Thủ tướng làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội: Quyết liệt giải "bài toán" ùn tắc giao thông

17/03/2010 23:42 GMT+7

Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với các kiến nghị của Hà Nội về tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm luật giao thông, tăng lệ phí trước bạ với các phương tiện giao thông cá nhân cũng như một số cơ chế đặc thù về quản lý dân cư, nhằm góp phần giải quyết vấn đề mà ông gọi là bức xúc nhất hiện nay của Hà Nội: ùn tắc giao thông.

Thủ tướng nói: “Nâng mức xử phạt là cần thiết. Nghị định quy định tăng mức phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông ở Hà Nội và TP.HCM hiện nay đã được Bộ Tư pháp thẩm định và tôi sẽ ký ban hành trong ít ngày tới”. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý: "Tăng mức xử phạt để tăng mức răn đe nhưng kiểm tra xử phạt không nghiêm thì cũng không mang lại hiệu quả".

 
 Hà Nội kiến nghị tăng phí trước bạ và thu phí giao thông để giảm phương tiện cá nhân - Ảnh: Ngọc Thắng

Tăng phí trước bạ và thu phí giao thông

Hầu như các kiến nghị của Hà Nội đều được Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành đồng ý. Chẳng hạn, đưa các dự án hạ tầng giao thông lớn của thành phố như tuyến đường sắt, đường bộ trên cao, đường sắt ngầm như các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Thượng Đình, Yên Viên - Ngọc Hồi; các đường vành đai 3,5, vành đai 4, vành đai 5... vào chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Thủ tướng cũng đồng ý giao Bộ Công an nghiên cứu kiến nghị của thành phố về việc triển khai thực hiện các giải pháp đặc thù về quản lý dân cư, hạn chế tình trạng dân cư đổ dồn về đô thị trung tâm làm tăng áp lực đối với hệ thống giao thông đô thị; giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất tăng mức phí trước bạ, thu phí giao thông đối với các phương tiện cá nhân để nhằm hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông.

Một số kiến nghị của UBND TP Hà Nội

- Thực hiện cơ chế đặc thù trong việc xử phạt với mức cao hơn quy định hiện hành đối với các hành vi vi phạm quy định về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... (cao gấp 5 lần hiện hành - PV)

- Đề nghị các bộ Xây dựng, GD-ĐT, Y tế, Công thương lập và duyệt quy hoạch ngành (mạng lưới trường đại học và bệnh viện) để di chuyển các cơ sở đào tạo, y tế và nhà máy ra khỏi trung tâm.

- Do tình hình hỏa hoạn phức tạp, nhất là khu trung tâm và nhà cao tầng, đề nghị cho phép Hà Nội thành lập sở phòng cháy chữa cháy thành phố...

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, các phương án về tăng lệ phí trước bạ đối với phương tiện giao thông cá nhân cho các đô thị lớn đang được nghiên cứu. Ông nói: "Hiện tại mức thu lệ phí trước bạ dành cho xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi ở Hà Nội là 12%, song để chống và kiềm chế nạn ùn tắc giao thông, Hà Nội nên nâng mức thu phí trước bạ lên 15%". Tương tự như vậy, phí giao thông (sẽ thu hằng năm) cũng đang được tính toán.

Thủ tướng nói: "Tôi nhớ không nhầm thì cách đây 2 năm đã nói về việc tăng cường biện pháp quản lý dân cư ở những đô thị đặc biệt nhưng hình như có 2 điều trong Nghị định 107 mà sao sửa mãi chưa xong?". Có mặt tại buổi làm việc, đại diện Bộ Công an, thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, nói rằng Bộ Công an đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 107, trong đó sẽ siết chặt hơn điều kiện nhập cư vào thành phố.

Văn hóa giao thông chậm chuyển biến

Cũng liên quan đến các giải pháp chống ùn tắc giao thông cho Hà Nội, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: "Nhờ nhiều biện pháp trong thời gian qua, giao thông Hà Nội có đỡ ùn tắc hơn nhưng văn hóa giao thông của người Hà Nội thì chuyển biến chậm quá. Đường đã đông, nếu tôn trọng luật lệ thì đỡ hơn, đằng này hình như người dân lại chẳng muốn đi theo hàng lối, chẳng có trật tự gì cả". Phó thủ tướng nói và tỏ ý không hài lòng với việc hàng loạt các công trình được chồng tầng một cách thiếu thuyết phục trong khu vực nội thành. "Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) xin xây trụ sở 7 tầng mãi không được, thế mà tôi thấy một biệt thự ngay cạnh đó vừa xây tới 8 tầng mà còn xây sát chỉ giới đỏ đường Ngô Quyền thì các đồng chí giải thích làm sao", Phó thủ tướng "chất vấn".

"Năm nay dứt khoát phải tạo được chuyển biến trong việc giảm tải cho khu vực nội đô như di dân, di chuyển các nhà máy xí nghiệp, đặc biệt là các bệnh viện ra khỏi nội thành", Phó thủ tướng yêu cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tái khẳng định quan điểm của Chính phủ: "Không cho phép tiếp tục nâng tải, ít nhất từ vành đai 2 trở vào".

Thêm quyền cho Hà Nội

"Tôi đồng ý, những gì để Hà Nội làm sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn thì sẽ phân cấp hết cho Hà Nội. Kể cả luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì Thủ tướng cũng có thể ủy quyền cho Hà Nội, ví dụ như chỉ định thầu chẳng hạn", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy, khi đề cập việc Hà Nội kiến nghị Thủ tướng ủy quyền cho thành phố quyết định đầu tư một số dự án BT, BOT, BOO và PPP, cũng như cho phép Hà Nội áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với một số dự án. Thủ tướng chỉ lưu ý Hà Nội phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ các công trình, đặc biệt là công trình giao thông.

Để đẩy nhanh tiến độ các công trình, Thủ tướng cũng gợi ý Hà Nội thực hiện huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu địa phương đối với một số dự án, chẳng hạn như cải tạo các hồ, các con sông "chết" trong nội thành.

Xem xét dừng cấp phép công trình cao tầng trong nội thành

Ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc cho phép cải tạo xây dựng các chung cư cao 14, thậm chí 17 tầng trong khu vực nội thành đã gây sức ép quá lớn cho nội đô. Việc phải dừng cấp phép công trình cao tầng là cần thiết nhưng thành phố cần phải tiến hành rà soát nhanh xem trong vành đai 1 có bao nhiêu chung cư, vành đai 2 bao nhiêu chung cư, tương tự như vậy với vành đai 3 và 4. Trên cơ sở đó đề xuất về mật độ, tầng cao cho những công trình trong từng khu vực, tránh dừng đồng loạt sẽ gây ách tắc không cần thiết.

Tư vấn nước ngoài đang làm quy hoạch chung Hà Nội (dự kiến hoàn chỉnh và công bố vào tháng 10.2010 - PV) đề nghị 3 giai đoạn giải quyết ách tắc giao thông cho Hà Nội. Đó là, giai đoạn 1 (2010-2020) phải hình thành được đường vành đai 4, vành đai 3,5 và dứt khoát phải đưa kế hoạch tàu điện ngầm (metro) vào xem xét. Giai đoạn 2 (2020-2030) phải hoàn thành metro và đường vành đai 4 kéo lên chân núi Ba Vì (được xác định là trung tâm hành chính của Hà Nội vào năm 2030). Giai đoạn 3 (2030-2050) phải hoàn chỉnh tuyến trục Bắc - Nam, các khu đô thị vệ tinh và vùng Hà Nội.

An Nguyên - Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.