Sau rằm tháng giêng, hơn chục chuyến xe khách mỗi ngày từ TP Vinh (Nghệ An) đi Viêng Chăn (Lào) luôn chật kín người. “Sang Lào dễ hơn vào Nam. Từ Vinh sang Viêng Chăn chỉ mất một ngày đường, sang đó dễ kiếm việc và được trả lương cao hơn nhiều so với đi làm công nhân trong Nam”, Nguyễn Văn Phú (24 tuổi, quê xã Văn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) nói. Phú đã có 7 tháng làm phụ hồ ở Viêng Chăn cho một chủ thầu xây dựng là người Việt. Chủ bao ăn, ở, lương mỗi tháng gần 4 triệu đồng. Cùng làm với Phú có hơn ba chục công nhân người Việt khác. Người chị gái sang mở tiệm làm tóc từ hai năm nay đưa Phú sang và nay còn rủ thêm 3 người anh em họ cùng đi.
Nhiều người dân sang Lào còn để bán hàng thuê, làm tóc, chăn nuôi, thậm chí cả buôn... đồng nát. Tại Hà Tĩnh, nhiều xã ở huyện Cẩm Xuyên, phụ nữ rủ nhau đi Lào, Thái bán hàng, nấu ăn cho các công trình xây dựng, phục vụ nhà hàng... khiến xóm làng vắng hẳn đàn bà.
Trung tá Nguyễn Xuân Vinh, Phó phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an Nghệ An, cho biết sau Tết, mỗi ngày phòng tiếp nhận khoảng 1.200 hồ sơ xin cấp hộ chiếu, hơn 300 hồ sơ xin cấp giấy thông hành sang Lào, gấp gần 20 lần ngày thường.
Ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An, cho biết trung bình mỗi năm ở Nghệ An có khoảng 10.000 người đến xin cấp giấy thông hành sang Lào làm ăn. Số người này đi lao động tự do, không thông qua một đơn vị nào. Hiện chưa có doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào trong tỉnh tuyển dụng người sang Lào lao động theo hiệp định ký kết với nước bạn. Do đó, khi gặp rủi ro, họ cũng không báo cáo mà tự xoay xở, nên cơ quan chức năng trong nước cũng không biết. |
May nhờ, rủi chịu...
Thực tế ở Nghệ An, các xã Đô Thành (huyện Yên Thành), Diễn Hồng, Diễn Tháp (huyện Diễn Châu) mỗi năm có hàng trăm người sang Lào thu mua đồng nát. Vùng quê này khá lên với những ngôi nhà cao tầng, làng xóm trở nên sầm uất.
Thế nhưng, nhiều người cũng gặp họa khi sang Lào, Thái làm ăn. Đầu năm 2009, anh Nguyễn Xuân Bảy (quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An) được một “cò” xuất khẩu lao động tên Trường ở Hà Tĩnh giới thiệu đưa sang Thái Lan làm việc. Chi phí trọn gói 12 triệu đồng, không cần giấy thông hành, hộ chiếu, sang Thái Lan làm việc trong một nhà hàng, chủ bao ăn, ở, lương gần 3 triệu đồng/tháng. Tin lời hứa này, anh Bảy cùng với 5 người khác nộp tiền cho Trường để đi. Cả 6 người được đưa lên 6 xe khách khác nhau, Trường hứa sang Thái sẽ có “người của công ty” đón đến địa điểm làm việc. Khi qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), anh Bảy được lơ xe nhét xuống thùng đựng hàng để qua mắt trạm kiểm soát vì không có giấy tờ. Bằng nhiều cách chui nhủi, cuối cùng anh Bảy cũng sang được Thái Lan và được đưa đến một nhà hàng để... rửa bát. Công việc phải dậy từ mờ sáng làm đến 12 giờ đêm, tiền công 90 bạt/ngày (khoảng 50.000 đồng). Lao động quá cực khổ suốt một tháng trời và luôn phải sống chui nhủi vì sợ bị cảnh sát phát hiện, anh Bảy buộc “người của công ty” đưa về, nhưng anh này không chịu. Cuối cùng, anh phải viết giấy tay vay nợ người này 2 triệu đồng để được đưa về nước.
Tháng 5.2009, Đồn biên phòng Cầu Treo (Hà Tĩnh) sang Lào phối hợp Công an Lào giải cứu hai em Nguyễn Thị Thu Thảo (16 tuổi, ở xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và Nguyễn Thị Trang (17 tuổi, ở xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An), bị một chủ người Việt ở Viêng Chăn ngược đãi. Thảo và Trang cùng 4 cô gái khác sang bán hàng cho người này, công việc làm quần quật suốt ngày nhưng liên tục bị chủ đánh đập tàn nhẫn. Hai em nhiều lần bỏ trốn, nhưng sau đó lại bị chủ bắt về.
Giữa tháng 4.2009, anh Trương Hữu Hải ở Sơn Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh sang làm thuê cho một nhà hàng ở Thái Lan, trên đường đi làm về đã bị trúng đạn do xung đột chính trị ở Thái Lan. Bà Nguyễn Thị Giáo và bà Nguyễn Thị Thủy (ở Sơn Giang, Hương Sơn, Hà Tĩnh) sang Lào hành nghề buôn bán cũng bị một tên côn đồ sát hại dã man ở gần khu vực biên giới vào ngày 14.4.2009...
Khánh Hoan
Bình luận (0)