Mới đây, tại TP.HCM diễn ra hội thảo về chủ đề “Chữa trị ngộ độc”, do Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Hiệp hội Chống độc châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. Trong các chủ đề ngộ độc được các diễn giả trình bày có chủ đề về các loại nấm độc ở VN. Theo báo cáo thì cho đến nay, hiện có hơn 2.300 loại nấm; từ lâu nấm được xem là nguồn thực phẩm quan trọng, và nấm còn cho dược liệu quý. Tuy nhiên, có những loại nấm độc, gây nên những vụ ngộ độc chết người rất thương tâm tại VN.
Báo cáo của các nhà chuyên môn thuộc Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết về những loại nấm độc như:
Nấm độc xanh đen: loại nấm này khi lớn có màu xanh ô liu, hay xanh đen, đen nhạt, tro xám ở phần mũ (chóp), ở VN và Trung Quốc thì loại nấm này ít có màu xanh. Ở phần đỉnh, màu thường sẫm hơn và nhạt dần ra phía mép mũ. Cuống nấm màu trắng; thịt nấm màu trắng, mềm. Lưu ý, khi ngửi thì nghe mùi rất dễ chịu; thường mọc trong rừng… Đây là loại nấm độc nguy hiểm nhất - 90% các vụ ngộ độc nấm này gây tử vong, nấm được mệnh danh là “kẻ giết người trong rừng”.
|
Nấm độc tán trắng: mũ loại nấm này trắng toát (cũng có khi màu vàng ở giữa), hình bán cầu, mặt mũ nhẵn; cuống nấm hình trụ màu trắng; thịt nấm trắng, mềm. Nấm hay mọc trên đất rừng, cũng có khi mọc ven đường, bãi cỏ vào mùa xuân đến mùa thu. Đây cũng là loại nấm cực độc, đã gây ra nhiều vụ ngộ độc chết người tại VN. Tại Mỹ, loài nấm này được mệnh danh là “nàng tiên giết người” - bởi hình dáng “trong trắng” của nấm dễ khiến người ta lầm tưởng nó không độc.
Nấm độc tán trắng hình trứng: mũ nấm hình trứng, màu trắng; cuống nấm hình trụ tròn, phần gốc hình củ; thịt nấm màu trắng, hắc; thường mọc vào cuối xuân, đầu hè… Đây cũng là loại nấm cực độc, gây chết người.
Nấm ô phiến xanh: mũ nấm lúc nhỏ hình dạng cầu, lúc lớn hình bán cầu dẹp đến phẳng, có vảy nâu phủ trên mặt; thịt nấm dày, màu trắng; cuống nấm ở phần gốc phình ra hình củ, khi ta chạm tay vào thì cuống nấm chuyển sang màu hồng; chúng thường mọc vào mùa nóng ẩm, mọc đơn lẻ, hoặc từng cụm. Đây cũng là loại nấm độc dễ khiến người ta lầm tưởng.
Nấm Entoloma sinuatum: mũ nấm hình dạng nón; thịt nấm dày; cuống nấm hình trụ, ở phần gần cuống màu trắng có sắc thái nâu; nấm này thường mọc trên đất rừng, ven rừng vào cuối mùa xuân đến đầu mùa thu…
Báo cáo cũng cho biết, những vụ ngộ độc nấm trong nước xảy ra phần lớn ở các vùng núi các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình; các tỉnh Bắc Trung bộ và Tây Nguyên. Thời điểm xảy ra ngộ độc nấm nhiều là vào mùa nóng ẩm, nhiều nhất là từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch - là lúc có điều kiện sinh thái thích hợp cho việc hình thành quả thể của nấm.
Thanh Tùng
Bình luận (0)