Làn sóng sách best seller

15/03/2010 09:59 GMT+7

(TNTT>) Thời gian gần đây, cụm từ "best seller" dường như bị lạm dụng và hầu như đầu sách mới nào được trưng bày ở hiệu sách cũng được gắn "mác" best seller. Nhưng thực tế có phải cuốn nào cũng là "best seller"?

Mấy năm qua, thị trường sách VN có rất nhiều những ấn bản dịch từ các sách bán chạy ở nước ngoài với quảng cáo trên bìa “The New York Times Best Seller”, “International Best Seller”, “Best Seller of France”... tuy nhiên theo người viết bài này, cứ nhìn vào những cái quảng cáo như thế để mua sách thì có mà đổ thóc giống ra ăn.

Một best seller được định nghĩa là cuốn sách có lượng độc giả lớn, nằm trong danh mục sách bán chạy nhất theo tuần, theo tháng, theo năm và theo cách tính của một tờ báo hay tạp chí lớn. Tuy nhiên, có cuốn bán chạy được vài tuần đã tịt ngóm và chìm vào quên lãng, nhưng vẫn có mác là sách best seller như thường.

Trên thế giới, người ta đã có một bề dày lịch sử và kinh nghiệm lập danh sách best seller, đã có một bề dày văn hóa sách best seller. Danh sách best seller sách hư cấu lần đầu tiên xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 trên ấn phẩm The Bookman. Năm 1912, Publisher Weekly (PW) bắt đầu công bố danh sách best seller sách không hư cấu. Danh sách The New York Times Book Review được coi là uy tín nhất xuất hiện hằng tuần năm 1942. PW lập danh sách best seller bằng cách khảo sát các nhà sách chọn lọc (cả hệ thống phát hành và các điểm bán lẻ) sau đó dùng công thức để đánh giá, xác định những sách bán chạy. The New York Times (NYT) xác định thứ hạng best seller bằng cách lấy phiếu của hàng trăm nhà sách độc lập (đại diện cho khoảng 2.000 điểm bán sách tổng hợp trên toàn nước Mỹ), sau đó tất cả số liệu được máy tính xử lý với chương trình thống kê để biết số sách bán ra hằng tuần, xếp hạng các đầu sách cho 9 danh sách best seller.

Best seller ban đầu là thuật ngữ chỉ những cuốn sách được bạn đọc chọn mua nhiều nhất đã dần trở thành một thước đo quan trọng về giá trị,  tầm ảnh hưởng của tác phẩm cũng như khuynh hướng đọc sách của độc giả. Với đa số người Mỹ, danh sách best seller của NYT là kim chỉ nam để lựa chọn sách nên đọc. Mạng amazon.com và một số hệ thống bán sách lớn đã sử dụng danh sách best seller của NYT để thực hiện các chiến dịch quảng bá sách.

Thư từ, bài vở xin gửi về: vanhoanghethuat@thanhnien.com.vn

Người ta đã khảo sát và chỉ ra những yếu tố làm nên một cuốn sách best seller là chủ đề hợp thời, chất lượng viết tốt, cuốn sách trước của tác giả đó cũng best seller, có nhiều độc giả và người hâm mộ, nỗ lực quảng bá của tác giả, thông tin về cuốn sách được truyền miệng rộng rãi, công tác truyền thông và chương trình quảng cáo tốt...

Một cuốn best seller của một nước là một cuốn sách viết cho số đông, được số đông chấp nhận và qua đó phản ánh tình trạng đời sống tinh thần của một cộng đồng người. Một cuốn sách best seller trên quy mô thế giới, nó phản ánh tình trạng đời sống tinh thần của nhân loại.

Ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có một danh sách best seller đúng nghĩa, nhiều độc giả vẫn đang chọn mua sách dịch theo sự tham khảo từ các danh sách best seller nước ngoài với lập luận không phải ngẫu nhiên mà "ở bển" một cuốn sách được nhiều người quan tâm và tìm mua.

Tuy nhiên, mặc dù có lịch sử từ lâu và quá trình đánh giá xếp hạng công phu, danh sách best seller cũng như danh sách hoa hậu ở các nước chỉ có giá trị tham khảo, vì người đẹp nhất nước Mỹ chưa chắc đã hợp nhãn một anh chàng Việt Nam, người đọc ở các nước chưa chắc đã có “gu” đọc sách giống người đọc Việt Nam.

