9 điều “nóng” về kem chống nắng

26/03/2010 15:08 GMT+7

Nhiều người xem kem chống nắng như tấm khiên thần kỳ chống lại ánh nắng mặt trời, nhưng liệu chúng ta cứ bôi kem chống nắng thì ra đường vô tư?

Kem chống nắng (sunscreen, sunblock) là loại thuốc dạng xịt, gel, dung dịch, miếng dán, khăn lau hay thuốc bôi, có thể hấp thụ hoặc phản chiếu một số bức xạ cực tím trên vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời giúp bảo vệ da chống tình trạng cháy nắng.

Ba loại chính

Kem chống nắng chứa một hoặc nhiều bộ lọc tia cực tím (UV), trong đó có ba loại chính:

Các hợp chất hóa hữu cơ có thể hấp thụ các thành phần nguy hại ánh sáng cực tím (oxybenzone, sulisobenzone, avobenzone).

Các hạt vô cơ phản chiếu, tán xạ và hấp thụ tia UV (titanium dioxide, oxide kẽm, superoxide dismutase, phlebodium aureum).

Các hạt hữu cơ có thể phản chiếu, tán xạ hay hấp thụ ánh sáng tinosorb M, tinosorb S, mexoryl XL.

Hội Ung thư Mỹ khuyên nên sử dụng kem chống nắng vì có thể giúp ngăn chặn ung thư biểu mô tế bào gai và tế bào đáy.

Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng kem chống nắng có thể ngăn tình trạng da cháy nắng nhưng không ngăn chặn được bức xạ của tia UVA, do đó có thể làm tăng tỉ lệ u hắc tố ác tính, một loại ung thư da, vì người sử dụng kem chống nắng có thể tiếp xúc với quá nhiều UVA mà không cảm nhận được.

Một số lưu ý khi dùng kem chống nắng

1. Không nên ỷ lại việc sử dụng kem chống nắng để thường xuyên ở dưới nắng! Theo lý thuyết, kem có thể bảo vệ da không bị bỏng nắng (dấu hiệu đầu tiên là cảm giác nóng da).

Tuy nhiên, vì không thấy nóng da nên bạn cứ để các tia UV xuyên qua hàng rào phòng ngự của da, đi thẳng đến hạ bì và làm hư hại DNA, tăng tốc độ lão hóa và giúp ung thư càng dễ phát triển.

Ngoài ra, tia UVA và tia UVB còn là nguyên nhân gây cảm nắng. Về lâu dài những tác động của các tia này sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, làm cơ thể chống đỡ kém với một số chủng virus. Virus bệnh herpes gây mụn rộp hoặc giời leo chẳng hạn, rất dễ tái hoạt động dưới ánh mặt trời.

2. Các tia cực tím có thể xuyên qua mây, thủy tinh, thạch anh, cửa kính hay kính xe hơi. Vì thế dù có mặc quần áo dài tay, khi làm việc bên cửa sổ hoặc khi lái xe, bạn nên kết hợp bôi kem chống nắng để bảo vệ da.

Khi đi đường nên mặc áo tay dài, đeo găng tay, khẩu trang, đội nón rộng vành, đeo kính mát màu đậm có tròng kính ôm kín cả chân mày và đuôi mắt. Hạn chế ra nắng từ 11g-16g mỗi ngày, dù có dùng loại kem cực kỳ chất lượng.

3. Khi dùng các sản phẩm có độ SPF quá cao, những chất hóa học trong sản phẩm sẽ kết hợp với mồ hôi sinh ra những gốc tự do làm kích ứng da, gây một số tác dụng phụ như mụn, đỏ da, phát ban, bóng nước, cảm giác châm chích...

Vì thế trước khi dùng nên bôi thử ít kem vào một vùng da nhỏ chừng 1cm2 sau dái tai; 24 giờ sau, nếu không có dấu hiệu gì lạ thì có thể yên tâm sử dụng tiếp.

