Thoại là yếu tố thành công của phim
Bộ phim đầu tiên có âm thanh và lời thoại ở Hollywood là The Jazz Singer được phát hành vào năm 1927. Trước đó, các phim ở kinh đô điện ảnh thế giới này là phim câm. Phim kể về một ca sĩ nhạc jazz mà là phim câm thì còn gì hấp dẫn nữa?
Nhưng trước khi người ta lồng âm thanh và tiếng nói vào phim thì các phim câm cũng có lời thoại chứ không phải là không có, mỗi người vào rạp chiếu bóng được phát một tập giấy ghi lời thoại, mắt vừa liếc lên màn hình vừa liếc xuống tập lời thoại.
Lời thoại phim vào thời đó rất mộc mạc. Giai đoạn tiếp theo, lời thoại trong phim bắt kịp được với đời sống xã hội. Và bước sang giai đoạn mới nữa, chính những lời thoại trong phim dẫn dắt, gây ảnh hưởng lớn đến lời ăn tiếng nói của không chỉ dân chúng Mỹ mà còn của cả dân chúng trên thế giới.
Một bộ phim thành công là một bộ phim được nhiều người nhớ đến. Hình ảnh và lời thoại chính là hai yếu tố quan trọng nhất khiến người ta nhớ đến bộ phim. Xem xong một bộ phim, bạn không thể bắt chước diễn viên diễn một cảnh rượt đuổi ngoạn mục bằng xe hơi trên đường phố, đu dây trên trực thăng... Nhưng bạn hoàn toàn có thể áp dụng được những câu thoại bạn cho là hay vào cuộc sống.
Nói nhiều chưa chắc đã hay
Đặc điểm chung trong lời thoại của phim Hollywood là ngắn gọn, súc tích, tập trung vào thẳng diễn biến phim, không nhắc lại nội dung lời thoại đã sử dụng ở phía trước. Một nguyên tắc mà các trường dạy viết kịch bản ở Mỹ luôn nhắc với các học viên của họ: một câu thoại chỉ dài 3 inch (gần 9cm) trên giấy và hạn chế đừng cho một nhân vật nói quá 3 câu.
Những phim có lời thoại hay nhất
Casablanca (1942) |
|
Nhiều phương tiện truyền thông đã từng tổ chức xếp hạng những lời thoại hay nhất, dở nhất. Sách kỷ lục Guinness về phim ảnh cũng làm điều đó. Không ngạc nhiên khi trong danh sách của Guinness có câu thoại mang tính triết lý cao nhưng được diễn đạt một cách đơn giản của nhân vật Forrest Gump: “Mẹ tôi thường nói cuộc đời như một hộp chocolate, bạn không bao giờ biết bạn sẽ lấy hạt nào trong đó”.
Nhưng trong tốp 10 lời thoại hay nhất của Guinness cũng có những câu rất đơn giản như I’ll be back (Tôi sẽ trở lại) của nhân vật Terminator hay câu tự giới thiệu của điệp viên 007: “Tên tôi là Bond. James Bond”. Đó là những câu nói rất bình thường, chẳng mang chút triết lý nào, nhưng kết hợp với giọng nói và cử chỉ của diễn viên, nó trở thành bất hủ. Thế nên, điều quan trọng nhất là đặt lời thoại vào đúng chỗ, đúng nhân vật.
Không có công thức chung
Cách đây vài năm tạp chí giải trí Entertainment Weekly uy tín ở Mỹ đã tổ chức bình chọn những đoạn thoại ngớ ngẩn nhất trong các phim Hollywood. Thật ngạc nhiên là các phim hay như Pretty Woman, Notting Hill, Jerry Maguire, Dirty Dancing... lại bị đem ra làm ứng viên. Câu thoại trứ danh được khán giả nhiều thế hệ nằm lòng “Yêu nghĩa là không bao giờ nói lời hối tiếc” trong Love Story cũng là một ứng viên lời thoại dở nhất. Thế mới biết lời thoại hay hoặc dở không có một công thức chung tuyệt đối nào, tùy quan điểm mỗi người.
Tất nhiên vẫn có những công thức chung tương đối cho lời thoại hay. Nói đến tên nhà biên kịch Nora Ephron là người ta nghĩ đến ngay các câu thoại hay về tình yêu, quan niệm sống trong các phim tình cảm nhẹ nhàng như When Harry met Sally, You’ve got mail, Sleepless in Seatle... Bên cạnh cốt truyện, lời thoại trong các kịch bản của Nora cũng góp phần giúp bà có 3 tượng Oscar ở hạng mục kịch bản phim xuất sắc nhất.
Hay nói đến thể loại phim gangters thì người xem rất háo hức với những phim của đạo diễn Scorsese vì lời thoại rất đặc sắc. Trong khi các phim gangters khác tràn ngập những lời chửi thề như “shit”, “damn” (mà một thời về Việt Nam dưới dạng video hay bị dịch ẩu thành từ “chó chết”) thì phim của Scorsese ít những từ chửi thề trên, thay vào đó là những câu đầy đe dọa như: “Tao trông buồn cười lắm hả, như một thằng hề? Tao buồn cười ở chỗ nào? Nói đi. Nói xem tao buồn cười thế nào?”. Đó là lời của gã gangters Tommy De Vito trước khi tiễn một đồng nghiệp lên thiên đường (phim The Crood Fellas).
Ý kiến... (Nhân đọc bài Lời thoại phim Việt: Quanh năm vẫn chán - Xem TN TT> 23.3.2010)Tôi thấy phim Việt Nam cũng có phim hay phim dở chứ không phải phim nào cũng tạo cảm giác chán ngấy cho người xem. Nếu chúng ta phê bình quá gay gắt như vậy là phủ nhận toàn bộ sự cố gắng của các ê-kíp làm phim nói riêng và cả người Việt Nam nói chung, thế thì không nên. Cách hay nhất là chỉ ra những biện pháp để sửa chữa, khắc phục thì sẽ hơn là cứ ngồi đó đả kích._(bi@hcm.fpt.vn) |
Chính Phong
Bình luận (0)