Đối với sách trong nước, đến nay vẫn chưa có sự tổng hợp chung để cho ra một danh sách best seller tương đối khách quan, phản ánh đúng tình hình thị trường sách VN. Cái gọi là danh sách sách bán chạy nhất tuần của thị trường sách trong nước chỉ mang tính nhỏ lẻ, chủ quan với thông tin đôi khi chỉ được thu nhận từ một đơn vị phát  hành  sách  duy nhất  (như trường hợp danh sách best seller của báo điện tử evan chỉ là danh sách những đầu sách bán chạy nhất trong tuần của đơn vị bán sách trên mạng vinabook.com).

Nếu best seller nước ngoài chia ra cụ thể từng loại (như sách văn học, kinh tế, chính trị... riêng lĩnh vực văn học cũng được chia làm nhiều thể loại như văn học viễn tưởng, thiếu nhi, tâm lý, lịch sử...) thì best seller trong nước hiện nay vẫn gom chung tất cả vào một danh sách. Kết quả là bạn đọc chứng kiến những tác phẩm triết học đứng chung hàng với sách văn học, sách dạy kinh doanh... Sự thiếu phân chia về thể loại đã khiến các danh sách best seller trong nước vốn đã ít còn bị xem nhẹ về giá trị tham khảo.

Những cuốn sách best seller trong lịch sử

Trên 1 tỷ bản:

Kinh Phúc âm được viết từ hơn 2.000 năm trước và cho đến giờ, con số những cuốn sách này đến tay các tín đồ là từ 2,5 tỷ đến 6 tỷ bản.

Từ 100 triệu đến 1 tỷ bản:

* Trước tác của Mao Trạch Đông (ghi lại những câu nói của Mao Trạch Đông) được xuất bản lần đầu vào năm 1964. Hầu như mỗi người dân Trung Quốc thời đó đều có trước tác của Mao Trạch Đông đặt ở túi áo ngực và theo thống kê, gần 900 triệu bản của trước tác này đã đến tay mọi người.

* Kinh Koran, thánh kinh của người theo đạo Hồi được xuất bản hồi đầu thế kỷ thứ 7 và có khoảng 800 triệu bản đến tay các tín đồ.

* Từ điển Tân Hoa xuất bản từ 1957 đã bán được 400 triệu bản.

* Tập thơ Mao Trạch Đông xuất bản năm 1966 đã có 400 triệu bản đến tay người đọc. Cũng năm đó, 250 triệu cuốn Tuyển tập Mao Trạch Đông đã đến tay người đọc.

* “A Tale of Two Cities”, câu chuyện về 2 thành phố Paris và London trước và trong Cách mạng Pháp được viết bởi Charles Dickens, xuất bản năm 1859 và đã bán được 200 triệu bản.

* “Scouting for Boys: A Handbook for Instruction in Good Citizenship”, cuốn sách hướng đạo cho trẻ em, dạy trẻ cách thành công dân tốt của Robert Baden-Powell xuất bản năm 1908 và bán được 150 triệu bản.

* “The Lord of the Rings” (Chúa nhẫn) của Tolkien xuất bản năm 1954 và đã bán được 150 triệu bản.

* “Book of Mormon”, sách tôn giáo của những người theo dòng đạo Mormon, xuất bản lần đầu năm1830 và bán được 140 triệu bản.

* Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần viết vào thời Thanh đã bán được 100 triệu bản và là một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc.

Các cuốn bán chạy trong thế kỷ 21

* Thuyết ba đại diện của Giang Trạch Dân xuất bản năm 2001 bán được 100 triệu bản.

* The Da Vinci Code (Mật mã của Vinci) (ảnh) của Dan Brown xuất bản năm 2003 bán được 50 triệu bản.

* “Harry Potter and the Deathly Hallows” của Rowling xuất bản 2007 bán được 44 triệu bản.