4. Trẻ em trên 6 tháng tuổi cũng cần sử dụng chất chống nắng vì hệ thống da chưa hoàn thiện, rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.

Tuy nhiên, cần tránh sử dụng cho trẻ những chất chống nắng có thành phần cồn vì có thể làm trẻ say.

5. Khi sử dụng kem chống nắng ở người già phải lưu ý vì kem có thể ngăn chặn một thành phần cần thiết cho cấu tạo xương là vitamin D trong ánh nắng hấp thu vào da. Trong khi đó, ở người già tình trạng loãng xương lại hết sức phổ biến.

6. Tóc cũng rất nhạy cảm với tia UV. Nắng gắt sẽ làm tóc mờ, giòn, gãy, khó chải. Nên đội nón khi ra đường và sử dụng thêm một số loại dầu gội, kem xịt tóc có chỉ số chống nắng SPF 20-35.

7. Da đang có vấn đề như bị mụn trứng cá, dị ứng, nám... vẫn có thể dùng kem chống nắng nhưng nhất thiết phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Với da bị mụn trứng cá nhiều nên dùng sản phẩm chống nắng dạng xịt để da thông thoáng, không làm nghẽn lỗ chân lông. Nếu da bị sạm, nám nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF cao.

Với da nhạy cảm, sản phẩm thích hợp là kem chống nắng không chứa chất bảo quản và tinh dầu thơm.

8. Không nên dùng chung một lọ kem cho mặt và toàn thân.

Với da mặt nên dùng loại kem chống nắng được dành riêng cho vùng này; nó không chỉ nhẹ, khô ráo mà còn thuận tiện cho việc trang điểm.

9. Trang điểm không cần thiết phải bôi kem chống nắng là một suy nghĩ sai lầm. Chất chống nắng trong mỹ phẩm chỉ giữ một chức năng phụ nên khả năng bảo vệ thấp, phấn phủ của lớp kem lại quá mỏng để có thể bảo vệ da.

Vì thế khi ra ngoài trời vẫn phải dùng kem chống nắng như là bước cuối cùng sau khi dưỡng da rồi mới trang điểm.

Chỉ số chống nắng

Chỉ số chống nắng SPF (Sun Protection Factor) hay IP (Indice de Protection) biểu thị khả năng bảo vệ da của kem chống nắng đối với tia UV. Đây là định mức đo lường số giờ tác dụng trung bình của một sản phẩm.

Theo định mức quốc tế, 1 SPF = 15 phút là khoảng thời gian chống nắng tối đa của sản phẩm nếu bạn thoa đúng độ dày 2mg/cm2 kem lên da. Ví dụ 15 SPF = 3 giờ 45 phút, có nghĩa sau 3 giờ 45 phút bạn phải thoa lại vì kem đã hết tác dụng.

Tuy nhiên, thời gian tác dụng này không ổn định do bụi bặm, mồ hôi, quần áo và nước. Lưu ý kem chống nắng chỉ phát huy tác dụng khi được thoa lên da trước khi ra nắng 30 phút.

Khi chỉ số SPF tăng gấp ba lần không có nghĩa là khả năng chống tia UV tăng gấp ba. Ví dụ, kem chống nắng có SPF 20 có thể hấp thu tối đa 95% tia UV, trong khi kem chống nắng có SPF 60 có thể hấp thu tối đa 98,3% tia UV.

Chỉ số SPF không thể tính bằng phép cộng với nhau khi bạn thoa hai loại kem bảo vệ chống nắng.

Với khí hậu và môi trường VN, nên chọn sản phẩm kem chống nắng có độ SPF trung bình, không phải sản phẩm có độ SPF càng cao thì càng tốt.

Trong TP chỉ cần dùng sản phẩm có độ SPF 20-30, khi đi biển mới cần dùng sản phẩm kem chống nắng có chỉ số SPF cao từ 60 trở lên.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.