Mấy ngày qua, có những lúc có gần 200 điểm cháy trong khu vực rừng trên toàn quốc. Trong khi đó, việc chiến đấu với “giặc lửa” chủ yếu vẫn bằng phương pháp thủ công: phát rừng để tạo đường băng khoanh đám cháy, dùng cành cây dập lửa...
Hôm qua 9.3, ông Hà Công Tuấn - Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) đã trao đổi với phóng viên Thanh Niên xung quanh công tác phòng, chữa cháy rừng. Ông Tuấn nhận định:
- Năm nay tình hình khô hạn quá căng thẳng. Nhiều khu vực liên tục hứng chịu các đợt nắng nóng trái mùa kéo dài. Mực nước trên các sông suối đều ở mức rất thấp. Nguy cơ cháy rừng trên diện rộng, nhiều khu vực nằm trong danh sách báo động đỏ. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn chưa có ý thức phòng cháy rừng, tình trạng đốt nương làm rẫy, đốt thực bì để lấy cỏ phục vụ chăn nuôi. “Mùa” cháy rừng năm nay dự báo sẽ kéo dài hơn mọi năm. Trong đó, cao điểm nhất là từ nay đến khoảng 20.4.
Chữa cháy rừng, 1 người chết Chiều qua 9.3, ông Lê Trọng Quảng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, chiều cùng ngày, các lực lượng chữa cháy đã cơ bản dập tắt các đám cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Theo ông Quảng, tại xã Ma Ly Pho (H.Phong Thổ), trong khi tham gia chữa cháy rừng, một người dân đã bị chết do đá lăn trúng người, rơi xuống vực. |
- Đúng là dùng biện pháp thủ công để chiến đấu với đám cháy là rất khó khăn. Nhưng cháy lớn với điều kiện rừng núi hiểm trở, chúng ta cũng không thể dùng bàn dập cơ giới được, động cơ sẽ bị vướng khi di chuyển trong rừng. Cho nên, dùng các phương pháp thủ công, kể cả dùng các cành cây để dập lửa cũng đem lại hiệu quả. Không phải chỉ có nước ta áp dụng mà nhiều nước trên thế giới cũng đang làm như vậy.
* Liệu chúng ta có trang bị thêm các thiết bị chữa cháy rừng hiện đại, nhất là sử dụng máy bay để dập tắt các đám cháy?
- Chúng tôi đang triển khai dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy giai đoạn 1. Bộ NN - PTNT đã đề nghị Chính phủ tiếp tục cho thực hiện giai đoạn 2 của chương trình này, kéo dài từ năm 2011 - 2015. Tôi tin Chính phủ sẽ đồng ý phê duyệt. Giai đoạn 2 của chương trình sẽ bao gồm tất cả các giải pháp, trong đó có những biện pháp cảnh báo, đào tạo nâng cao năng lực và xây dựng đội ngũ phòng cháy chữa cháy, có tính đến khả năng sử dụng thiết bị từ trên không. Trong giai đoạn 1, chúng ta đã mua 3 máy bay trực thăng, vừa thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn vừa chữa cháy rừng. Về lâu dài, ở những khu vực trọng điểm cháy, chúng ta phải xây dựng các dự án quản lý cháy rừng bền vững giống như đã thực hiện ở khu vực U Minh Thượng, U Minh Hạ. Ngoài ra, phải tăng cường trang thiết bị, trước hết là thông tin và thiết bị chữa cháy.
|
Tôi đã đi tham quan một số nước có phương pháp chữa cháy trên không bằng máy bay. Úc có 30 phi đội bay như thế, Thái Lan có 20 máy bay trực thăng chữa cháy rừng. Họ có lực lượng mạnh như vậy nhưng vẫn khẳng định chữa cháy mặt đất là quan trọng, đề phòng là cơ bản. Là người quản lý, tôi mong muốn có được một lực lượng phòng cháy chữa cháy hùng hậu, mạnh mẽ, đảm bảo an toàn hơn trong chữa cháy. Tuy nhiên, việc có nên trang bị và sử dụng máy bay chữa cháy hay không trong những năm tới cần phải tính toán, cân nhắc kỹ. Nước ta còn nghèo, dân sống trong khu vực rừng nhiều, địa hình đồi núi phức tạp...
