Thành quả trên đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc phác thảo bản đồ gien của các loài chim đã bị tiêu diệt vì sự tham lam của con người, dù các nhà khoa học cảnh báo rằng điều này không có nghĩa là một loài đã bị tuyệt chủng có thể được phục hồi theo kiểu Công viên kỷ Jura.
Nhóm nghiên cứu do chuyên gia Michael Bunce thuộc Đại học Perth, khẳng định họ đã cô lập DNA từ màng trong đã được sấy khô trong những vỏ trứng hóa thạch được tìm thấy ở 13 địa điểm ở Úc, Madagascar và New Zealand. Vật liệu di truyền cổ được lấy từ vỏ trứng của moa (Dinornis), loài chim không biết bay có họ hàng với đà điểu với chiều cao 4 mét. Chúng đã bị săn bắt đến mức tuyệt chủng bởi người Maori ở New Zealand vào cuối thế kỷ 18. DNA cũng được trích xuất từ loài chim voi (Aepyornis), cũng là một loài chim chạy như moa và đà điểu. Với chiều cao đến 3 mét, loài chim này bị thực dân châu u diệt sạch ở Madagascar vào năm 1700. Những kết quả đầy khích lệ cũng được ghi nhận từ việc sử dụng vỏ trứng của một loài cú Úc và và một loài vịt New Zealand không rõ niên đại. Mẫu trứng cổ nhất là của emu (Dromaius novaehollandiae), tức đà điểu sa mạc Úc, khoảng 19.000 năm tuổi.
Quy trình được các chuyên gia Úc vận dụng trong công trình trên bao gồm công đoạn nghiền vỏ trứng thành bột, sử dụng các loại hóa chất trong phòng thí nghiệm để trích xuất DNA và phóng đại nó bằng cách sử dụng PCR (phản ứng chuỗi polymerase, hiểu nôm na là một kỹ thuật nhân bản gien nhiều lần), công cụ chuẩn được các chuyên gia pháp y sử dụng để lấy vân tay di truyền. Chuyên gia Bunce cho biết nhóm của ông trích xuất một số lượng rất nhỏ DNA trong mỗi trường hợp, chỉ 250 cặp cơ sở vốn là những “bậc thang” của mã gien, và con số này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong 1% bản đồ gien của loài chim.
Theo nhóm nghiên cứu, thành công trên sẽ cung cấp cho các nhà cổ sinh vật học một cửa sổ mới nhìn vào các sinh vật từng tồn tại trong quá khứ. Cho đến nay, DNA được lấy từ xương chẳng hạn, vốn cung cấp phần lớn bản đồ gien của người Neanderthal, những họ hàng bí ẩn của con người đã biến mất từ hàng chục ngàn năm qua. Vỏ trứng, vốn bị coi nhẹ trong vai trò là vật liệu tiềm năng, lại tỏ ra hết sức mạnh mẽ và hiệu quả trong việc bảo vệ DNA. Chúng là một “ma trận” calcium carbonate cứng chắc và khó bị vi khuẩn xâm nhập hơn so với xương.
Với việc trích xuất được DNA từ vỏ trứng hóa thạch, liệu loài chim moa, chim voi hoặc chim cưu (thuộc bộ bồ câu) - vốn đã bị tận diệt để làm thức ăn và lấy lông làm nón - có thể xuất hiện trở lại? “Chúng tôi có thể tập hợp bản đồ gien để hiểu một loài động vật đã bị tuyệt chủng trông như thế nào. Nhưng phục hồi nó vẫn là chuyện khoa học viễn tưởng”, ông Bunce nói.
Khang Huy
(Theo Physorg)
Bình luận (0)