Đổ mồ hôi quá mức

06/03/2010 10:41 GMT+7

(TNTT>) Tùy mức độ nhiều hay ít, rất dễ nhận biết một người bị bệnh này qua giao tiếp thông thường. Bệnh đổ mồ hôi quá mức khiến bệnh nhân mất tự tin trong giao tiếp và khó chịu trong sinh hoạt

Mỗi người ai cũng có mồ hôi và đổ nhiều khi vận động hoặc trong điều kiện thời tiết nóng bức, riêng đối với người bị bệnh thì lượng mồ hôi đổ nhiều và thường xuyên trong bất cứ hoàn cảnh nào, tập trung ở các vùng như tay, chân, nách, bẹn ... Bệnh không gây đau đớn, không trầm trọng nhưng gây bất tiện cho người bệnh trong nhiều mặt.

Bệnh phổ biến

Theo bác sĩ Huỳnh Bá Long (chuyên khoa Nội khoa và Da liễu), y khoa gọi đây là bệnh tăng tiết mồ hôi quá mức (HYPERHIDROSIS) chứ không phải là phong thấp như nhiều người thường nghĩ.

Trên thực tế, mọi vùng da bên ngoài cơ thể đều có tuyến mồ hôi hoạt động, tiết mồ hôi ra ngoài bề mặt da, với nhiệm vụ chủ yếu là giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể. Bệnh tăng tiết mồ hôi quá mức có thể xảy ra ở lòng bàn tay, bàn chân, nách, háng và cả mặt. Nguyên nhân chưa được xác định rõ nhưng bệnh gây kích thích các hạch thần kinh giao cảm và gây tăng tiết quá mức mồ hôi ra ngoài da. Ở người bình thường thì những vùng kể trên (lòng bàn tay, bàn chân...) dù có đổ mồ hôi nhiều cũng chỉ biểu hiện là nhơm nhớp, trong khi người mắc chứng bệnh này thì mồ hôi tiết ra có thể thành giọt hay ướt nhèm nhẹp... làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, đặc biệt là giới doanh nhân, giới showbiz.

Nếu tăng tiết nhiều hơn và thường xuyên hơn thì bệnh có thể làm rối loạn các chất điện giải (kali, natri...) trong cơ thể, vì các chất đó bị thải ra ngoài theo mồ hôi.

Phẫu thuật chỉ là trường hợp bất khả kháng, cần được bác sĩ xem xét kỹ

Tự điều trị

Hầu hết các bác sĩ đều khuyến cáo bệnh nhân nên tự điều trị. Đây là bệnh tác động thông qua hệ thần kinh giao cảm nên điều quan trọng là người bệnh cần phải tập luyện ổn định về thần kinh tâm lý, tránh những xúc cảm về tinh thần như lo lắng, sợ hãi... quá mức. Bệnh nhân có thể tập thiền, yoga...

Phẫu thuật chỉ là phương pháp thứ yếu khi việc tự điều trị không thể thực hiện. Bệnh nhân cần đến các bệnh viện chuyên khoa uy tín để được tư vấn có nên phẫu thuật hay không.

Hiện nay, các bệnh viện có đảm nhiệm điều trị lĩnh vực này là Chợ Rẫy, bệnh viện Đại học Y dược, Bình Dân, Nhân dân Gia Định, Trưng Vương, các bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài...

Xét về mặt phẫu thuật, theo bác sĩ Long, cách đây hơn 5 năm, phẫu thuật được coi là phương pháp "triệt để" duy nhất. Tuy nhiên, hiện nay, phương pháp này đang được xem xét lại do có nhiều hạn chế vì đây là phương pháp điều trị xâm lấn (mổ và can thiệp vào bên trong cơ thể ), chi phí cao, tai biến gây mê - phẫu thuật nhiều, nhiều biến chứng do việc cắt bỏ các hạch thần kinh giao cảm trong lồng ngực.

Có trường hợp bệnh nhân sau phẫu thuật trị dứt điểm mồ hôi ở tay thì gặp vấn đề ở chân hoặc vùng tay mất cảm giác. Đến lúc đó, muốn trở lại như lúc ban đầu thì không thể.

Thông tin thêm

Y học cổ truyền có một số bài thuốc để điều trị bệnh này như dùng lá lốt sắc uống thay trà, ăn cháo lươn… nhưng tùy thuộc vào cơ địa, cần được lương y chẩn trị trước khi áp dụng. Nếu bị nhẹ, hàng ngày nên ngâm tay chân vào nước muối ấm hoặc giấm pha loãng trong 10 – 15 phút trước khi ngủ. Không nên đi giày liên tục, nếu có điều kiện nên đi dép sandal hoặc cởi giày ra khi ngồi làm việc cho chân tiếp xúc với không khí, thay tất mỗi buổi hoặc mỗi ngày.

 

Can thiệp thẩm mỹ chỉ có tính tương đối

Hiện nay, các trung tâm thẩm mỹ đang quảng bá việc điều trị hiệu quả bệnh mồ hôi tay và các vùng khác trên cơ thể mà không cần phẫu thuật thông qua các phương pháp tiêm Botox qua da hoặc laser liệu pháp. Đây là phương pháp mới, không xâm lấn (không can thiệp vào bên trong cơ thể), ít tai biến khi điều trị và ít biến chứng sau điều trị vì chỉ tác động tại chỗ ở ngay dưới da. Tuy nhiên khả năng điều trị triệt để hay không thì cần phải theo dõi và đánh giá tiếp.

Một cách tổng quan, việc can thiệp bằng thẩm mỹ có hạn chế lớn là chi phí cao, thời gian hiệu quả ngắn, chỉ phù hợp với giới doanh nhân hoặc giới làm giải trí.

 Chẳng hạn, việc tiêm Botox  trị tăng tiết mồ hôi - theo Thẩm mỹ viện bác sĩ Tú, Botox không chữa tận gốc bệnh tăng tiết mồ hôi, sau mỗi lần chích, lượng mồ hôi có thể giảm tới 90% nhưng việc trị liệu chỉ kéo dài từ 6 đến 9 tháng (tùy cơ địa), sau đó phải chích trở lại.

Trong điều kiện muốn uống thuốc để giảm tiết mồ hôi, bệnh nhân nên thông qua bác sĩ, nên thị trường có bán nhiều loại tây dược (uống hằng ngày) giúp giảm tiết mồ hôi nhưng không nên tự ý dùng.  Thuốc bôi cũng tương tự, cần kết hợp kiểm tra bệnh lý tuyến giáp trước khi dùng phương pháp này.

Lê Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.