Nguyễn Bính và văn nghệ sĩ miền Nam

20/03/2010 00:20 GMT+7

Năm 1966, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, đất nước tạm thời bị chia cắt, cái tin Nguyễn Bính từ trần ở miền Bắc vẫn làm rúng động giới cầm bút miền Nam.

Nguyễn Bính ra đi vào ngày cuối cùng của năm Ất Tỵ, nhằm ngày 20.1.1966. Vài tháng sau, tập san Văn số 60 (ra ngày 15.6.1966) đã dành một số trang nhằm truy niệm Nguyễn Bính. Ở trang đầu, nhóm chủ trương (Nguyễn Đình Vượng, Trần Phong Giao) viết: “Trong số này, về Nguyễn Bính, chúng tôi giới thiệu một thiên hồi ký và một bài tùy bút. Chúng tôi rất tiếc đã không thể làm trọn một số để truy niệm nhà thơ vừa khuất. Rất mong bạn đọc thông cảm... Trong mấy bài thơ trích dẫn dưới đây, bạn đọc sẽ bắt gặp những nét điển hình của Nguyễn Bính, như một chàng quê mùa (thơ rất gần với ca dao), như một gã si tình lãng mạn, như một tay giang hồ phóng đãng và như một chiến sĩ...”.

Thiên hồi ký kể trên là của nữ sĩ Mộng Tuyết với tựa đề Để nhớ Nguyễn Bính - Những ngày ghé bến Hà Tiên (chúng tôi đã có trích đăng một số chi tiết của hồi ký này ở số báo trước, đoạn nói về Nguyễn Bính gặp gỡ Đông Hồ -Mộng Tuyết). Ở đây chúng tôi xin trích tiếp đoạn cuối: “Rồi thì phong yên nổi dậy. Cuộc kháng chiến bắt đầu. Chúng tôi cũng trôi nổi mỗi người một phương. “Yiễm Yiễm thương điếm” đã tan tành hết còn “Yễm Yễm thư trang” mở lại ở phố Nguyễn Thái Học Sài Gòn. Tôi lại bận bịu chuyện buôn bán, bận bịu chuyện phát hành, để anh Đông Hồ thung dung làm nhà đại ẩn... Một buổi chiều có người con gái quê đến, giao cho tôi một mảnh giấy nhàu nát. Trong giấy, xin cây bút máy tốt và chiếc đồng hồ đeo tay, lội nước. Dưới ký “Người yêu Ngọc”, đó là Bính ký ẩn danh... Sau ngày tập kết 1954, cũng người thiếu phụ quê áo cánh, chiếc áo mà tôi đã chia cho nàng dạo trước, tay bồng đứa con, về ghé nhắn tôi: “Anh Bính bảo là ngày trước chị Tuyết đã thương Bính như em, thì nay Bính mong là vợ con Bính cũng còn giữ được tấm lòng thương đó của chị”. Tôi còn gặp vợ Bính đôi lần nữa, rồi ít lâu sau thì biệt tin. Mới đây, lại nghe tin Bính mất ở đất Bắc. Than ôi, nhớ người bạn ghé bến Hà Tiên năm xưa mà ngậm ngùi. Mùa này, trời miền Nam mưa đang rơi nặng hạt. Cố nhân còn đâu! (Và bây giờ vợ Bính, con Bính ở đâu? Có đọc thấy những dòng thăm hỏi này không nhỉ?)...”.

