Nắng nóng tàn khốc đang xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước, khiến không chỉ cây cối khô héo mà người dân cũng lao đao.
"Hạn hán kiểu này thì vô phương cứu chữa rồi!", ông Lê Văn Tiến (ấp Ba Xoài, xã An Cư, H.Tịnh Biên, An Giang) ngậm ngùi đứng trước vườn cây ăn trái, nguồn thu nhập chính của gia đình đang dần bị xóa sổ. Hơn tháng trước, ông bó tay nhìn 2.000 gốc mãng cầu 4 tuổi chết đứng. Bây giờ, đến lượt 1 ha xoài đang dần héo lá. Đã quá quen những mùa hạn cháy ở vùng Bảy Núi này, nhưng ông Tiến nói "đầu hàng" với cái nắng hiếm có như năm nay. Trước đó, thấy nắng càng ngày càng hung, ông Tiến đã bỏ ra 4 triệu đồng để mướn giàn khoan giếng ngầm mong cứu vườn cây. Sau nhiều ngày khoan thăm dò, cánh thợ đã lắc đầu dọn máy móc bỏ đi. "Bây giờ tôi không còn lo nước cho cây nữa, vì đằng nào cũng phải bỏ luôn rồi. Nhưng cứ hạn thế này thì đến người cũng thiếu nước", ông Tiến nói.
Ông Lê Văn Tiến bên vườn cây chết khô vì nắng hạn - ảnh: T.Trình |
"Nhà tôi sáng, chiều đều phải đi lấy nước. Mỗi lần như vậy mất 2 tiếng đồng hồ. Tính ra nội chuyện lấy nước thôi cũng mất hết 1 người làm", ông Mai Văn Phèn (tổ 7, ấp Phú Cường, An Nông, H.Tịnh Biên) đang rị mọ kéo từng can nước nhỏ từ giếng Bà Đen (xã An Cư) về, nói. Nhà ông Phèn cách giếng một con đường mòn băng qua cánh đồng nối liền hai xã và một xóm dân ven núi, cũng đang trong cảnh thiếu nước trầm trọng.
Không chỉ dân cư ở xóm Bà Đen, mà cả những gia đình sống ven chân núi Phú Cường cũng đến giếng lấy nước. Thế nhưng, năm nay nguồn nước giếng Bà Đen cạn đi thấy rõ. Cụ Đỗ Văn Phát, một cư dân cố cựu sống ven chân núi Phú Cường, lo lắng: "Mọi năm mùa này người ta lấy nước đâu hề hấn gì. Nhưng năm nay nước bắt đầu yếu. Không có cái giếng đó là dân ở đây chắc ngặt lắm".
Trắng đêm vét nước
Dân xóm Lá Mối (ấp Phú Hòa, xã An Phú, H.Tịnh Biên, An Giang) còn cực hơn. Cả xóm hiện dựa vào cái giếng có tên là "giếng lớn", nhưng từ trước Tết vì quá đông người đến lấy nước, nguồn nước trong giếng đã cạn đến tận đáy, người dân phải canh lấy nước từ các lỗ rỉ lắng vào đáy giếng. Để "canh" nguồn nước này, nhiều gia đình cử người túc trực bất kể ngày hay đêm, giữa trưa hay khuya khoắt, mới mong có ít nước mang về.
Trưa nắng, vừa đi học về là Hồ Tuấn Phát (lớp 1, Trường Tiểu học An Phú) được phân công ra vét nước ở giếng lớn. Nhiệm vụ của em là kéo từng ca nước nhỏ từ đáy giếng đổ vào thùng, khi đầy sẽ có người nhà ra mang về. Mọi sinh hoạt trong ngày của cả nhà đợi vào việc canh nước của em. Tuy nhiên, cùng vét nước với em còn có nhiều người lớn khác trong xóm, cũng đang sống nhờ vào cái giếng này. Một người dân trong xóm nói vì ai cũng cần nước nên mỗi gia đình phải cử người ra canh, nếu không thì đông người quá, không còn nước để vét. Nhiều gia đình vì bận kiếm sống nên không có "đại diện" ra giếng từ ban ngày nên vào đêm phải thức chờ có nước để vét. Nhưng ban đêm cũng không vắng người.
