Mistral - bước đi chiến lược của Nga

05/03/2010 23:48 GMT+7

Sự xuất hiện của tàu chiến Mistral đánh dấu nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Nga sau một thời gian dài xuống sức. Nhưng không chỉ có thế... Nghe đọc bài

Chuyến thăm ba ngày của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tới Pháp hồi đầu tháng này kết thúc với một trong những kết quả quan trọng. Đó là việc xúc tiến kế hoạch mua bán vũ khí giữa hai nước. Cụ thể, Nga sẽ mua 2 tàu chiến thuộc lớp Mistral và sản xuất thêm 2 chiếc loại này theo giấy phép của Pháp. Giá trị trọn gói hợp đồng có thể lên tới 2,1 tỉ USD.

Việc hải quân Nga sử dụng tàu chiến Pháp là một sự kiện lịch sử. Nó không chỉ đánh dấu hướng đi mới trong hiện đại hóa lực lượng trên biển của Moscow, mà còn là một bước đi chiến lược khôn ngoan trong quan hệ quốc tế.

Thứ người Pháp có

Mistral là một trong những thế hệ tàu chiến tấn công thủy bộ mới nhất của Pháp. Chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu này - cũng có tên là Mistral - mới hạ thủy vào năm 2004 và bắt đầu được biên chế vào hải quân năm 2006. Chiếc thứ hai mang tên Tonnerre được hạ thủy năm 2005 và biên chế năm 2006. Chiếc thứ ba đã được hạ thủy vào năm ngoái, nhưng hiện đang trong thời gian vận hành thử.

Sự ra đời của thế hệ tàu Mistral dựa trên nền tảng học thuyết xung kích thủy bộ của quân đội Pháp. Học thuyết này có nội dung chủ yếu là: xung kích thủy bộ cấp tập, rút lui nhanh gọn, phô trương lực lượng và bố ráp triệt để. Trên nền tảng đó, các nhà thiết kế tàu của Pháp đã xây dựng một con tàu có tải trọng lớn, tốc độ nhanh, linh hoạt, vũ khí hiện đại.

Theo thiết kế thì một chiếc tàu thuộc lớp Mistral trung bình có thể chở 70 xe thiết giáp (bao gồm 13 tăng Leclerc) hoặc một tiểu đoàn gồm 40 tăng Leclerc, 4 sà lan đổ bộ. Tàu chở được 16 trực thăng hạng nặng hoặc 35 trực thăng hạng nhẹ, với sân bay trực thăng có 6 điểm hạ cánh. Số quân nhân trên tàu có thể lên tới 900 trong thời gian ngắn, hoặc 450 người đồn trú trong thời gian dài. Hỏa lực của Mistral cũng rất mạnh, với hệ thống tên lửa phòng không Simbad, súng 30 mm Breda-Mauser và súng máy 12,7 mm M2-HB Browning. Tàu có thể chạy liên tục 19.800 km với tốc độ 15 hải lý/giờ, hoặc 10.800 km với tốc độ 18 hải lý/giờ. Hệ thống điều khiển và do thám cũng thuộc loại tối tân nhất hiện nay trên thế giới.

Sau khi được biên chế vào hải quân Pháp, tàu lớp Mistral đã hoạt động ở vùng Địa Trung Hải, Biển Đỏ, Ấn Độ Dương. Đặc biệt, trong sự kiện Israel tấn công Li-băng năm 2006, Mistral đã tham gia Chiến dịch Baliste trong vai trò tàu chủ lực với sự hộ tống của hai tàu khu trục nhỏ Jean Bart và Jean de Vienne cùng tàu đổ bộ Siroco. Tàu Mistral cũng từng tham gia một sứ mệnh mà theo phía Pháp giải thích là cứu trợ nhân đạo ở Myanmar hồi năm 2008.

Cái người Nga cần

Chỉ xét đơn thuần về khả năng tác chiến, chiếc Mistral thực sự là thứ mà người Nga cần cho chương trình hiện đại hóa hải quân của mình. Sau khi Liên Xô tan rã, hải quân Nga đã trải qua một giai đoạn khó khăn với sự sụt giảm lực lượng liên tục, dẫn đến khả năng tác chiến trên biển rất hạn chế.

