Khởi tố vụ án cháy chung cư 18 tầng ở Hà Nội
Vụ hỏa hoạn xảy ra ở chưng cư 18 tầng, vào tối ngày 10.3, khiến hàng vạn người dân sống ở các chung cư cao tầng Hà Nội lo lắng.
Hôm qua, Công an quận Thanh Xuân chính thức vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ cháy, gây ra cái chết thương tâm cho hai mẹ con chị Vương Lan Phương ở tầng 18, tòa nhà JSC 34, khu vực gần ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, Q.Thanh Xuân, Hà Nội. Để phục vụ điều tra, tất cả các văn phòng nằm trong tòa nhà phải tạm ngừng hoạt động, cư dân trong tòa nhà được phép ra vào nhưng bị hạn chế.
"Ai đó đã vứt vật bắt lửa vào đống rác"
Tiếp cận hiện trường, PV Thanh Niên chứng kiến, khắp nơi bê bết bụi khói và tàn tro, các đồ vật đã bị lửa thiêu, mùi khét lẹt xộc lên mũi. Tại khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của vụ cháy, từ tầng 16-18, ống nước, dụng cụ cứu hỏa, dép guốc, đồ đạc... vương vãi khắp nơi. Các hành lang phủ một lớp tàn tro đen kịt. Nhiều căn hộ, muội than len lỏi vào bên trong, bám dày đặc lên tường và các đồ dùng, vật dụng.
|
Hầu hết các công trình khi thi công đều được cơ quan PCCC thẩm duyệt và nghiệm thu. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, hệ thống chữa cháy bị hư hỏng, xuống cấp nhưng ban quản lý tòa nhà không quan tâm duy tu sửa chữa.
|
|
Thượng tá Nguyễn Đình Bính
|
Căn hộ 1810, nơi ở của hai mẹ con chị Phương (SN 1967) cửa đóng kín, người nhà của hai nạn nhân xấu số bị tử nạn vẫn đang ở viện để lo việc mai táng. Nhân viên bảo vệ tầng 18 cho biết, khi lực lượng cứu hỏa tiếp cận hiện trường đã phát hiện chị Phương và con trai ngất xỉu ở ngoài hành lang. Theo nhận định của nhân viên này, khi xảy ra cháy, do thấy khói bao trùm khắp nơi, chị Phương đã bế con trai tìm cửa thoát hiểm nhưng do lớp khói dày đặc nên hai mẹ con không qua được.
Từ tầng 1 tòa nhà, chúng tôi đã tiếp cận được với nơi ngọn lửa bắt đầu phát ra, đó là một đường ống dẫn từ tầng 1 lên tầng 18, qua mỗi tầng đều có một cửa để người dân sinh sống tại đấy bỏ rác xuống. Từ tầng 16 trở lên, toàn bộ cửa để bít ống đổ rác đã cháy rụi, trơ khung. Cư dân ở đây vẫn chưa hoàn hồn sau vụ cháy.
|
Hành lang tầng 18 phủ một lớp bụi than dày - Ảnh: Thái Sơn |
Một lãnh đạo của Phòng Cảnh sát PCCC (PC 23), Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan này đang phối hợp cùng Công an quận Thanh Xuân, điều tra nguyên nhân vụ việc. Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, đám cháy là do ai đó đã vứt vật bắt lửa vào đống rác, đó có thể là tàn thuốc, than tổ ong, hoặc là tàn cháy của vàng mã. Tuy nhiên để điều tra thủ phạm không đơn giản, vì tòa nhà có tới trên 150 hộ dân sinh sống.
|
Cửa bịt đường ống dẫn rác cháy rụi |
Hôm qua, Công an quận Thanh Xuân cũng đã khởi tố vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" để điều tra vụ cháy. Cơ quan điều tra đang tập trung làm rõ, vì sao các thiết bị trong đường ống đổ rác, cửa bít ống đổ rác lại bị cháy rụi, trong khi đó, về nguyên tắc, các vật dụng này phải làm bằng chất chống cháy.
2/3 số nhà cao tầng chưa thể yên tâm
Thượng tá Nguyễn Đình Bính, Phó phòng PC 23 cho biết, Hà Nội hiện có 364 tòa nhà cao tầng (theo tiêu chí nhà có 10 tầng trở lên) được sử dụng làm chung cư, hoặc hỗn hợp nhà ở, văn phòng... trong đó có 46 tòa nhà dành cho tái định cư.
Đợt kiểm tra mới nhất của PC 23 kết thúc vào cuối tháng 12.2009 cho thấy, hàng loạt chung cư cao tầng có vấn đề về hệ thống PCCC. "Tại nhiều tòa nhà, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát hiểm tắc tị. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ tòa nhà không được huấn luyện đầy đủ về nghiệp vụ PCCC, khi có việc thì lúng túng như gà mắc tóc", thượng tá Bính cho biết.