Theo tôi biết, mỗi phi đội bay chữa cháy tối thiểu phải có 3 máy bay chuyên dụng chữa cháy, giá mỗi chiếc lên tới 20 - 30 triệu USD, kèm theo hai máy bay trực thăng nữa, một chiếc trinh sát chỉ huy và một máy bay đổ quân xuống hiện trường. Muốn chữa được những vụ cháy như tại Hoàng Liên vừa qua thì phải có nhiều phi đội bay. Do vậy, các bạn cũng đều khuyên là điều kiện Việt Nam còn nghèo, dân sống xen trong rừng rất nhiều, nên đầu tư ngay trong một vài năm tới là khó. Phải xử lý ở mặt đất là chính, phòng là căn bản.
* Tại sao vệ tinh đã phát hiện sớm các điểm cháy nhưng chúng ta không thể dập tắt kịp thời, để đám cháy lan rộng?
- Đúng là qua ảnh vệ tinh chúng ta đều biết được các điểm cháy một cách kịp thời. Tuy nhiên, phát hiện đám cháy mà dập tắt ngọn lửa được ngay hay không thì lại là câu chuyện thực tiễn của chúng ta. Nếu ai đó đã đến hiện trường các đám cháy rừng sẽ chia sẻ hơn với anh em địa phương. Ví dụ ở Hoàng Liên (Lào Cai), khi phát hiện điểm cháy, từ Sapa chúng ta cơ động mất 5 tiếng đồng hồ mới tiếp cận được đám cháy. Ở Tà Sùa (Lai Châu) dù đã dùng xe chuyên dụng, đưa lực lượng đến nơi xe không thể chạy được nữa, mọi người đi bộ vào chữa cháy cũng phải mất 8 - 10 tiếng mới tới nơi. Cháy rừng tại vùng núi cao trong điều kiện thời tiết khô hanh, không giống như cháy ở đồng bằng và trong đô thị. Cháy nhà trong đô thị cũng phải mất 10 - 15 phút sau lực lượng cứu hỏa mới có mặt tại hiện trường. Không phải lúc nào chúng ta cũng chuẩn bị được đội quân đông đảo trực chiến ở các cánh rừng, mà chỉ có anh em trực thôi. Khi cháy xảy ra, 5 - 10 tiếng lực lượng chữa cháy mới có mặt, đám cháy lan rộng cũng là điều không khó để giải thích.
* Thưa ông, hiện chúng ta đang áp dụng chi trả cho người dân tham gia chữa cháy rừng với mức 25 ngàn đồng/người/ngày. Mức này liệu có khuyến khích được người dân?
- Hiện nay, chế độ thanh toán trong trường hợp huy động người dân tham gia chữa cháy rừng đã được quy định trong một số nghị định và thông tư, trong đó nếu theo Thông tư số 62 thì chỉ có 25 ngàn đồng/người/ngày. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang triển khai thực hiện thông tư mới, mức chi trả sẽ cao hơn.
Vừa qua, chúng ta huy động đồng bào chữa cháy tại Hoàng Liên nhưng đến nay bà con cũng chưa được nhận một xu nào cả. Trong các vụ cháy rừng vừa qua, có mặt tại hiện trường, tôi nhận thấy chỉ cần chính quyền huy động, bà con cũng sẵn sàng đi cứu rừng. Thậm chí, những ngày xảy ra cháy rừng Hoàng Liên ở Lào Cai, đồng bào đã tự nguyện đem tặng các lực lượng chữa cháy 6 - 7 ngàn cái bánh chưng, cả tạ giò và trong 2 tiếng đồng hồ đã huy động được trên 2.000 chiếc dao phát để bộ đội phát rừng tạo đường băng ngăn lửa cháy lan. Bà con mình không tính toán thiệt hơn đâu. Họ đều vì lợi ích chung. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể để bà con chịu thiệt, phải tính toán để chi trả đầy đủ cho người dân.
