Bài học châu Phi

16/03/2010 23:46 GMT+7

Cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan nói rằng châu Phi cần kinh nghiệm và hợp tác từ các nước châu Á để tiến lên, nhưng cũng cho rằng một số đầu tư từ châu Á cần xem lại.

Ông Annan nói như vậy trong bài phát biểu với tựa đề “Châu Á và châu Phi: Bài học quá khứ, Tham vọng tương lai” trước 1.000 cử tọa tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) hôm 26.2. Cựu Tổng thư ký người Ghana đã có chuyến thăm một tuần đến đảo quốc sư tử, và được mời làm giáo sư đầu tiên theo chương trình do tỉ phú Hồng Kông Li Ka Shing tài trợ cho Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, thuộc NUS.

Châu lục vô vọng

Ông Kofi Annan nói rằng vào thời kỳ giải phóng thuộc địa cách đây 4 thập niên, trình độ phát triển kinh tế của phần lớn các nước châu Á gần như tương đương với châu Phi. Nhưng ngày nay, châu Á đã bỏ xa châu Phi. “Chẳng hạn, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc khi ấy chỉ bằng Sudan. Bây giờ Hàn Quốc nằm trong nhóm các nước giàu nhất thế giới, trong khi Sudan thuộc nhóm nghèo nhất. Trung Quốc đã tiến lên một nền kinh tế công nghiệp. Ấn Độ với cuộc Cách mạng xanh đã đem lại cuộc sống no đủ cho người dân...”, ông nói. Trong khi đó, cái tên châu Phi khiến người ta liên tưởng đến một “châu lục vô vọng”, cách gọi của Tạp chí The Economist cách đây 10 năm, ông Kofi Annan nhắc lại.

Theo ông, tình trạng đói nghèo và lạc hậu ở châu lục này xuất phát từ tư tưởng đặc quyền đặc lợi của những người nắm quyền. “Quá nhiều chính phủ ở châu Phi ngay khi lên cầm quyền liền nghĩ rằng chỉ có họ được tin tưởng để thống trị đất nước. Kết quả là chính phủ chỉ phục vụ quyền lợi của một nhóm đặc quyền thay vì toàn xã hội”, ông Annan nói. Tài sản quốc gia bị lũng đoạn vào túi vài người, tham nhũng tràn lan, thiếu tự do báo chí, xã hội dân sự và nhân quyền, bất công đi kèm với bất bình dâng lên cao độ... là thực trạng mà ông Annan ghi nhận.


Ông Kofi Annan (trái) nói rằng nhiều dự án đầu tư từ châu Á làm tồi tệ hơn tình hình chính trị và xã hội ở châu Phi - Ảnh: Thục Minh

Khi một cử tọa đề nghị ông Annan kể tên 10 (trong số 45) quốc gia châu Phi có môi trường kinh tế và bộ máy chính quyền khá hơn cả, ông kể: Botswana, Nam Phi, Mozambique, Tanzania, Kenya, Ghana, Mali, Rwanda, Burkina Faso và Namibia.

Đầu tư minh bạch

Ông Annan nhìn nhận rằng trong vài năm qua, dòng tài chính, đầu tư và thương mại từ các nước châu Á đã giúp kinh tế châu Phi có những chuyển biến. Song, chính đầu tư từ châu Á, đặc biệt từ Trung Quốc, đang trở thành vấn đề gây lo ngại ở châu lục này, ông nói.

Theo ông, “có nhiều quan ngại chính đáng, bởi thương mại và đầu tư từ châu Á ở châu Phi chưa hẳn tạo ra tăng tưởng và giảm đói nghèo”, bởi người dân không thuộc nhóm đặc quyền hưởng được quá ít từ nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác thô bạo, môi trường bị tàn phá. Nguy hại hơn, “nhiều thỏa thuận làm ăn thiếu minh bạch đã một cách có chủ ý hoặc vô tình làm tồi tệ hơn guồng máy chính trị, tạo điều kiện cho tham nhũng và bất ổn ở châu Phi”, ông nói nhưng không đề cập một dự án cụ thể nào.

Mất cân đối trầm trọng trong thương mại đôi bên cũng làm ông Annan lo ngại: “Châu Phi chỉ xuất sang châu Á những sản phẩm giá trị thấp, chủ yếu là nguyên liệu thô như dầu thô, khoáng sản và gỗ chưa chế biến”. Tiền vay và các khoản đầu tư thiếu minh bạch cũng đang tạo ra mối lo về khả năng bù đắp chi phí, trả nợ và rủi ro chính trị.

Bên cạnh đó, nhiều dự án nước ngoài bị cáo buộc là “cướp đất”, ông Annan nói và cho biết thêm chính vì vậy mà trong năm nay Tổ chức Lương nông (FAO), Tổ chức Thương mại và Phát triển (UNCTAD) của LHQ, Ngân hàng Thế giới và chính phủ các nước châu Phi sẽ xây dựng một bộ quy tắc ứng xử về việc mua bán, cho thuê và chuyển nhượng đất với nước ngoài. Bộ quy tắc này rồi sẽ được nâng thành công ước quốc tế.

Cuối cùng, ông Kofi Annan cho rằng, để châu Phi với tài nguyên dồi dào và tiềm năng to lớn trở thành “Châu lục hy vọng” trong tương lai, chính phủ các quốc gia châu Phi cần học tập kinh nghiệm và nhận sự hợp tác từ châu Á. Nhưng mấu chốt để thành công là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, chứ không phải là những đầu tư gây bất an như hiện nay.

Thục Minh
(VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.