Bất ổn tiêu thụ nông sản: Bài học từ... mít

23/03/2010 23:22 GMT+7

Nếu ngành công nghiệp chế biến VN phát triển, không những chấm dứt được tình trạng nông dân bị ép giá nông sản mà giá trị gia tăng mang lại cũng cao hơn.

Nâng cấp nông sản

Cũng như nhiều loại nông sản khác, mít có giá rất rẻ. Nhưng từ khi loại trái cây này được chế biến thành mít khô và đặc biệt để xuất khẩu, "vị thế" của trái mít được nâng cấp thêm một bậc.

Mặc dù "oai" như vậy nhưng chính người trong cuộc cũng vẫn còn băn khoăn. Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit - trăn trở, chế biến nông sản là một tiềm năng rất lớn của VN, là một trong những giải pháp để bình ổn giá nông sản cho người trồng. Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chế biến nhưng Vinamit vẫn không thể "bùng" lên thành một doanh nghiệp lớn mạnh do Nhà nước vẫn chưa có những chính sách ưu đãi cụ thể để doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Doanh nghiệp hiện nay vẫn đang phải tự “bơi” trong rủi ro. Đặc biệt, điều kiện tiên quyết của nhà máy chế biến là phải có vùng nguyên liệu, thế nhưng sản xuất của chúng ta hiện vẫn còn nhỏ lẻ. Dù nỗ lực rất nhiều nhưng Vinamit cũng chỉ xây dựng được những vùng quy mô nhỏ, chưa đủ sức tạo nên vùng nguyên liệu lớn để phục vụ chế biến.

Cũng do không có vùng nguyên liệu, số phận của mít vẫn long đong. Trưởng phòng một công ty sản xuất và chế biến trái cây sấy ở VN tiết lộ, để có những túi mít khô đựng trong bao bì sang trọng, vừa bán trong nước vừa xuất khẩu, công ty này đã nhập mít tươi từ Campuchia. DN qua Campuchia mua đất trồng mít, kể cả trồng thơm, rồi nhập về VN qua đường tiểu ngạch. 

Hồi đầu năm nay, nông dân Trần Văn Mến ở Cần Giuộc, Long An quyết định thành lập công ty, đầu tư tiền xây dựng kho sơ chế rau sạch ở TP.HCM để cung cấp cho thị trường. Theo ông, nếu phát triển được khâu chế biến, bảo quản thì nông sản nước ta bớt phận hẩm hiu. Ông Mến trước đây làm Chủ nhiệm HTX rau an toàn Phước Hiệp (Cần Giuộc, Long An) với 122 xã viên và một cửa hàng bán rau ở thị xã Tân An. Diện tích trồng rau 30 ha của HTX mỗi ngày thu hoạch được khoảng 5 tấn rau, nhưng chỉ có 1 tấn bán hết ở cửa hàng, 4 tấn còn lại phải bán cho thương lái bên ngoài. Lợi nhuận của xã viên vì thế phụ thuộc lớn vào thương lái, bấp bênh. Rời vai trò chủ nhiệm HTX một phần vì không thể thoát được cái vòng luẩn quẩn của “đầu vào đầu ra”, ông Mến thành lập Công ty TNHH Gia Nguyên, đóng ở đường Tên Lửa (Q.Bình Tân, TP.HCM). Công ty này bán gạo và rau của nông dân quê ông. Đầu ra cũng đã có vài chỗ đảm bảo. Đối với rau, ông sẽ cùng bà con xây dựng quy trình sản xuất an toàn, thành lập tổ hợp tác sản xuất sau khi kho sơ chế rau được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận.

Đâu đó khắp nơi, các "mô hình" chế biến kiểu ông Mến cũng đã mọc ra lẻ tẻ, không đủ để đáp ứng nhu cầu lớn của một nước đứng đầu thế giới về nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu như VN.