Đáng lưu ý là ý thức chấp hành PCCC của người dân trong tòa nhà cao tầng rất kém, có nơi thì lấn chiếm hành lang thoát hiểm để xếp đồ của gia đình, có nơi đốt vàng mã ra hành lang, đổ cả tro, than đang cháy vào hệ thống chứa rác chung...
Năm ngoái đã có ít nhất 2 vụ cháy xảy ra tại các nhà cao tầng do những nguyên nhân về ý thức kể trên, gồm vụ cháy chung cư cao tầng ở số 25 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa và vụ cháy nhà chung cư CT4, khu đô thị Mễ Trì Hạ, thuộc huyện Từ Liêm. Cũng theo PC 23, tại nhiều tòa nhà, người dân cho thuê làm văn phòng công ty, mật độ người trong tòa nhà quá lớn đã ảnh hưởng đến việc thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Việc thay đổi công năng, sử dụng nhiều thiết bị điện, dẫn đến quá tải, gây chập cháy...
Trong khi đó, theo lãnh đạo PC 23, với trang thiết bị hiện tại, việc cứu hỏa chỉ phát huy hiệu quả từ tầng 10 trở xuống, cứu hộ từ tầng 16 trở xuống. Các tầng trên cao, phụ thuộc vào các thiết bị cứu hỏa tự động. Nhưng, số liệu của PC 23 lại cho biết, chỉ có 103 nhà cao tầng có hệ thống chữa cháy tự động bằng nước và 20 nhà có hệ thống chữa cháy tự động bằng bột. Tức khoảng 1/3 tòa nhà có thể an tâm khi cháy ở trên cao.
"Trước những nguy cơ trên, PC 23 đã nhiều lần cảnh báo thông qua phương tiện thông tin đại chúng, và gần đây nhất, cuối tháng 1.2010 PC 23 đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề nghị xây dựng thêm các chế tài về PCCC tại các tòa nhà cao tầng, đồng thời tăng cường xử lý các tòa nhà không chấp hành quy định PCCC", thượng tá Bính cho biết.
Hàng loạt nhà cao tầng ở TP.HCM vi phạm PCCC
Chiều qua, PV Báo Thanh Niên có cuộc phỏng vấn đại tá Lê Tấn Bửu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM. Đại tá Bửu cho biết:
- Theo thống kê, trên địa bàn TP.HCM có 189 nhà cao trên 10 tầng. Trong những năm gần đây, tình hình cháy nổ xảy ra rất phức tạp, nhiều vụ cháy đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trên địa bàn cũng đã từng xảy ra một số vụ cháy chung cư, cao ốc cho thuê, trung tâm thương mại. Nguyên nhân chính dẫn đến cháy chủ yếu là do vi phạm về quy định an toàn điện (chiếm 70%) và do sơ suất sử dụng lửa trần (chiếm 30%).
|
Không ít nơi vẫn còn tồn tại một số vi phạm về hệ thống tăng áp buồng thang và thông gió, hút khói; vi phạm chống cháy lan giữa các hộp kỹ thuật; vi phạm quản lý các chất nguy hiểm cháy nổ; vi phạm về quản lý hệ thống điện…
|
|
|
* Vụ cháy tại chung cư Hà Nội xuất phát từ bô rác, vậy theo quy định PCCC tiêu chuẩn kỹ thuật của bô rác chung cư như thế nào mới đảm bảo?
- Nếu vụ cháy tại Hà Nội xuất phát từ bô rác (được thiết kế có chung một đường ống chứa rác - PV) thì khói sẽ tụ nhiều tại tầng trên cao và nhiệt độ tại các tầng này sẽ rất cao dẫn đến nguy hiểm. Chính vì vậy, các chung cư được xây dựng sau 1996 tại TP.HCM đều phải tuân thủ nghiêm quy định: bên trong đường ống chứa rác chung phải được xây dựng bằng vật liệu chống cháy, gắn hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; cửa mở bỏ rác vào đường ống phải là vật liệu chống cháy, kín không cho khói lọt ra...
|
Chữa cháy tại Q.5 - Ảnh: Đàm Huy |
* Theo đại tá, tại TP.HCM hiện nay công tác PCCC, cứu hộ và cứu nạn tại các nhà cao tầng có đảm bảo?
- Mặc dù công tác PCCC đã được ban quản lý các cao ốc văn phòng, chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại cố gắng triển khai thực hiện góp phần làm giảm nguy cơ xảy ra cháy, tuy nhiên qua thực tế kiểm tra, không ít nơi vẫn còn tồn tại một số vi phạm về hệ thống tăng áp buồng thang và thông gió, hút khói; vi phạm chống cháy lan giữa các hộp kỹ thuật; vi phạm quản lý các chất nguy hiểm cháy nổ; vi phạm về quản lý hệ thống điện; thiếu đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn lối thoát nạn; về trang bị hệ thống PCCC; vi phạm hành lang thoát nạn; công tác quản lý PCCC...
