Cá mập vào bờ, đừng quá hốt hoảng!

07/03/2010 01:16 GMT+7

Đó là lời khuyên của Tiến sĩ sinh học biển Nguyễn Khắc Hường trước hiện tượng ngày càng có nhiều cá mập tiến sát bờ ở vùng biển Nam Trung bộ.

Theo TS Nguyễn Khắc Hường (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu động vật có xương sống - Viện Hải dương học Nha Trang), biển nước ta có nhiều loài cá mập. Việc thay đổi khí hậu biển cũng có thể ảnh hưởng đến sự di chuyển của một số loài cá, nhưng chưa có căn cứ khẳng định việc phát hiện cá mập ở gần bờ tại Phú Yên, Bình Định vừa qua là do biến đổi khí hậu. Cá mập là loài ăn các loài cá lớn khác, mà thức ăn của nó ở ngoài khơi rất nhiều. Do đó cũng không thể khẳng định cá mập vào bờ biển Phú Yên, Bình Định là do thiếu thức ăn. Ở nước ta cho đến nay chưa phát hiện trường hợp cá mập vào bờ tấn công người để ăn thịt như ở Úc, Nam Phi..., vì vậy không nên quá hốt hoảng. Tuy nhiên, ở những bãi tắm đông người nên làm lưới chắn cá mập là tốt nhất, vì cá mập vào bờ đụng lưới sẽ đi ra; đồng thời tổ chức lực lượng tuần tra, cứu hộ thường trực để ứng cứu khi cần.

Hiện tượng bất thường

Tiến sĩ sinh học biển Nguyễn Khắc Hường

Cá mập loại lớn liên tục tiến sát vào bờ biển miền Trung gần đây là một hiện tượng bất thường khiến ngư dân và người tắm biển lại càng có cơ sở để lo ngại về sự an toàn.

Trong khi ngư dân đã đánh bắt được 2 con xẻ thịt bán, một số vụ “tai nạn” bị cá cắn trên bãi biển chưa được làm rõ... thì các nhà chuyên môn và ngành chức năng vẫn chưa thể đưa ra một kết luận thấu đáo.

Chỉ trong vòng 1 tháng, từ 4.2 - 5.3.2010, khu vực biển tiếp giáp ở 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định xuất hiện 2 con cá mập “cỡ bự” bị ngư dân vây bắt đem bán. Việc cá mập tiến sát rất gần bờ khiến nhiều người lo lắng.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khu vực biển ở xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) - nơi ông Nguyễn Trong khi hành nghề lưới rê bắt được con cá mập trắng lớn nặng hơn 1 tấn vào sáng 4.2 là bãi ngang, hầu như không có rạn đá. Chuyên gia Viện Hải dương học (VNIO) khẳng định loài cá này phân bố phổ biến ở Đại Tây Dương, vùng biển châu Úc và được ghi nhận có ở vùng biển Ấn Độ - tây Thái Bình Dương, gồm cả biển Đông. Con non dưới 3m phân bố chủ yếu ở vùng nước nhiệt đới.

Trong khi đó, xung quanh khu vực biển Hòn Đất, P.Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (Bình Định) - nơi con cá mập nhám nặng hơn nửa tấn dính câu của ông Trần Văn Đực vào sáng 5.3 có nhiều rạn đá ngầm. Trước khi bị dính câu, người dân địa phương từng nhìn thấy con cá lởn vởn ven các rạn đá nên phập phồng nỗi lo bị tấn công.

Sau khi Thanh Niên phản ánh về tình trạng không có trạm cứu hộ dọc bờ biển Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đã giao UBND TP Quy Nhơn phối hợp với các khách sạn ven biển khẩn trương tiến hành lập các trạm cứu hộ nhằm kịp thời giúp đỡ người tắm biển khi có tình huống bất trắc xảy ra.

Địa điểm 2 con cá mập bị bắt chỉ cách nhau chừng 5 km tính theo đường chim bay.

Từ nhiều năm trước, rất nhiều ngư dân ở các làng chài huyện Hoài Nhơn và một số xã bán đảo ở TP Quy Nhơn (Bình Định); TP Tuy Hòa và huyện Đông Hòa (Phú Yên)... hành nghề bắt cá mập (cách gọi chung của ngư dân trong nghề). Một số người đánh bắt gần bờ (thường chỉ bắt loại cá nhám nhỏ), còn lại phải ra khơi xa nếu muốn đánh bắt loài cá mập trọng lượng lớn. Cách đánh bắt thường sử dụng lưới giã cào, lưới cản hoặc câu giăng... Khi nguồn lợi đánh bắt không đảm bảo, nghề này mai một dần. Hiện vẫn còn một bộ phận ngư dân tiếp tục theo nghề, ra khơi vào độ tháng 3 - 4 âm lịch, nhưng số lượng cá bắt được không nhiều. Điển hình như ngư dân Trần Văn Chạy (49 tuổi, ở TP Quy Nhơn) trong năm 2008 chỉ bắt được 4 con cá nhám, trong đó có con nặng hơn 1 tạ ở ngoài khơi vùng biển Quy Nhơn.

Lúng túng

Hiện tại ở Việt Nam chưa có đề tài nghiên cứu chuyên sâu về cá mập, chỉ mới nghiên cứu về thành phần loài, khu vực phân bố sơ bộ...
(PGS-TS Võ Sĩ Tuấn - Phó viện trưởng VNIO)

Hiện tượng cá cắn một số người tắm biển ở Quy Nhơn vừa qua và việc liên tục xuất hiện cá mập gần bờ ở biển miền Trung rất cần sự vào cuộc nghiên cứu của các chuyên gia để kết luận cụ thể và đưa ra cảnh báo an toàn cho người dân. Song các chuyên gia và ngành chức năng khá lúng túng với lý do “cá mập chưa từng được bắt gặp ở vùng biển ven bờ Việt Nam”.

