặn ở Quảng Nam chỉ mang tính tạm thời.

Nắng thiêu đốt cỏ cây

Giữa giờ sáng ngày 4.3, chúng tôi chạy xe theo hướng từ TP Đông Hà, qua một số xã của H.Cam Lộ và về thị trấn Cửa Việt (H.Gio Linh). Hai bên đường là những cánh đồng lúa tít tắp. Quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy được nhiều khoảng ruộng bị phủ một màu vàng ố vì nắng nóng. Vào những năm trước, cảnh tượng này hầu như chưa hề xảy ra bởi chỉ mới tháng giêng, ít khi trên địa bàn lại có một đợt nắng như thế này.

Tại các huyện vùng cao như Hướng Hóa, Đakrông tình hình nắng nóng kéo dài cũng tạo nên những nguy cơ hết sức nguy hiểm. Đặc biệt đối với hệ thống rừng tự nhiên và rừng trồng... Tại H.Đakrông, các xã nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây đều có dấu hiệu khô hạn, đặc biệt là tại xã Ba Nang và một vài vùng lân cận, nắng làm cho việc thiếu nước sinh hoạt, sản xuất của bà con vùng cao thêm trầm trọng...

Hồ Trọng - Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.