Theo website Warfare.ru, nếu như hải quân Nga từng có 6 tàu sân bay vào năm 1990 thì hiện họ chỉ còn 1 chiếc hoạt động, đó là chiếc Đô đốc Kuznetsov. Tàu tuần dương cũng thế, từ 26 chiếc (năm 1985) còn 5 chiếc trong năm 2010. Tàu khu trục thì từ 52 chiếc năm 1990 giờ còn 14 chiếc. Tàu ngầm, tàu hộ tống, tàu khu trục nhỏ... cũng giảm rất nhiều về số lượng. Sự sụt giảm này một phần nằm trong nỗ lực tinh giản lực lượng - giảm lượng tăng chất - nhưng phần lớn do tình hình khó khăn gây ra.

Gần đây, khi nền kinh tế bắt đầu trỗi dậy sau thập niên khủng hoảng 1990, Nga đã nhận thấy rằng họ cần tái lập lại sức mạnh hải quân vì những lợi ích của họ ở trên biển. Tranh chấp nguồn lợi dầu khí ở Bắc Cực, tranh giành ảnh hưởng với Mỹ, Trung Quốc ở Thái Bình Dương, chống cướp biển ở Somalia, thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo quốc tế... là những áp lực ngày một lớn đè lên hải quân Nga.

Cuộc xung đột với Georgia liên quan tới vùng đất Nam Ossetia vào năm 2008 khiến người Nga nhận ra rằng khả năng triển khai hải quân của họ rất kém. Hạm đội Biển Đen tỏ ra rất uể oải trong nhiệm vụ mở hướng xung kích từ biển vào Georgia. Đó mới là cuộc chiến với Georgia - quốc gia yếu hơn rất nhiều lần về quân sự. Điều này sẽ khác nếu Nga đối mặt với một cường quốc quân sự ngang tầm. Khi đó chắc chắn hải quân của đất nước rộng lớn nhất thế giới sẽ phô bày nhiều hơn nữa sự uể oải của mình.

Xuất phát từ đó, hiện đại hóa là một đòi hỏi tự nhiên đối với người Nga. Trước mắt, họ có kế hoạch đóng thêm ít nhất 2 tàu sân bay để biên chế vào hải quân vào năm 2017. Việc mua những chiếc tàu chiến tối tân như Mistral cũng sẽ giúp Nga bổ khuyết được một phần những thiếu hụt hiện tại. Hãng tin RIA Novosti hồi năm ngoái dẫn lời Tư lệnh Hải quân Nga Vladimir Vysotsky nói rằng một chiếc Mistral chỉ cần 40 phút là có thể triển khai một lực lượng quân sự tới Georgia tương đương với cả Hạm đội Biển Đen thực hiện trong 26 tiếng đồng hồ trong cuộc chiến năm 2008. Lời của viên đô đốc Nga cho thấy sức mạnh đáng sợ của Mistral cũng như sự nể trọng mà Moscow dành cho loại phương tiện chiến tranh này.

Có thể thấy sự xuất hiện của tàu chiến Pháp sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về hiện đại hóa hải quân, giúp Nga tiếp cận với công nghệ chiến tranh tân tiến của phương Tây. Nhưng bên cạnh “lợi ích có tính chất kỹ thuật” này, người Nga có những lợi ích chiến lược thậm chí còn lớn hơn. Việc ràng buộc một thành viên của NATO là Pháp - vốn luôn được coi là một thái cực đối nghịch với Nga - vào mối quan hệ hợp tác công nghệ quân sự với mình có thể giúp Nga dễ tìm được sự ủng hộ của Pháp trong những vấn đề chính trị, ngoại giao đa phương khác. Pháp cũng có lợi ích to lớn trong sự hợp tác này. Họ có tiền, có thị trường vũ khí mới, họ cũng rất cần những sự hợp tác về kinh tế, chính trị, đặc biệt là năng lượng từ Nga.

Chỉ có những nước nhỏ bé như Georgia là cảm thấy cô độc. Chính phủ Georgia từ lâu đã nghiêng hẳn về phương Tây, luôn tìm sự ủng hộ từ phương Tây trong nhiều vấn đề xung khắc với Nga. Trong cuộc chiến năm 2008, Georgia cũng đã tìm kiếm sự lên tiếng ủng hộ của phương Tây. Phương Tây trước nay cũng hay bênh vực Georgia, nhưng giờ đây thì chính phương Tây lại bán vũ khí cho Nga. Đó chính là “lợi ích nước lớn”.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.