Cho đến thời điểm này, chuyên gia của VNIO chỉ mới đưa ra lý giải về hiện tượng cá mập trắng lớn “lạc” vào vùng biển Phú Yên là có thể do nó đã rất yếu nên bị trôi dạt vào bờ. Riêng trường hợp con cá mập nhám “lạc” vào vùng biển Bình Định (tiếp giáp với biển Phú Yên), các chuyên gia chưa kịp tiếp cận mẫu vật để xác định giống loài làm cơ sở nghiên cứu thì nó đã bị... xẻ thịt! Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định nhận định rằng, có thể nó chỉ là cá thể “lạc” vào gần bờ do bị tác động của biến đổi khí hậu, chứ không phải tìm vào bờ để kiếm mồi.

Xác định được cá thể hay bầy đàn đối với riêng loài cá mập ở vùng biển miền Trung là điều rất cần thiết, nhưng trên thực tế đây là vấn đề nan giải. Theo một cán bộ ngành thủy sản, nếu khảo sát bằng mắt thường trực tiếp trên biển sẽ mất rất nhiều thời gian. Sử dụng thiết bị tầm ngư cũng không đạt hiệu quả cao vì nó chỉ phát hiện được đàn cá chung chung và không phân biệt được cá thể, giống loài. Ngành chức năng 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên vì thế vẫn đang “theo dõi tình hình”. Do không đủ cơ sở kết luận về hiện tượng cá mập nên cũng chưa thể đưa ra giải pháp cụ thể nào.

Liên quan đến nghi vấn có phải loài cá mập đã di chuyển môi trường sinh trưởng vào gần bờ do biến đổi khí hậu, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn - Phó viện trưởng VNIO cho biết: “Để khẳng định đúng sai thế nào thì phải có cơ sở khoa học”. “Chúng tôi đang dự kiến xây dựng và đăng ký đề tài nghiên cứu về cá mập. Nếu được phê duyệt thì sang năm 2011 mới có thể vào cuộc”, ông Tuấn cho biết thêm.  

Phòng chống cá mập tấn công

Theo tạp chí National Geographic News, sau hàng loạt vụ cá mập tấn công người tắm biển vào thập niên 1950 và 1960, nhiều hệ thống lưới bảo vệ đã được lắp đặt tại các khu nghỉ mát dọc bờ biển của tỉnh KwaZulu Natal ở Nam Phi. Những chiếc lưới này đã giúp giảm đến 90% số lượng các vụ cá mập tấn công, bình quân bắt được 1.245 con cá mập mỗi năm. Tuy nhiên, những chiếc lưới này không chỉ bẫy cá mập tấn công người mà còn dính cả cá heo, cá đuối và rùa... Điều này khiến các nhà nghiên cứu sinh vật biển lo ngại, dù rằng Ủy ban Phụ trách vấn đề cá mập của KwaZulu Natal chỉ cho giăng lưới 20 ngày mỗi tháng cũng như thả tất cả những loài sinh vật biển còn sống, đánh dấu cá mập cùng một số loài cá đuối, và đưa cá mập chết về phòng thí nghiệm để nghiên cứu.

Tại Úc, quân đội và chính quyền bang New South Wales từ tháng 9.2009 đã bắt đầu thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn cá mập sau hàng loạt vụ cá mập tấn công tại đây. Theo báo Sydney Morning Herald, chính quyền bang này đã giới thiệu cơ sở dữ liệu mới được thiết kế nhằm thúc đẩy nghiên cứu về số lượng, kích cỡ và dòng di chuyển của cá mập. Nhà chức trách New South Wales cũng bắt đầu theo dõi lưới cá mập được tái lắp đặt tại 51 bãi biển từ ngày 1.9.2009 bằng hệ thống định vị toàn cầu để giúp ngăn chặn việc gây hại cho các loài sinh vật biển khác. Một chương trình đánh dấu cá mập và rùa cũng được khởi động và lưới cá mập được kiểm tra 3 ngày một lần, thay vì 4 ngày như trước đây. Hải quân Úc cũng đưa ra nhiều biện pháp mới, bao gồm sử dụng thiết bị điện tử để đuổi cá mập, nâng cấp các cơ sở y tế và một công cụ mới phát hiện sự hiện diện của cá mập.

Xu hướng chung của những biện pháp được các nước trên thực hiện là nhằm giảm nguy cơ cá mập tấn công người, chứ không bắt giết cá mập.

Do chưa có cách thức nào loại trừ hoàn toàn nguy cơ cá mập tấn công, ông George H.Burgess - chuyên gia nghiên cứu về cá mập tại Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên thuộc Đại học Florida (Mỹ), đã đưa ra một số lời khuyên như sau: tránh xuống biển vào lúc bình minh, hoàng hôn hoặc ban đêm, thời điểm cá mập có xu hướng đi kiếm mồi; tránh những khu vực cá mập hay xuất hiện, chẳng hạn như vùng nước tối; tránh để chảy máu; không bơi một mình mà luôn ở gần một nhóm người; tuân thủ các yêu cầu của nhân viên cứu hộ và những người có trách nhiệm khác...

Trùng Quang

Đình Phú - Xuân Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.