* “Angels and Demons” (Thiên thần và ác quỷ) của Dan Brown xuất bản năm 2000 bán 39 triệu bản._Anh Tú

* Lê Thu Quỳnh (25 tuổi, Ba Đình, Hà Nội): Có thể nói best seller
được coi là một chứng nhận cho thấy sự thành công của cuốn sách trong phạm vi một nơi nào đó. Do đó, nếu sách có dòng chữ này ở ngoài bìa cũng gây tò mò cho tôi và dành được nhiều sự quan tâm so với các cuốn sách khác. Tuy nhiên, "gu" thưởng thức của mỗi vùng, mỗi quốc gia khác nhau. Chưa nói đến thị hiếu cũng như sở thích của mỗi người đều khác nhau. Một cuốn sách có dòng chữ “best seller” có thể gây chú ý mình ở phút đầu tiên, nhưng việc lựa chọn mua nó hay không còn tùy vào những dòng highlight hay review trên bìa và tất nhiên là cả những yếu tố gây ấn tượng khác như tựa đề và thiết kế bìa sách...

* Lê Ngọc Huyền (Biên tập viên kênh hoạt hình, TH Cáp Hà Nội): Khi đi mua sách, đầu tiên tôi luôn tìm tới những thể loại sách mình thích, ví dụ như sách thiếu nhi, văn học... Sau đó là nhìn tên tác giả, vì những người nổi tiếng thường có nhiều chuyện hay. Tiếp nữa là giá thành, dù sách có hay nhưng nếu đắt quá cũng phải để lại. Dòng chữ best seller cũng gây tò mò nhưng nếu đọc sơ mà không hợp "gu" thì tôi cũng không mua.

* Đào Thương Huyền (26 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội): Trước khi đi mua
 
sách mình thường nghiên cứu sơ trên mạng, xem những quyển nào mới xuất bản và được nhiều ủng hộ từ các nhà phê bình và dư luận nói chung. Những tên sách được nhắc đến nhiều ở thời điểm đó sẽ làm mình quan tâm trước tiên. Sau đó, đương nhiên là những cái tên nghe hấp dẫn, lạ tai; bìa sách nổi bật, và cả những dòng tít phụ như “best seller” hay các giải thưởng... Tôi thấy có rất nhiều cuốn sách hay của VN được mua nhiều nhưng không được thống kê để thành "best seller", thiệt thòi cho các tác giả quá._Hồng Minh (ghi)

Ý kiến...

(Nhân đọc loạt bài Đi hội sách - Xem TN TT&GT 13 - 14.3.2010)

So với nhiều nước khác, sách ở Việt Nam vẫn còn ở một mức giá khá cao. Giá cao thì người dân sẽ ít mua sách (vì thu nhập bình quân ở ta vẫn còn thấp), người dân ít mua sách thì sẽ ngày càng lười đọc sách, kéo theo văn hóa đọc thấp. Mà điều này rất nguy hiểm. Lâu dần sẽ ảnh hưởng tới trình độ dân trí nói chung. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, tác giả và các nhà sản xuất sách nói chung hãy xem xét để điều chỉnh giá sách lại cho phù hợp hơn, kích thích người dân ham đọc sách hơn._Nguyễn Linh Ngọc (greenstar...@yahoo.com)

* Văn hóa đọc là chuyện rất quan trọng ở mỗi quốc gia. Hầu như ở đâu người dân ham đọc sách thì ở đó trình độ dân trí và khả năng phát triển cao. Tôi cho rằng trẻ em chính là đối tượng chúng ta phải chú ý và quan tâm hàng đầu để kích thích văn hóa đọc. Vì khi còn nhỏ phải thích đọc sách thì mới hình thành được văn hóa đọc khi lớn lên. Nhưng giá sách ở mình còn cao quá, thử nghĩ xem, một "chầu" chơi điện tử chỉ có mấy ngàn đồng, trong khi một cuốn sách hay giá vài chục ngàn_Lê Tuấn Tú (hoangtube...@yahoo.com.vn)

* Tôi đã từng tham quan một hội sách ở Malaysia và thấy số lượng đầu sách hay ở nước mình cũng không kém xứ người là mấy. Tuy nhiên so về cách thức tổ chức, quy mô, quảng bá... họ làm rất bài bản và hơn hẳn ta. Còn về mức độ ham đọc sách, hầu như ở hai nước đều như nhau, và trẻ con ở nước ta có vẻ ham đọc sách hơn một chút. Như vậy chứng tỏ là các nhà xuất bản, phát hành sách, tác giả... ở nước ta cần kết hợp với nhau nhiều hơn nữa để có thêm nhiều hội sách được tổ chức quy mô dành cho độc giả._ Vân Quỳnh (lethanhvan...@gmail.com)

Phan An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.