Trong đó vi phạm về hệ thống tăng áp buồng thang và thông gió, hút khói là phổ biến nhất hiện nay vì nhiều nhà cao tầng xây dựng trước năm 1996, khi chưa có tiêu chuẩn nhà cao tầng, nên không tính đến việc lắp đặt 2 hệ thống này. Nhưng nếu không sớm khắc phục thì khi xảy ra cháy sẽ thiệt hại lớn về người do không thoát được qua cầu thang.
* Với các tòa nhà cao hơn 20 tầng ở TP.HCM hiện nay, khi xảy ra sự cố thì lực lượng PCCC sẽ phản ứng như thế nào?
- Thực ra, việc sử dụng xe thang để chữa cháy, cứu hộ cứu nạn chỉ là yếu tố tăng thêm sự an toàn bởi vì bản thân nhà cao tầng ngay từ khi xây dựng, công tác trang bị phương tiện chữa cháy, lối thoát hiểm... phải được đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố cháy. Cụ thể: xây dựng các lối thoát hiểm đủ cho số lượng con người đang ở, làm việc tại đó; có phương tiện chữa cháy... Nhà từ 10 tầng trở lên phải có cầu thang máy riêng (sử dụng nguồn điện riêng) dành cho lực lượng PCCC chữa cháy (cũng có thể linh động sử dụng để cứu người tùy theo mỗi trường hợp) hoặc phải có hệ thống nạp nước (liên thông với hệ thống chữa cháy vách tường tự động) khi lực lượng PCCC đi bằng hệ thống thang máy riêng đến tầng nào đều có thể lấy nước từ lầu đó chữa cháy...
* Có dư luận cho rằng, Sở PCCC chỉ tập trung thực hiện diễn tập PCCC cứu hộ cứu nạn tại các cao ốc, khách sạn vì họ có kinh phí, còn không ít chung cư không có kinh phí nên không dám nghĩ đến việc diễn tập?
- Việc diễn tập PCCC, cứu hộ cứu nạn mang lại nhiều cái lợi như: tạo ý thức cho người dân sống và làm việc tại nơi đó; qua đó kiểm tra khả năng chữa cháy, phương tiện chữa cháy tại chỗ (nếu phát hiện sai sót thì yêu cầu khắc phục); nếu phối hợp nhuần nhuyễn thì khi xảy ra sự cố sẽ ít xảy ra thiếu sót; rút ra được nhiều kinh nghiệm... Theo quy định, các công trình, cơ sở đều phải lập phương án diễn tập PCCC, cứu hộ cứu nạn mỗi năm một lần. Có thể kết hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp hoặc tự diễn tập dưới sự chứng kiến của Sở PCCC. Trong các đợt diễn tập, lực lượng PCCC chuyên nghiệp thường chú ý đến khả năng cứu người và khả năng chữa cháy tại chỗ. Còn việc phối hợp với đơn vị nào thực hiện diễn tập đó là quy định, không tốn chi phí. Nếu đơn vị nào chủ động lên phương án phối hợp xin liên hệ với Sở PCCC để thực hiện. Hằng năm, Sở PCCC cũng đều phối hợp với nhiều chung cư, trường học... thực hiện diễn tập chứ không chỉ khách sạn, cao ốc cho thuê.
* Ông có thể cho biết rõ hơn về các quy định về PCCC tại các nhà cao tầng?
- Hiện tòa nhà nào được xây dựng từ 25m (tương đương cao khoảng 10 tầng) đến 100m (tương đương cao khoảng 30 tầng) sẽ được áp dụng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6160:1996 "Phòng cháy, chữa cháy - nhà cao tầng yêu cầu thiết kế". Nếu nhà cao tầng trên 100m sẽ được áp dụng theo tiêu chuẩn của nước ngoài nhưng tiêu chuẩn của nước ngoài được áp dụng vào tòa nhà này phải bằng hoặc hơn so với tiêu chuẩn của Việt Nam. Đối với các nước phát triển trên thế giới, họ có sử dụng trực thăng để làm phương tiện chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội, Sở PCCC cũng đang nghiên cứu đề xuất lãnh đạo trong tương lai gần trang bị trực thăng để công tác cứu hộ cứu nạn sẽ được tốt hơn. Đồng thời các bộ ngành khác cũng nên tính toán đến phương án nhà bao nhiêu tầng theo quy định bắt buộc phải có chỗ đậu trực thăng trên sân thượng, nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
* Xin cảm ơn đại tá!