Giải bài toán được giá mất mùa

Theo Phó TGĐ Công ty C.P VN Suwes Wangrungarun, muốn giải quyết bài toán nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa, thì phải phát triển công nghiệp chế biến. Đơn cử, một trái chuối tươi nếu đem làm bánh sẽ được bảo quản lâu hơn, có thêm người ăn, nâng cao giá trị gia tăng, tạo việc làm cho người dân. C.P Group ở Thái Lan chế biến nhiều loại nông sản của nông dân, từ bắp, gạo, cao su... Nông dân có đất đai sẽ tập trung sản xuất, khoảng 10 - 20 hộ, theo mô hình cụ thể. Những hộ nông dân trồng cà chua sẽ ký hợp đồng với công ty sản xuất tương cà; nông dân trồng thơm sẽ ký hợp đồng với công ty chế biến đồ hộp... Tại nhiều vùng nguyên liệu, doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến trực tiếp, nông dân không cần chở đi đâu xa và không lo bấp bênh về giá. Cũng nhờ có các nhà máy chế biến nằm tận vùng nguyên liệu, không có cảnh trái cây chín phải đổ bỏ như ở VN.

Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN - PTNT nhận định, chế biến nông sản VN hiện tồn tại hai vấn đề. Thứ nhất, công nghệ chế biến nông sản VN chỉ ở dạng sơ khai, nông sản xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô nên đem lại giá trị gia tăng không cao, dẫn đến đời sống nông dân còn nhiều khó khăn. Thứ hai, công nghệ chế biến nông sản chưa phát triển cũng khiến không thể đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu nông sản, thị trường xuất khẩu không rộng lớn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là mô hình sản xuất nông nghiệp ở ta chưa phù hợp. Trong chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản giữa nông dân, thu mua, chế biến và quản lý nhà nước cũng chưa phù hợp. Công nghệ sản xuất, chế biến, trước - trong và sau thu hoạch chưa phát triển, nếu không muốn nói là lạc hậu. Theo ông Tấn, giải pháp chung là cần có liên kết mà lâu nay chúng ta đã nói tới, giữa 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà kinh doanh. Các “nhà” này phải ngồi lại, bàn xem trong sản xuất và chế biến nông sản yếu khâu nào, tồn tại cái gì để tìm cách giải quyết. Nhà khoa học và nhà nông được xem có mối quan hệ tốt nhất; còn DN nếu thấy hàng hóa được thì mua, không thì bỏ, khiến khâu tiêu thụ nông sản bị trì trệ. Nhà nước cũng chưa có sự quan tâm đúng mức để có chính sách thúc đẩy DN đầu tư vào công nghệ chế biến. Ở một khía cạnh khác, vốn đầu tư FDI vào nông nghiệp VN rất thấp.

Tiến sĩ Ngô Văn Hải, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phân tích, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các loại nông sản của VN tính theo USD vẫn tăng hàng năm nhưng chủ yếu là tăng do khối lượng nhiều hơn là do giá bán bình quân. Đa phần giá bán hàng hóa nông sản của VN thường thấp hơn sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc. Nguyên nhân chính là do VN xuất khẩu nguyên liệu thô và chất lượng thấp, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế. Ngành chế biến nông sản của VN vẫn còn kém phát triển, số sản phẩm nông nghiệp được chế biến so với tổng sản lượng thu hoạch được chỉ đạt 68% đối với mía đường, 35% đối với chè, 5% đối với rau quả, 1% đối với thịt... Cũng theo tiến sĩ Ngô Văn Hải, một trong những điểm yếu của ngành nông nghiệp hiện nay là chưa có quy hoạch sản xuất một cách đồng bộ gắn với thị trường. Đa phần lấy căn cứ dựa vào sự thích nghi phù hợp của cây trồng đối với điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khí hậu, ít khi căn cứ vào năng lực chế biến nông sản tại địa phương. Do vậy đến nay vẫn chưa có quy hoạch chính thống trong toàn quốc nhằm phân bổ kế hoạch trồng, thu hoạch chế biến và tiêu thụ nông sản. Tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều nông sản hàng hóa phải điều tiết từ sản xuất đến nơi chế biến nên phải tốn kém chi phí vận chuyển, bảo quản...

Ng.Trần Tâm - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.