21 giờ tối, chúng tôi gặp chị Dương Thị Hồng (tổ 14, ấp Phú Hòa, xã An Phú) cùng 3 thành viên trong gia đình vừa vét được lưng 2 can nước. Đó là kết quả của hơn 3 giờ liên lục đứng canh ở miệng giếng, múc từng ca nước một. Chị lắc đầu: "Ban ngày đông quá, có chen chân được thì cũng không có nước". Chị Hồng chưa đi thì người khác lại lỉnh kỉnh can nhựa chạy đến, có người thấy giếng nước đã "có tài", thất vọng bỏ đi.
Đêm về sâu, anh em nhà anh Huỳnh Văn Phương đẩy chiếc xe ba gác chở 10 can nhựa đến giếng lớn. Anh Phương nói mỗi lần vét nước là mỗi lần khó nên gia đình anh phải thức canh lấy thật nhiều nước một lần. Nhưng chỉ vài giờ sau, các thành viên trong gia đình Phương đã lắc đầu: "Không còn nước nhiều để lấy". Không còn nước, nhưng trong bóng đêm vẫn còn những người kiên nhẫn chờ từng dòng nước rỉ. Đến gần sáng, chị Nguyễn Thị Bé Sáu tất tả mang thùng ra giếng nước. Tới nơi, chị phát hiện giếng đang có người, đành thất vọng quay về.
"Nắng hạn thế này, có lẽ chỉ mấy ngày nữa nguồn nước sẽ cạn. Lúc đó, người dân phải đi đến tận kinh Vĩnh Tế, cách đó rất xa để lấy nước. Biết nước ở đây không sạch, nhưng giờ còn cách nào khác nữa đâu…", anh Phương lo lắng.
Bản khát Con suối nay trơ đá - ảnh: N.Phúc Nguyễn Phúc Nước ít, người đông
Giếng nước cạn đáy ở Tịnh Biên, An Giang - ảnh: T.Trình Tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng nhất hiện nay đang diễn ra ở Q.7 và H.Nhà Bè, TP.HCM. Tại Q.7, ở các khu dân cư Vạn Phát Hưng, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hữu Lầu (P.Phú Thuận, P.Phú Mỹ), người dân phải mua nước với giá lên đến 70.000 - 120.000 đồng/m3. Bà Trần Thị Lệ Hà - chủ nhà số 1598 Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Mỹ - than: "Đợi từ sáng khuya cũng không bơm nước được. Cả nhà thay phiên nhau canh chừng chiếc xe bồn (do Tổng công ty cấp nước Sài Gòn huy động - PV) đến bơm vào bọng ở chân cầu Phú Xuân là lập tức bật máy bơm. Vậy mà cũng chẳng kịp vì nước thì ít mà người giành bơm lại đông". Nhiều gia đình chấp nhận mua nước do người khác bán lại với giá đắt. Anh Nguyễn Văn Dũng, ngụ hẻm 482 Huỳnh Tấn Phát, bức xúc: "Ngày nào cũng vậy, cứ sau giờ làm tôi phải dùng xe máy đi mua từng can nước, khổ lắm! Ở đây 5 năm rồi mà chưa bao giờ đủ nước". Khổ nhất là trường hợp anh Võ Văn Chinh, bị liệt hai chân. Chúng tôi gặp anh trưa 18.3 khi anh vừa ngồi trên xe lăn vừa mua nước trên lề đường Huỳnh Tấn Phát, Nhà Bè. Anh Chinh cho biết ngày nào anh cũng đi xe lăn trên 500m từ nhà trọ tới nơi có bán nước sinh hoạt. Tại khu phố Trường Khánh, P.Long Phước, người dân phải đành sử dụng nước sông Đồng Nai vốn đang bị nhiễm mặn. Ở Q.8, gồm các đường như Dương Bá Trạc, Phạm Thế Hiển, khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh)... từ đầu mùa khô đến nay nước từ Nhà máy nước Tân Hiệp về rất yếu nên tình trạng thiếu nước xảy ra thường xuyên dù Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn đã liên tục huy động hàng trăm xe bồn tiếp nước mỗi ngày. Đình Mười Nam Bộ sẽ nóng đến 40 độ C Mai Vọng |
Tiến Trình
Bình luận (0)