Cũng trong tập san Văn này, nhà văn Sơn Nam có viết bài Vài kỷ niệm về nhà thơ Nguyễn Bính trong thời kỳ kháng chiến ở miền Nam: “...Một điều rõ rệt mà ai cũng phải nhìn nhận: Nguyễn Bính là nhà thơ yêu nước. Thời kháng Pháp tôi đã gặp Nguyễn Bính, uống rượu, uống trà, trao đổi với nhau nhiều lần... Giờ đây, anh đã mất. Tôi cố gắng ghi chép lại những điều đáng ghi chép về đời anh, những điều tai nghe mắt thấy, có thể đem đến ích lợi cho bạn đọc: Từ chợ Rạch Giá, anh vào chiến khu để tham gia kháng Pháp. Bấy giờ là vào khoảng 1946-1947 gì đó. Thời tiền chiến người miền Hậu Giang hiểu phong trào thi ca qua sự tuyển chọn và giới thiệu của Hoài Thanh và Hoài Chân. Nguyễn Bính là thi nhân duy nhứt có tên trong Thi nhân Việt Nam đã tham gia kháng chiến tại miền duyên hải vịnh Xiêm La. Anh khởi xướng việc thành lập Đoàn văn hóa Cứu quốc tỉnh Rạch Giá, cho ra mắt Tập thơ yêu nước sau khi vào chiến khu chừng một đôi tháng... Vài tháng sau, Nguyễn Bính lãnh trách nhiệm Phó chủ tịch Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Rạch Giá rồi về Ban văn nghệ Khu 8 - có máy in, in rất đẹp để phổ biến tác phẩm. Mỗi bài thơ của anh đều được anh cắt từ bản vỗ (morasse), gởi cho tôi. Như vậy có điều tiện lợi là tôi được đọc sớm, trước khi báo in ra. Xin trích vài đoạn tiêu biểu, gọi là để làm tài liệu thôi (trích thơ Đây Nam bộ, Trường ca Đồng Tháp). Nhưng đẹp đẽ và êm ái nhứt vẫn là bài Những người của ngày mai. Các bài thơ sáng tác trong thời gian ở Ban văn nghệ Khu 8 được gom vào một tập nhan đề là Sóng biển cỏ. Biển cỏ tức là vùng cỏ bao la Đồng Tháp Mười... Làm thơ yêu nước là chuyện khó, phải kết hợp hình thức với nội dung, ngôn ngữ kỹ thuật, tâm tình cá nhân với hoàn cảnh chiến đấu của dân tộc... Nguyễn Bính đã thành công lớn trong giai đoạn mà ít ai thành công. Bây giờ, nếu cho rằng Nguyễn Bính là một thiên tài thì có lẽ hơi sớm, nhưng hậu thế sẽ cho chúng ta thấy thơ Nguyễn Bính có nhiều câu trở thành ca dao, vài bài thơ yêu nước của anh rất xứng đáng được trích giảng trong sách giáo khoa Việt văn... Nguyễn Bính đã phiêu lưu từ Bắc vào Nam rồi từ Nam ra Bắc, xa cố hương để rồi nằm trong lòng đất cố hương. Trong thời buổi chiến tranh, con người có thân hình ốm yếu mà sống được non năm mươi tuổi, nghĩ cũng thọ...”. Trong tập san Văn số này còn có bài viết về Nguyễn Bính của Mai Thảo và một số bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Bính (Bài thơ vần rẫy, Tương tư, Xuân về, Cô hái mơ, Một nghìn cửa sổ, Tỉnh giấc chiêm bao).

Có lẽ tự thấy vẫn chưa thỏa mãn, chưa xứng tầm với nhà thơ nên hơn 5 năm sau, tập san Văn lại ra một số đặc biệt về Nguyễn Bính (số 189, ra ngày 1.11.1971). Số này tập hợp các bài viết của Vũ Hoàng Chương (nhắc lại những kỷ niệm cùng với Nguyễn Bính, Tô Hoài đi “giang hồ vặt” ở Phủ Lạng Thương, ghé nhà Bàng Bá Lân chơi hoặc xuống Hải Phòng hát cô đầu với Nguyễn Bính, Chu Ngọc...), Vũ Bằng - tác giả của Thương nhớ mười hai thì viết Nguyễn Bính - một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư, nữ sĩ Mộng Tuyết cũng tham gia với bài viết Bóng giai nhân và Nguyễn Bính, Đào Trường Phúc với Nguyễn Bính: những mùa xuân tha hương.

Đặc biệt có ông Phạm Văn Song - một thầy giáo dạy trường Trung học Sa Đéc và Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) đã giới thiệu và bình bài thơ Đám cưới bướm - trích trong tập Một nghìn cửa sổ mà theo ông là “một tập thơ ít người biết vì được xuất bản trong thời Nam Bộ kháng chiến chống Pháp”. Ông Phạm Văn Song cũng đã giới thiệu bài thơ Ngô sơn vọng nguyệt mà ông sưu tầm được. Bài thơ này gồm 12 cặp lục bát do Nguyễn Bính, Trúc Khê và Thâm Tâm thay phiên nhau làm, mỗi người làm một cặp lục bát, xoay vòng...

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.