Theo Cục Kiểm lâm, Bộ NN-PTNT, đến chiều 9.3 cả nước vẫn còn 22 tỉnh đang trong tình trạng báo động đỏ về nguy cơ cháy rừng cực kỳ nguy hiểm (cấp 5), gồm: An Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cao Bằng, Cà Mau, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đắk Nông, Gia Lai, Hòa Bình, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Sơn La, Tây Ninh và Yên Bái. 24 địa phương có các khu rừng báo động cấp 4 - cấp nguy hiểm: Bình Định, Điện Biên, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum, Long An, Lai Châu, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Phúc và Yên Bái. |
Sử dụng máy bay |
|
Sự phát triển của ngành hàng không đã giúp con người có thêm một lựa chọn rất hữu ích trong hoạt động chữa cháy, đặc biệt là dập tắt cháy rừng. Việc chữa cháy được thực hiện bằng cả trực thăng lẫn máy bay phản lực. Máy bay sẽ hút nước vào các thùng chứa rồi bay lên cao và xả nước xuống đám cháy. Trong nhiều trường hợp, nước được thay thế bằng chất làm chậm cháy. Thủy phi cơ - chẳng hạn như các thế hệ máy bay Beriev của Nga - đặc biệt hữu ích trong việc chữa cháy. Những chiếc máy bay này chỉ cần một mặt hồ có độ rộng tương đối, một đoạn sông lớn không chảy quá xiết là có thể đáp xuống “uống” đầy nước rồi bay lên và xả ra. Ngoài nhiệm vụ xả nước dập tắt lửa, máy bay cũng có thể làm công tác cứu hộ, phát hiện điểm cháy trong các đợt cháy rừng. Máy bay có rất nhiều lợi thế khi chữa cháy, như tốc độ nhanh, có thể tiếp cận các điểm cháy trên núi cao, ở khu vực địa hình phức tạp.
Những trận cháy nghiêm trọng đôi khi thu hút sự tham gia của lực lượng máy bay đến từ hàng chục nước. Trong đợt cháy rừng kéo dài từ tháng 6 tới tháng 8 tại Hy Lạp, máy bay của Nga, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel cùng hàng loạt quốc gia châu u đã tham gia chữa cháy. Trong các trận cháy rừng và cây bụi kéo dài tại California (Mỹ) vào các năm 2007 và 2008, bang Victoria (Úc) năm 2009, máy bay cũng đóng một vai trò lớn trong việc giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra. Ở các nước giàu như Mỹ, Úc, việc huy động một lực lượng máy bay lớn là điều có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Trong các đợt cháy lớn ở những nước ít giàu hơn như Hy Lạp, sự hỗ trợ tình nguyện của quốc tế cũng có thể giúp huy động được một số lượng máy bay lớn để khống chế hỏa hoạn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng việc chữa cháy bằng máy bay là “sản phẩm độc quyền” của nước giàu. Các nước đang phát triển cũng có thể thực hiện được phương pháp này bằng lực lượng máy bay của mình hoặc thuê từ nước ngoài. Chẳng hạn như vào tháng 10.2006, Indonesia đã thuê 2 chiếc thủy phi cơ Beriev Be-200ES của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga trong vòng 45 ngày để chữa cháy. Mỗi chiếc máy bay có thể “uống” 12 tấn nước mỗi lần đáp xuống. Theo hãng tin Antara, giá thuê hai chiếc này trong một tháng rưỡi là 5,2 triệu USD. Đây là một khoản tiền rất lớn, nhưng để bảo vệ những cánh rừng vô giá, và cả sinh mạng con người, thì việc bỏ tiền ra thuê cũng đáng đồng tiền bát gạo. Nga cũng như nhiều nước khác hiện có một lực lượng máy bay chữa cháy khá hùng hậu để làm nhiệm vụ trong nước, quốc tế cũng như cho thuê. Một sự liên hệ, trong các đợt cháy rừng nghiêm trọng ở các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lai Châu... của Việt Nam mới đây, sẽ rất hữu ích nếu có sự tham gia của máy bay, các loại thủy phi cơ của Nga chẳng hạn. Thử hình dung: những chiếc thủy phi cơ Beriev Be-200 đáp xuống lòng hồ Hòa Bình hoặc Thác Bà, hút đầy nước và bay tới xả xuống các đám cháy. C.M.L |
Quang Duẩn
(thực hiện)
Bình luận (0)