Đàm Huy - Lê Nga (thực hiện)
|
7 người chết trong một vụ cháy kinh hoàng
Vào khoảng 3 giờ sáng hôm qua, một đám cháy lớn bùng phát tại DNTN Siêu Vĩnh Lợi, thuộc khu dân cư Bình Thuận 2, xã Thuận Giao, H.Thuận An (Bình Dương) đã thiêu chết 7 người.
Ngọn lửa bùng phát từ căn nhà (dạng biệt thự) được DNTN Siêu Vĩnh Lợi (do chị Nguyễn Thị Kiều, 34 tuổi, quê Thái Bình làm chủ) đặt làm trụ sở. Phía sau, bà Kiều cho xây dựng một nhà xưởng bằng khung thép, vách tôn dùng để sản xuất và gia công bàn ghế làm bằng chất liệu nệm mút. Do trong căn nhà và kho xưởng (toàn bộ diện tích rộng 450m2) chứa đầy nệm mút, vải sợi… nên khi ngọn lửa bén vào, bùng phát lên dữ dội.
|
Công an tỉnh Bình Dương khám nghiệm hiện trường vụ cháy - Ảnh: H.Tuấn
|
Vụ hỏa hoạn xảy ra trong khu dân cư đã làm cho hàng trăm người dân hoảng hốt, chỉ kịp ôm con lao ra khỏi nhà để thoát thân. Một người dân đối diện căn biệt thự bị cháy, vẫn còn bàng hoàng: "Ngọn lửa cao ngút, mùi hôi của hóa chất nệm mút bốc lên nồng nặc, tôi chỉ kịp bế hai đứa nhỏ chạy ra khỏi nhà". Ông Lê Thành Nhân, ở phía sau nhà xưởng kể lại: "Lúc đó tôi đang ngủ say thì phát hiện một sức nóng khủng khiếp phía sau tạt vào, đồng thời nghe rất nhiều tiếng người kêu cứu. Tôi chỉ kịp chạy xuống bếp, lấy vội cây búa nhảy qua hàng rào cùng với một thanh niên khác tìm cách cạy tấm tôn để cứu người. Nhưng chỉ 5 phút sau, thì tiếng kêu cứu tắt lịm, đồng thời sức nóng tràn đến, tôi đành bất lực trở về nhà, đưa hai đứa con thoát ra ngoài".
Nhà ông Nhân cách nhà xưởng 2m, nhưng sức nóng đã làm hỏng 2 bồn nhựa (loại 1.000m3) đang chứa nước. Cạnh đó, khoảng 100 người đang sinh sống trong 27 phòng trọ của ông Nhân cũng hoảng loạn, chen nhau để thoát thân. Tại hiện trường, những thanh thép làm kho xưởng đều bị uốn cong, tất cả căn nhà và kho xưởng cùng với 2 ô tô bị cháy hoàn toàn.
Khoảng 15 phút sau vụ cháy, Phòng Cảnh sát PCCC Công an Bình Dương mới có mặt tại hiện trường. Một cán bộ cho biết: "Lúc bấy giờ, toàn bộ khu nhà xưởng đang bốc cháy dữ dội. Chúng tôi phải dùng xe thang dập lửa và đột nhập vào nhà từ trên xuống vì toàn bộ các cửa ra vào đã bị khóa trái. Khi vào bên trong, đã phát hiện 7 xác người bị chết cháy, gồm 1 người ở ngay cửa thông giữa căn nhà và xưởng, 2 người ở bên hông nhà gần sát vách tường và 4 người ở khu vực gần phía sau kho xưởng. Trong số đó, có một xác chết trong tư thế còn ôm lấy đứa con nhỏ trong tay.
Nạn nhân này được xác định là chị Kiều và đứa con trai Lê Đức Anh Tài mới 5 tháng tuổi". Một nạn nhân khác chết trong tư thế tay đang nắm chặt chùm chìa khóa. Những nạn nhân còn lại cũng là người thân quen với chị Kiều gồm Phạm Thị Luyện (66 tuổi, mẹ ruột bà Kiều), Đoàn Thị Hồng Nhung (25 tuổi), Trương Văn Phương (22 tuổi), Phạm Thị Hồng (49 tuổi, tất cả quê Thái Bình) và Phạm Thị Huyền (36 tuổi, quê Đắk Lắk).
Đại úy Nguyễn Thanh Điệp, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Bình Dương nhận định: "Có thể do thời điểm xảy ra cháy là gần sáng, nên những người có mặt trong nhà đều đang ngủ. Khi phát hiện cháy thì không kịp thoát ra".
Đến khoảng 6 giờ sáng, ngọn lửa mới được khống chế hoàn toàn. Xác 7 nạn nhân xấu số lần lượt được đưa ra ngoài trong tình trạng cháy đen toàn thân. Hiện Công an tỉnh Bình Dương đang khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Hoàng Tuấn
|
Thái Sơn
Bình luận (0)