Quy định mới về phúc khảo
Ông Trần Công Thành, Phó trưởng phòng Khảo thí - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT đã sửa nhiều điểm trong quy chế thi tốt nghiệp, trong đó có quy định về điều kiện phúc khảo.
Theo quy chế cũ, HS phải có điểm trung bình môn học hơn điểm thi 2 điểm trở lên thì mới được quyền xin phúc khảo, nhưng từ kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định sẽ nới lỏng điều kiện phúc khảo cho thí sinh theo hướng: chỉ cần điểm thi thấp hơn điểm trung bình môn học đó từ 1 điểm trở lên là HS đã có quyền nộp đơn xin phúc khảo.
Tại chương trình, ông Nguyễn Quốc Phong - Trợ lý Ban Biên tập Báo Thanh Niên đã trao 8 suất học bổng Nguyễn Thái Bình cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Báo Thanh Niên cảm ơn Đài PT-TH Hải Phòng đã phối hợp tổ chức thành công chương trình này. |
Một điểm mới nữa là về việc xử lý kết quả phúc khảo. Nếu như quy định cũ chỉ điều chỉnh điểm phúc khảo nếu điểm đó lệch so với điểm chấm lần trước từ 1 điểm trở lên thì từ năm nay, quy định này chỉ áp dụng với riêng môn Văn. Những môn còn lại nếu lệch từ 0,5 điểm trở lên là đã được điều chỉnh điểm của bài thi và điểm này sẽ được kết luận là điểm cuối cùng của môn thi đó.
Ông Thành cũng cho biết nội dung đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ nằm trong kiến thức của chương trình phổ thông THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. HS nên tham khảo những mẫu đề được xây dựng theo quy định về cấu trúc đề thi để có hướng ôn tập phù hợp.
Thắc mắc về tuyển sinh ĐH-CĐ
Chương trình cũng nhận được khá nhiều câu hỏi của HS quan tâm đến những vấn đề tuyển sinh và đào tạo của những trường ĐH đóng trên địa bàn thành phố. Một HS hỏi: “Trường ĐH dân lập Hải Phòng hiện nay cấp bằng có tương đương với các trường ĐH công lập hay không?”. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Hải Phòng, khẳng định: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, văn bằng của trường ngoài công lập và công lập hoàn toàn tương đương nhau. 76% sinh viên tốt nghiệp ra trường xin được việc làm đúng chuyên ngành. Trường còn chú trọng đào tạo, rèn luyện cho SV trình độ ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế; chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho SV thông qua nhiều hoạt động ngoại khóa.
Một HS khác đặt vấn đề: “Nếu em đăng ký vào một ngành có điểm trúng tuyển cao hơn điểm thi của em, nhưng điểm thi của em cao hơn điểm trúng tuyển các ngành khác của trường, vậy trường có cho em chuyển ngành không?”. Đại diện trường ĐH Hàng hải (Hải Phòng) trả lời: Trường sẽ căn cứ vào chỉ tiêu của từng ngành, kết quả thi tuyển sinh và nguyện vọng đã đăng ký dự thi của thí sinh vào trường để xếp ngành cụ thể. Nếu thí sinh không đủ điểm đậu vào ngành đăng ký dự thi thì được chuyển sang ngành khác cùng nhóm còn chỉ tiêu và có điểm xét tuyển thấp hơn.
Trong khi đó, trả lời thắc mắc của một HS: “Nếu không đậu hệ ĐH của trường ĐH Ngoại thương thì có được chuyển xuống hệ CĐ không?”, Phó phòng Đào tạo trường ĐH Ngoại thương cho hay: Thí sinh nào trượt ĐH mà thiếu khoảng 0,5 điểm sẽ được xem xét tuyển vào hệ CĐ của trường. TS đạt yêu cầu sẽ nộp hồ sơ xét tuyển tại trường hoặc qua đường bưu điện, nhà trường sẽ công bố điểm chuẩn trên website của trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chương trình cử nhân tài năng
Một HS trường THPT Lê Quý Đôn quan tâm tới điều kiện để được vào học hệ cử nhân tài năng trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Đại diện của trường này cho biết: Năm nay trường tuyển không hạn chế HS đoạt giải học sinh giỏi quốc gia từ giải ba trở lên. Chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng các ngành Toán, Toán-Cơ, Vật lý, Hóa học, Sinh học dành cho những SV đặc biệt xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản để tạo nguồn nhân tài cho đất nước. Sau khi trúng tuyển nhập học, SV được đăng ký xét tuyển vào hệ tài năng theo quy định riêng. Ngoài các chế độ dành cho SV chính quy đại trà, SV hệ tài năng được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 25 triệu đồng/năm, được cấp học bổng khuyến khích phát triển 1 triệu đồng/tháng, được bố trí phòng ở miễn phí trong ký túc xá; được hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để đạt trình độ tương đương IELTS 6.0.
Bên cạnh đó, tại chương trình, HS của TP Hải Phòng còn biết thêm nhiều thông tin về những cơ hội học chương trình cử nhân mà không phải trải qua kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó phòng Hợp tác và truyền thông - khoa Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), giới thiệu chương trình khá mới mẻ, đó là hình thức du học bán phần, với các chuyên ngành như: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Marketing... Tham gia chương trình này, sau 2-3 năm đầu học tại khoa Quốc tế, thời gian còn lại, SV sẽ sang học tại trường đối tác ở các nước: Mỹ, Anh, Úc, Hà Lan, Malaysia. SV tốt nghiệp trường nào sẽ được trường đó cấp bằng cử nhân. Chỉ tiêu tuyển sinh của chương trình này là 100 SV; không bắt buộc HS phải tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ mà chỉ cần tốt nghiệp THPT, điểm trung bình học tập năm lớp 12 đạt 6,5 trở lên.
Còn bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh thuộc Trung tâm Công nghệ đào tạo hệ thống việc làm (ĐH Quốc gia Hà Nội), thì giới thiệu về việc tuyển sinh đào tạo liên kết quốc tế qua chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh. Đối tượng tuyển sinh là những HS đang học lớp 12 hoặc đã tốt nghiệp THPT mà không cần phải tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Sau 8 học kỳ, SV sẽ được cấp bằng từ phía trường đối tác và có cơ hội du học chuyển tiếp.
Tuệ Nguyễn - Vũ Thơ
Tài trợ chính Đồng tài trợ
Bình luận (0)