Hạn, mặn đe dọa đồng bằng sông Cửu Long

21/03/2010 02:17 GMT+7

Mùa khô năm 2010 tại vùng ĐBSCL đang diễn ra ngày càng gay gắt. Nước ngọt cạn kiệt, khan hiếm, tình hình xâm nhập mặn theo sông, rạch đang lăm le tràn vào ruộng đồng...

Hiện nay, nước mặn có độ mặn từ 40/00 trở lên đã xâm nhập sâu 30 km (tính từ cửa sông chính) ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang. Theo ước tính của Cục Trồng trọt, hàng trăm ngàn héc-ta lúa hè thu sớm, hè thu chính vụ và vụ tôm sú năm 2010 đang đối mặt với nguy cơ hạn, mặn ảnh hưởng đến năng suất. Đến cuối tháng 3.2010, khoảng 120.000 ha diện tích lúa xuân hè của các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng… có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn hán. Hiện Bộ NN-PTNT đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ 220 tỉ đồng cho nông dân 13 tỉnh, thành phố ở vùng ĐBSCL bơm tưới phục vụ xuống giống cho khoảng 550.000 ha trong tháng 4.2010.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT (Sở TN-MT TP Cần Thơ), nhận xét: “Năm nay, mới tháng 3 mà tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đã rất nghiêm trọng. Những năm trước, tình trạng này thường rơi vào tháng 4 - 5”. Trong khi đó, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đưa ra dự báo vào tháng 4 và tháng 5, xâm nhập mặn sẽ tiến sâu vào đất liền 40-45 km, thậm chí có nơi vào sâu đến 70 km. Hầu hết tại các sông chính vùng biển Đông, độ mặn 40/00 có thể xâm nhập sâu vào khoảng 40-45 km kể từ cửa sông. Trong đó, dọc sông Cửa Tiểu, tháng 3 và tháng 4 là hai tháng mặn xâm nhập sâu nhất, độ mặn 100/00 có thể vào đến vị trí cách cửa sông Cửa Tiểu đến gần 30 km; độ mặn 40/00 có thể xâm nhập sâu hơn 40 km tính từ cửa sông; độ mặn 10/00 xâm nhập sâu hơn 50 km tính từ cửa sông. Dọc sông Cung Hầu, độ mặn nền trong năm 2010 lớn hơn trung bình nhiều năm. Tại sông Trần Đề, độ mặn nền 100/00 trong tháng 4 và tháng 5 có thể xâm nhập đến vị trí cách cửa sông Trần Đề khoảng 30 km…

Thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay xâm nhập mặn đang tiến sâu vào đất liền từ 30-40 km với độ mặn 4‰. Dự báo nước mặn có thể tiếp tục lấn sâu vào đất liền đến 60 km. Ước tính nước mặn có thể trực tiếp đe dọa đến gần 35.000 ha cây ăn quả, trên 21.000 ha lúa đông xuân, 49.000 ha dừa, gần 7.000 ha mía, 5.500 ha rau màu và hoa kiểng…

Nước cho sinh hoạt của người dân trong vùng cũng ngày càng khan hiếm hơn. Tại một số địa phương như Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre phải chuyên chở nước ngọt từ nơi khác về để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Ở 3 huyện vùng biển của Bến Tre là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, hàng chục ngàn hộ dân đang thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt do tình trạng hạn, mặn diễn ra gay gắt. Ông Võ Văn Bé, Trưởng ban nhân dân ấp Thạnh Lợi, xã Bảo Thạnh (H.Ba Tri) cho biết: "Trước đây, vào mùa này người dân thường dùng nước giếng khoan để phục vụ sinh hoạt. Năm nay nước giếng khoan cạn sớm, cách đây cả tháng trời, nên hộ nào cũng phải mua nước ngọt với giá rất cao từ 20 - 30 ngàn đồng/m3. Thời điểm này mới vào cao điểm mùa khô, nên có thể giá nước ngọt sẽ còn tăng trong những ngày tới".

Chủ tịch UBND xã Biển Bạch (H.Thới Bình, Cà Mau) Trần Văn Tuấn cho biết hiện có trên 1.000 hộ dân ở đây đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Một số hộ dân đã cải tạo ao hồ để chứa nước dùng cho tắm giặt nhưng nhiều ao đã cạn kiệt, số còn lại nước bị nhiễm mặn không sử dụng được.

Phần lớn các đảo ở vùng biển Tây Nam cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước.

Chí Nhân - Dung Hà - Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.